Sáng nay 7/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với chính quyền TP. HCM. Sở GD&ĐT thành phố đã trình bày nhiều kiến nghị, trong đó đáng chú ý là xin được tự xây dựng một bộ sách giáo khoa riêng theo khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT.
Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM đã báo cáo với Bộ trưởng thời gian qua chất lượng giáo dục của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.
Hiện tại mỗi năm, TP. HCM phải xây dựng hơn 3.000 phòng học để đáp ứng nhu cầu do số lượng học sinh trung bình tăng cao, khoảng 65.000 học sinh/năm. Việc số lượng học sinh tăng cao như vậy đã ảnh hưởng đến việc dạy và học, yêu cầu ngành giáo dục thành phố phải đảm bảo về chất lượng giảng viên, xây dựng trường lớp…Đặc biệt, tại các khu công nghiệp và khu chế xuất hiện nay, rất đông con của các công nhân ở lứa tuổi mầm non, đặt ra nhu cầu được đi học, có nơi giữ trẻ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm và làm việc tại TP. HCM
Ông Sơn trình bày và mong muốn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thời gian tới được cho phép được cơ chế đặc thù về giáo dục với một số nội dung cụ thể như sau:
Cho phép thành phố tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa riêng phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc là Văn - Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là 8 môn trong 1 năm.
Cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH-CĐ để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.
Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.
Giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, TCCN công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh... Giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC…) và công bố rộng rãi toàn quốc.
Tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của học sinh theo 4 kỹ năng Nghe - Đọc - Nói - Viết.
Cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường, cả trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại.