Dịch bệnh bạch hầu tại Bình Phước từ cuối tháng 6 đến nay đã khiến 60 người mắc bệnh, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong. Lo lắng trước nguy cơ bệnh bạch hầu có thể xuất hiện tại TP. HCM, Trung tâm Y tế dự phòng đưa ra khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống ngay từ bây giờ.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, mức độ lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh.
Trẻ em dưới 15 tuổi chưa được chích ngừa sẽ bị mắc bệnh trước tiên. Bệnh còn có thể xảy ra ở người lớn nếu họ không được miễn dịch.
Bệnh bạch hầu tại Bình Phước đã khiến nhiều người nhập viện điều trị chủ yếu là trẻ em, trong đó có 3 trường hợp đã tử vong
Bệnh có biểu hiện ban đầu với các dấu hiệu sốt nhẹ, đau họng, ho, nói khàn tiếng, chán ăn. Triệu chứng điển hình của bệnh là giả mạc hai bên thành họng có màu trắng ngà, dai, dính khi bóc dễ bị chảy máu; vì thế bệnh được gọi là “bạch hầu”.
Bệnh có thể có những biến chứng nặng như gây tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, thoái hóa thận, hoại tử ống thận,… có thể dẫn đến tử vong.
Trước đây, bệnh bạch hầu là một trong những bệnh truyền nhiễm rất thường gặp ở trẻ em. Từ khi vắc xin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, số trường hợp mắc bệnh bạch hầu giảm rất đáng kể, chỉ còn rải rác vài ca bệnh ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, từ đầu năm 2015 đến nay hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm chưa ghi nhận trường hợp nào bị bệnh bạch hầu trên địa bàn thành phố, thế nhưng không vì thế mà chủ quan. Hiện trên địa bàn huyện Đồng Phú tỉnh Bình Phước đã có 60 người mắc bệnh bạch hầu tính từ cuối tháng 6 đến ngày 18/7, trong đó có 3 ca tử vong khiến tỉnh Bình Phước đã khẩn cấp công bố dịch cấp huyện.
Chính vì thế, để chủ động phòng bệnh bạch hầu có thể xuất hiện tại TP. HCM, bác sĩ Trần Thị Ái Huyên, Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM đưa ra lời khuyên để người dân biết chủ động phòng chống như sau:
Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Đối với trẻ em cần được tiêm vắc xin phối hợp có thành phần bạch Hầu đầy đủ, theo đúng lịch: Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ từ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: Khi trẻ từ 18 tháng tuổi.
Trẻ em được tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM
Những vắc xin này có thể được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm chủng dịch vụ. Phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng đúng độ tuổi quy định, không nên trì hoãn, ảnh hưởng đến khả năng phòng bệnh của trẻ.
Để hạn chế sự lây lan khi có trường hợp người mắc bệnh bạch hầu, mỗi người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày.
Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Khử khuẩn phòng ở và đồ dùng cá nhân của người bệnh bằng dung dịch khử khuẩn theo hướng dẫn của nhân viên y tế