Sở Y tế TP. HCM vừa có thông báo, trong tuần qua trên toàn thành phố có 239 trường hợp sốt xuất huyết, không có người tử vong.
Cụ thể, theo số liệu công bố, toàn thành phố có 239 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, giảm nhẹ so với số ca trung bình của 4 tuần trước (258 ca) và số ca bệnh cộng dồn đến tuần 14/2016 (6.378 ca) tăng 89% so với cùng kỳ năm 2015 (3.375 ca). Trong tuần không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế tiếp tục giám sát các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ. Phối hợp với địa phương truyền thông vận động người dân diệt muỗi, diệt loăng quăng. Giám sát tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp phù hợp.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt. Bên cạnh đó, người dân cần phối hợp với chính quyền và y tế địa phương trong công tác phun hoá chất diệt muỗi để phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt - Ảnh minh họa
Khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo một trong các triệu chứng: nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng... phải nhanh chóng đưa người bệnh đi khám bệnh và thông báo cho trạm y tế địa phương.
Bên cạnh đó, trong tuần qua toàn thành phố cũng ghi nhận 84 ca bệnh tay chân miệng nhập viện, tăng 12% so với trung bình 4 tuần trước (69 ca). Số ca bệnh cộng dồn đến tuần 14/2016 (952 ca) giảm 43% so với cùng kỳ năm 2015 (1.671 ca). Trong tuần không ghi nhận trường hợp tử vong.
Để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Sở Y tế cũng đề nghị tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát ca bệnh trong trường học và cộng đồng.
Hơn nữa, để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, mọi người và nhất là trẻ em, người chăm sóc trẻ nên thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Mọi người cần rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Thường xuyên lau chùi các bề mặt tường, sàn nhà, đồ vật, tay nắm cửa, vịn cầu thang đặc biệt là đồ chơi, vật dụng học tập của trẻ bằng các dung dịch tẩy rửa, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám và thông báo cho y tế địa phương. Đối với trẻ đang đi học, phụ huynh phải cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan bệnh tay chân miệng trong trường học.
Trước đó, chiều ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. HCM về việc phòng chống lây lan virus Zika trên địa bàn sau khi một phụ nữ mang thai dương tính với virus Zika do bị muỗi đốt. Tại buổi làm việc, Sở Y tế TP. HCM báo cáo người nhiễm virus Zika tại địa bàn là một phụ nữ 33 tuổi, đang mang thai 8 tuần, hiện sống tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Khởi bệnh ngày 29/3/2016 với triệu chứng phát ban và sau đó xuất hiện tình trạng viêm kết mạc. Trước khi khởi bệnh, bệnh nhân không đi đến vùng có dịch, không có quan hệ tình dục với người từ vùng dịch trở về và không tiêm chích hoặc truyền máu. Điều tra dịch tễ tại nơi bệnh nhân cư trú ghi nhận một vài trường hợp bị sốt trong tháng qua nhưng kết quả xét nghiệm không phát hiện virus Zika. Tại các điểm tầm soát khác, chưa ghi nhận ca bệnh do virus Zika. Hiện tại, các triệu chứng lâm sàng đã ổn. Bệnh nhân được nhân viên y tế tư vấn về việc theo dõi tình trạng thai nhi và các vấn đề liên quan đến bệnh do virus Zika. Ngày 8/4, TP. HCM cũng đã quyết định công bố có dịch bệnh do virus Zika ở địa bàn phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. |