PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cảnh báo: “Bệnh bạch hầu rất dễ lây lan, gây biến chứng ngừng tim. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc nếu chưa được tiêm vắc-xin”.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, từ ngày 9-12.7 có 3 người ở thôn 8A và 8B (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) tử vong do nhiễm virus bạch hầu. Hiện, nơi này vẫn còn rất nhiều người mắc, cán bộ y tế phải theo dõi, ngăn chặn bệnh lây lan, tái phát.
Trao đổi với phóng viên, PGS Trần Đắc Phu cho biết, bệnh bạch hầu rất dễ lây lan và có thể gây tử vong cho người mắc.
Theo ông, nếu vi khuẩn bạch hầu từ tay chân, quần áo hoặc các dụng cụ sinh hoạt mà người khỏe mạnh chạm vào, sau đó đưa tay lên họng cũng sẽ bị lây. Không chỉ có vậy, trong trường hợp điều trị bệnh bạch hầu, đặc biệt là trẻ nhỏ rất dễ gây biến chứng ngừng tim. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh bạch hầu nếu chưa có miễn dịch (tiêm vắc-xin).
Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đúng lịch. (Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ)
Lịch tiêm chủng vắc-xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi. |
Ngoài ra, khi phát hiện có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu, nhân viên y tế có thể điều trị ngay cho người bệnh bằng cách cho uống kháng sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp điều trị ban đầu, bởi khi hết hàm lượng kháng sinh, bệnh có thể tái phát. Do đó, để điều trị bệnh bạch hầu, tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất.
Trước thông tin xã Phước Lộc (nơi đang có dịch bạch hầu) nhiều năm qua người dân không được tiêm vắc-xin, ông Phu phủ nhận.
PGS Phu lý giải, xã Phước Lộc có 6 thôn nhưng công tác tiêm chủng được thực hiện tốt ở 4 thôn, chỉ có 2 thôn chưa tiêm chủng do tập quán người dân. Ở 2 thôn này, họ không bao giờ chữa bệnh, khi mắc bệnh họ chỉ cúng bái, nếu chính quyền can thiệp, lập tức họ bỏ lên núi, gây khó khăn cho công tác y tế. Chính vì thế, số lượng người và tử vong mắc tập trung chủ yếu ở 2 thôn này.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã yêu cầu tập trung dập dịch, hạn chế sự lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng tuyên truyền, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân ở 2 thôn này.
Ông Phu cũng cho biết, trước đây bệnh bạch hầu khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh. Số người mắc và tử vong thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân đưa trẻ tiêm chủng vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Người dân phải hường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
“Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo.