Trao nhầm con: Tờ giấy ADN lạnh lùng và những cuộc hội ngộ tréo ngoe

Ngày 15/07/2018 11:56 AM (GMT+7)

Có người mẹ, mất đến 42 năm mới tìm được con đẻ. Nhưng đó vẫn còn là hạnh phúc khi so với người đến giờ vẫn không biết con mình đang ở đâu…

Xôn xao vụ nuôi nhầm con 6 năm ở Hà Nội

Mấy ngày qua, câu chuyện trao nhầm con từ 6 năm trước ở BV Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) đang trở thành tâm điểm của dư luận.

Trao nhầm con: Tờ giấy ADN lạnh lùng và những cuộc hội ngộ tréo ngoe - 1

Chị Vũ Thị Hương và người con bị trao nhầm Đoàn Nhật M

Theo đó, ngày 1/11/2012, chị Vũ Thị Hương (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) đến BV này sinh con. Bé Đoàn Nhật M được đón về trong niềm hạnh phúc của cả gia đình.

Năm 2014, chị Hương sinh con thứ 2. Sóng gió ập đến, trong khi bé trai thứ 2 càng lớn càng giống bố mẹ thì bé M lại càng ngày càng… khác.

Chồng chị nghi ngờ sự chung thủy của vợ khiến mâu thuẫn liên tục xảy ra. Không hàn gắn được, vợ chồng chị ly hôn, 2 đứa con ở với mẹ. M rất ngoan và bám mẹ.

Tháng 3/2018, nhận được thông tin 6 năm trước đã bị bệnh viện trao nhầm con với gia đình anh Phùng Giang Sơn, chị vô cùng sốc và luôn hy vọng đó không phải là sự thật. Thế nhưng, kết quả xét nghiệm AND chứng minh M không phải con ruột chị đã khiến hi vọng ấy tan vỡ. Chị đã phải mất rất nhiều thời gian để trấn tĩnh lại.

Hiện, gia đình chị Hương và gia đình anh Phùng Giang Sơn (thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) đã ngồi lại với nhau để nói chuyện và bàn bạc.

Gần nửa thế kỷ nuôi “con người ta” và giọt nước mắt trùng phùng

42 năm là khoảng thời gian bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (Quán Thánh, Hà Nội) đau đáu một nỗi niềm riêng mỗi khi nghĩ đến người con gái Tạ Thị Thu Trang.

Trao nhầm con: Tờ giấy ADN lạnh lùng và những cuộc hội ngộ tréo ngoe - 2

Bà Hạnh (bên phải) và mẹ con chị Trang - người con mà bà đã được trao nhầm từ năm 1974

Ngày 10/10/1974, bà Hạnh hạ sinh một bé gái tại nhà hộ sinh Phan Huy Ích (Ba Đình, Hà Nội). Bé gái được đánh số 33, cùng số với mẹ rồi đưa ra ngoài chăm sóc.

Nhưng khi nhận lại con, bà lại thấy số thứ tự được đánh trên chân đứa trẻ là 32.

Gia đình bà đã đi tìm nhưng không thấy em bé nào có số 33. Khi hỏi bác sĩ thì được giải thích là số 33 trên chân đứa trẻ bị mờ trong lúc tắm nên biến thành số 32. Bà Hạnh ôm con về nhưng trong lòng không khỏi hoài nghi.

Khi con được 20 tuổi, bà Hạnh làm xét nghiệm ADN thì cả hai lần đều cho kết quả "con gái và mình không cùng huyết thống".

Đúng dịp sinh nhật thứ 41 (10/10/2015) của con, bà đã tiết lộ sự thật này. Ai nấy đều sốc.

Gia đình bà đã nhờ công an trợ giúp tìm người thân.

Một ngày đầu tháng 6/2016, chị Y (sống ở phố Huế) tìm đến nhà bà Hạnh. Vừa nhìn thấy chị, bà Hạnh đã khóc oà vì thấy chị rất giống bà và người con gái lớn. Chị Y. cũng ôm bà Hạnh, gọi “mẹ” rồi khóc như mưa.

Bà Hạnh đã tìm được người con gái ruột và chị Trang cũng đã tìm được người dứt ruột sinh ra mình. Một cái kết có hậu đã đến sau hơn 4 thập kỷ đằng đẵng.

Hạnh phúc nhân đôi

Ngày 10/1/2013, chị Nguyễn Thị Thu Trang (Bình Long, Bình Phước) đến BV thị xã Bình Long sinh con. Bé Lan Anh được đón về như những đứa trẻ bình thường khác.

Nhưng càng lớn, bé càng không giống ai trong nhà khiến chồng chị Trang nghi ngờ vợ ngoại tình, cuộc sống vì thế mà không yên ấm.

