Người tiêu dùng Trung Quốc ngã ngửa khi biết thịt chuột được làm giả thành thịt cừu, thịt dê bày bán tại rất nhiều cửa hàng.
Bộ Công an Trung Quốc cho biết tổng cộng 904 người ở nước này đã bị bắt giữ trong một chiến dịch kéo dài ba tháng nhằm truy quét những đối tượng làm "thịt giả".
Đây là một phần trong chiến dịch truy quét tội phạm về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc từ tháng 1 năm nay. Một lần nữa, vấn đề an toàn thực phẩm và đạo đức trong kinh doanh lại khiến người dân Trung Quốc hoang mang.
Thịt chuột được hô biến thành thịt cừu, thịt dê thơm ngon
Theo tiết lộ của công an, từ năm 2009 hàng tấn thịt chuột, hồ ly, chồn đã được đưa từ tỉnh Sơn Đông về, được pha chế thêm chất keo gelatin, chất nhuộm đỏ cùng nhiều chất phụ gia khác để trở thành... thịt dê, thịt cừu.
Kẻ cầm đầu, có họ Wei, đã “tái chế” thịt chuột và các động vật khác bằng gelatin, nitrate và carmine (phẩm màu được sản xuất từ gián) rồi sau đó bán làm thịt cừu ở các chợ của nông dân ở tỉnh Giang Tô và Thượng Hải.
Những kẻ làm hàng gian hàng giả này đã thu lợi hơn 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,6 triệu USD) khi đưa số thịt chuột đội lốt thịt dê, thịt cừu này tiêu thụ khắp các chợ ở Tô Châu và Thượng Hải.
Một ý kiến trên mạng xã hội Weibo mỉa mai rằng: “Đã có bao nhiêu con chuột cống được làm giả thịt cừu? Do thịt chuột rẻ hơn thịt cừu hay là họ cảm thấy “cắn rứt” khi không được làm thịt giả”.
Rất nhiều ý kiến khác thì tỏ ý mất lòng tin vào khả năng quản lý thực phẩm của cơ quan chức năng Trung Quốc. Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết rằng cải thiện an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc.
Trước đây, Bộ Công An Trung Quốc từng thông báo về các vụ bê bối liên quan tới việc buôn bán thịt lợn và vịt chết vì bệnh hay thủ thuật tiêm nước vào thịt lợn để tăng thêm cân nặng và giá bán trên thịt trường. Nhiều vụ làm giả thịt đã cướp đi sinh mạng của người dân vô tội. Điển hình, hồi tháng 2, cảnh sát tỉnh Thiểm Tây – khu vực phía tây bắc Trung Quốc đã bắt giữ 1 nghi phạm bán thịt cừu non tiêm thuốc trừ sâu khiến 1 người tử vong sau khi ăn.
Năm 2008, dư luận Trung Quốc vô cùng bàng hoàng trước thông tin hàng chục ngàn trẻ em có nguy cơ bị sỏi thận và suy tạng do uống phải sản phẩm sữa chứa melamine – hóa chất cấm sử dụng trong ngành thực phẩm. Ít nhất, 6 trẻ sơ sinh đã tử vong và hơn 300.000 trẻ mắc bệnh do uống phải sữa độc.
Người tiêu dùng Trung Quốc gần đây cũng đã ngừng mua thịt gà và vịt do lo sợ nhiễm virus cúm H7N9. Trong khi đó, các bậc phụ huynh tại nhiều thành phố của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh đã được giới y tế cảnh báo chăm sóc sức khỏe cho con em tránh nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp trước tình trạng ô nhiễm môi trường.