Cách ăn uống có phần khó hiểu này bắt nguồn từ Thái Lan và được nhiều bạn trẻ Việt Nam bắt trend. Tuy nhiên, hành động này gây nên nhiều tranh cãi trên các hội nhóm đánh giá đồ ăn.
Năm 2021, nhiều hot trend ẩm thực ra đời trong bối cảnh dịch bệnh, từ những nguyên liệu đơn giản như cơm nguội cũng có thể biến tấu ra vài chục món ăn khác nhau, hoặc tận dụng các loại cây cỏ mọc dại không độc để chế biến thành bữa cơm thường ngày cũng được cư dân mạng ủng hộ và học theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những công thức nấu ăn khoa học và bổ ích thì cũng không ít trào lưu được xem là vớ vẩn, không mang tính sáng tạo, không phù hợp với bản chất của món ăn. Hot trend trộn kem vào bún phở là hiện tượng mới, đang gây nên nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây.
Kênh TikTok Tebefood đăng video trải nghiệm ăn kem với bánh canh cua
Đây là cách ăn uống mới được du nhập từ Thái Lan, sau đó nhiều TikToker Việt Nam bắt trend và thu hút được một lượng tương tác, phản hồi lớn từ cư dân mạng. Ở đất nước bắt nguồn cho kiểu ăn uống này, giới trẻ Thái Lan ăn kem với mì sốt Tom Yum, nhưng sang đến Việt Nam thì kem được ăn kèm với các món khác như bún riêu, phở, bún bò, bánh canh...
TikToker Gói Mang Về lại chọn mì Ramen Tomyum và ăn kèm với kem ốc quế
Đa phần các TikToker này sau khi trải nghiệm đều có đánh giá tích cực, dành nhiều lời khen có cánh cho sự kết hợp trên. "Nước lèo béo ngậy, ngọt và thơm hơn chứ không hề kì cục" là nhận xét của TikToker Gói mang Về.
TikToker Cô CaTe tự nấu mì ở nhà và trộm với kem
Mặc dù những người review chấm điểm rất cao cho món ăn này, nhưng công thức kết hợp kem với bún,mì lại không được lòng cư dân mạng trong nước. Nhiều người tỏ thái độ khá gay gắt và dùng nhiều từ ngữ chỉ trích nặng nề cho những ai ăn theo trào lưu.
"Này mà cũng ăn được thì xin thua luôn, nghĩ sao trộn kem với đồ ăn nhỉ. Nhìn thôi đã thấy không ngửi nổi chứ đừng nói đến việc ăn", một tài khoản tiktok tỏ vẻ không hài lòng. Nhiều người cũng phản hồi lại việc bản thân bị đau bụng sau khi thử cách ăn mới này.
Tài khoản Quang Huy để lại bình luận khá chi tiết: "Mình thấy các bạn ăn với mì ramen sốt Tom yum thì cũng được thôi, vì trong mì cũng có sốt kem rồi. Nhưng ăn với bún riêu, bún bò hoặc phở thì không hiểu nó ra vị gì nhỉ? Ẩm thực Việt Nam mình không chuộng ngọt mà thích ăn kiểu đậm đà, vị nào ra vị nấy. Ăn bún riêu cho thêm chút mắm tôm, ăn bún bò, phở thì vắt chút chanh hoặc thêm sa tế, hành tỏi ngâm mới đúng điệu. Mình nghĩ kết hợp cũng chẳng mất gì, nhưng mà liệu như vậy có thực sự tôn trọng người nấu và nền ẩm thực của nước mình không?"
Một số bạn cho răng cách ăn này rất dễ gây đau bụng
Tuy vậy một số bạn khác cũng cho rằng đây chỉ là mấy hot trend tạm thời, chứ không thể trở thành nét văn hóa ẩm thực được. Ai ham thích thử nghiệm những điều mới lại thì sẽ ăn một hoặc vài lần cho biết chứ khó mà đi sâu vào nếp ăn uống vốn có của Việt Nam.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến bênh vực các reviewer: "Món ăn đó chưa bị kết luận là ảnh hưởng nặng nề gì đến sức khỏe. Họ cũng chỉ trải nghiệm và ăn thử rồi nêu cảm nhận lại thôi chứ có ép ai ăn giống họ đâu mà chỉ trích nặng nề làm gì", tài khoản facebook Hồng Lam viết.
Đồng tình với ý kiến trên, bạn Như Ngọc cũng cho rằng đánh giá tốt hay xấu cũng chỉ là ý kiến cá nhân, không đại diện cho một nhóm người nào cả. Vậy nên dù khen hay chê thì tự mỗi người sẽ biết điều đó có phù hợp với bản thân hay không. Nếu không thích hoặc ăn không được thì nên bỏ ngoài tai những vấn đề không ảnh hưởng đến ai, đơn cử là hot trend ăn kem với bún, mì này.
Thái Lan được biết đến là thiên đường du lịch hàng đầu Châu Á. Nơi đây thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Nơi đây cũng đã sản sinh ra nhiều trào lưu ăn uống thú vị, được nhiều nước châu Á du nhập, biến tấu và trở thành những đồ ăn thức uống yêu thích của giới trẻ như trà sữa Thái, mực cuộn, gỏi đu đủ cay, pad Thái....