Trao nhầm con: Tờ giấy ADN lạnh lùng và những cuộc hội ngộ tréo ngoe - 3

Lan Anh (trái) cùng Ngọc Yến chơi với nhau tại nhà mẹ Liên

Đầu tháng 5/2016, trong lần đi bán bánh mì ở làng bên, bố chị Trang nhìn thấy bé Ngọc Yến. Kỳ lạ là bé gái này rất giống cháu ngoại đầu của ông nên trong ông dấy lên sự nghi ngờ.

Lúc này, chị Trang đi xét nghiệm ADN thì phát hiện hai mẹ con không cùng huyết thống.

Nhận được khiếu nại, BV Bình Long đã đưa 2 bé gái nghi bị trao nhầm đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo. Bé gái mà chị nuôi từ khi sinh ra đến giờ thực chất là con đẻ của chị Thị Liên, ở cách nhà chị 5km.

Theo tường trình của các hộ sinh trực hôm ấy, có thể trong lúc tắm rửa sau sinh, dấu mực được đánh trên tay bé bị phai nên mới dẫn đến việc trao nhầm.

Đến nay, hai bé gái giờ đây thân thiết như 2 chị em ruột và sống chung dưới mái nhà của 2 gia đình.

4 năm nuôi nhầm con và cái kết có hậu

Ngày 6/12/2012, chị Trâm Anh (Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) được đưa vào BV Phụ sản tỉnh Thanh Hóa. Chị sinh con gái bằng phương pháp mổ bắt con.

Trao nhầm con: Tờ giấy ADN lạnh lùng và những cuộc hội ngộ tréo ngoe - 4

Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, nơi xảy ra vụ trao nhầm con năm 2012

Sau đó chị được đưa về phòng hồi sức cùng một sản phụ khác cũng sinh mổ.

Ít giờ sau, họ được hộ sinh trao trả con và không mảy may nghi ngờ về giọt máu của mình.

Gia đình chị Trâm Anh sau đó chuyển vào Đà Nẵng sinh sống cùng con gái.

Tuy nhiên, thấy con gái càng lớn càng không giống cha mẹ, chị Trâm Anh lấy mẫu đi kiểm tra ADN và hoảng hốt khi nhận được kết quả con gái nuôi 4 năm không phải đứa con mình đứt ruột đẻ ra.

Ngày 7/6/2016, chị quay lại BV Phụ sản Thanh Hóa đề nghị tìm kiếm đứa con thất lạc.

Ngay sau đó phía bệnh viện đã kết nối với 2 gia đình, và cả 2 gia đình đều đồng ý nhận lại con bị trao nhầm.

Con gái khắc khoải đi tìm mẹ đẻ sau 29 năm bị trao nhầm

Trao nhầm con: Tờ giấy ADN lạnh lùng và những cuộc hội ngộ tréo ngoe - 5

Chị Lê Thanh Hiền và người mẹ Phan Thị Tuyết Hoa

Ngày 12/12/1987, bà Phan Thị Tuyết Hoa (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) sinh con tại nhà hộ sinh quận Đống Đa. Bà đặt tên con là Lê Thanh Hiền.

Ngay từ nhỏ, chị Hiền đã có những nét khác biệt với các anh chị khác trong gia đình.

Sau khi lấy chồng và sinh 2 con, xét nghiệm máu chị Hiền nhận thấy chị có nhóm máu B, nhưng trong sổ khám bệnh bố chị lại nhóm máu O.

Hè 2013, sau nhiều đêm trằn trọc, chị âm thầm lấy mẫu tóc của mẹ mang đến Trung tâm giám định sinh học pháp lý (Viện khoa học hình sự, Bộ công an) để làm giám định.

Kết quả khiến chị không khỏi choáng váng: Chị không cùng huyết thống với cha mẹ.

“Tôi sốc và không thể đứng vững, cảm giác bị tổn thương và đau nhói trong tim. Tôi khóc, nấc nghẹn từng tiếng", chị Hiền xúc động kể lại.

Để tìm lại cha mẹ ruột, chị cùng chồng đến nhà hộ sinh quận Đống Đa hỏi giấy tờ từ 29 năm trước.

Sau quá trình tìm hiểu, bà Tô Thanh Th được cho là có nhiều nét gần giống chị Hiền nhất. Nhưng kết quả xác định chị không phải con gái đẻ của bà Th. Và đến bây giờ chị vẫn đau đáu khát khao tìm được đấng sinh thành.

Động thái mới của người mẹ ly hôn chồng vì sự cố trao nhầm con ở Ba Vì
Trước mắt, khi năm học mới bắt đầu, hai gia đình sẽ thống nhất đưa 2 cháu bé bị trao nhầm về nhà anh Sơn để các con đi học cùng nhau.
Theo Phương Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vụ trao nhầm con ở bệnh viện