Theo PGS.TS. BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam là khá trầm trọng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc dùng kháng sinh vô tội vạ cho trẻ em của cha mẹ.
Nguy hại từ việc lạm dụng kháng sinh cho trẻ em
Ngày 17/11, tại buổi sinh hoạt khoa học chủ đề về Sử dụng kháng sinh an toàn và chống kháng thuốc ở trẻ nhỏ, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh việc lạm dụng kháng sinh cho trẻ em.
Hiện nay, phụ huynh coi kháng sinh là thuốc trị bất kỳ bệnh nào và chỉ bằng cách tra trên mạng. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, đa kháng thuốc như hiện nay.
Có nhiều trẻ hiện nay chỉ bị viêm đường hô hấp trên nhưng phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới với liều cao hoặc kết hợp kháng sinh để điều trị gây ra nguy cơ đe doạ đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng của trẻ em Việt Nam trong dài hạn. Trách nhiệm này thuộc về các bậc cha mẹ cũng như các bác sỹ Nhi khoa.
Kháng kháng sinh có nguyên nhân từ cả người bệnh và thầy thuốc. Nếu thầy thuốc kê đơn thuốc chưa hợp lý sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Gen kháng kháng sinh sẽ truyền chéo nếu bị kháng kháng sinh khi chữa đau răng thì sau này nếu bị bệnh khác như viêm phổi cũng sẽ bị kháng kháng sinh mà không chữa được.
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng tại buổi sinh hoạt khoa học.
Bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhi phụ thuộc vào phụ huynh trong việc sử dụng thuốc. Mà tại Việt Nam, các bậc phụ huynh có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh để chữa mọi bệnh cho con, nhà thuốc tự ý bán thuốc kháng sinh mà không cần đơn. Chính vì vậy, Việt Nam nằm trong các quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất trên thế giới…
"Trước đây, khi trẻ em có dịch mũi màu xanh hoặc vàng thì bác sĩ cũng như các mẹ đều cho dùng kháng sinh vì lo ngại tình trạng nhiễm khuẩn. Nhưng thực tế, dịch mũi màu xanh và vàng lại có thể thể hiện bệnh sắp khỏi và không cần kháng sinh.
Hoặc như khi trẻ đau tai và viêm tai, trước đây thì bác sĩ sẽ kê kháng sinh. Nhưng nay, nếu tai không chảy dịch thì bác sĩ sẽ để trẻ chờ thêm 2 ngày, nếu bệnh không tăng nặng thì không cần dùng kháng sinh" - PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nêu ví dụ.
Đồng quan điểm trên, Dược sỹ Nguyễn Bá Nghĩa khẳng định “Nếu như bệnh nhi ho, hắt hơi, sổ mũi mà cũng sử dụng kháng sinh do nhà thuốc tự ý bán, chắc chắn lâu dài sẽ gia tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc bởi vì rất nhiều trường hợp viêm đường hô hấp hoàn toàn không phải do vi khuẩn gây ra, dùng kháng sinh vừa không hiệu quả, vừa tốn kém và gây ảnh hưởng bất lợi tới trẻ”.
Dược sỹ Nguyễn Bá Nghĩa nói về một số biện pháp giúp hạn chế kháng thuốc kháng sinh.
Cần làm gì để hạn chế kháng thuốc kháng sinh
Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Nghĩa, để hạn chế kháng thuốc kháng sinh, có hai biện pháp bổ sung tốt nhất đó là người dân chủ động phòng bệnh bằng biện pháp tiêm vaccine, tăng cường miễn dịch… và chủ động phối hợp điều trị nâng cao hiệu quả sử dụng kháng sinh trị bệnh bên cạnh việc nâng cao nhận thức và trình độ sử dụng thuốc của thầy thuốc, người tiêu dùng
Dược sĩ Nghĩa dẫn chứng rằng, hiện nay trên thế giới có nhiều biện pháp khác nhau để phòng bệnh và nâng cao hiệu quả sử dụng kháng sinh nhưng nổi bật nhất là biện pháp, ly giải tế bào vi khuẩn.
Bởi ly giải tế bào vi khuẩn thế hệ mới, sử dụng theo dạng ngậm không chỉ tăng miễn dịch đặc hiệu toàn thân mà còn tăng miễn dịch tại chỗ, do đó có tác dụng chống nhiễm trùng hô hấp đặc biệt hiệu quả. Đặc biệt là hỗn hợp ly giải vi khuẩn này đặc biệt an toàn với trẻ nhỏ.