Từ thực tế điều trị cho các bệnh nhân bị kháng kháng sinh, các bác sĩ nhận định: việc bệnh nhân tự ý dùng kháng sinh để lại rất nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, thậm chí là phải đánh đổi cả tính mạng.
Tình trạng tự ý mua kháng sinh về dùng, lạm dụng kháng sinh để điều trị bệnh cho chính mình và con cái của các bậc phụ huynh đã gây ra không ít tác hại khôn lường. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trẻ suýt mất mạng sống vì người lớn cho dùng kháng sinh vô tội vạ. Để tìm hiểu rõ hơn về việc này, cũng như góp phần giảm thiểu những sự việc đáng tiếc liên quan đến sử dụng kháng sinh, chúng tôi xin giới thiệu chùm bài viết với nhiều ý kiến tư vấn của chuyên gia, bác sĩ tại các bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội. Kỳ 1: Suýt mất mạng vì tự ý mua kháng sinh điều trị Kỳ 2: Tự ý dùng kháng sinh còn nguy hiểm hơn cả HIV Kỳ 3: Khi nào phụ huynh nên cho trẻ dùng kháng sinh? Kỳ 4:Cục Khám chữa bệnh nói gì về tình trạng lạm dụng kháng sinh? |
Hơn 90% phụ huynh tự ý dùng kháng sinh
Trước tình trạng tự ý sử dụng kháng sinh của người dân hiện nay, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu về vấn đề này. Đặc biệt là những hệ lụy của kháng sinh đối với sức khỏe nếu không được điều trị đúng phắc đồ và đúng theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của ngành y tế chỉ là “muối bỏ bể” vì ý thức “tiện đâu mua đó” của người dân.
Không chỉ ở Việt Nam mà mới đây Tổ chức Y tế thế giới cũng đã lên tiếng cảnh báo tình trạng vi khuẩn kháng lại thuốc đang gia tăng và hệ quả nghiêm trọng hơn cả HIV/AIDS khi cơ thể người có vi khuẩn kháng thuốc không còn đáp ứng với các loại thuốc. Một trong các nguyên nhân chính dẫn tới kháng thuốc là việc sử dụng kháng sinh tràn lan, không hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng là người đã cứu rất nhiều bệnh nhi bị kháng kháng sinh nguy kịch.
Nhận định về việc tự ý sử dụng kháng sinh trên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện tình trạng lạm dụng kháng sinh đã diễn ra phổ biến ở người dân. Tỉ lệ phụ huynh tự ý sử dụng kháng sinh chiếm tới hơn 90%.
“Nhiều phụ huynh khi trẻ mắc bệnh đã tự ý ra hiệu thuốc kể triệu trứng bệnh của trẻ, sau đó nhân viên bán thuốc kê cho vài loại kháng sinh về sử dụng. Bên cạnh đó, hiện người dân thường sử dụng lại đơn của bác sĩ đã kê trước đó, hay học hỏi kinh nghiệm dùng thuốc của hàng xóm, hoặc dùng thuốc theo chỉ dẫn trên mạng Internet”, PGS Dũng cảnh báo.
Còn tại các bệnh viện tuyến cơ sở, nơi đầu tiên tiếp nhận những bệnh nhân “nhờn” kháng sinh phải chuyển vào bệnh viện cũng phải lắc đầu ngao ngán. Trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Phượng Hương – Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ - Hà Nội) cho biết, ở địa phương, người dân đa phần là tự đi mua thuốc nhiều hơn là bác sĩ kê đơn và họ chỉ đến bệnh viện khi tự điều trị tại nhà không khỏi.
Nói về tình trạng sử dụng kháng sinh khi bệnh nhân vào viện điều trị, BS Hương cho biết, lượng bệnh nhân vào viện cả ngoại trú và nội trú phải dùng kháng sinh điều trị chiếm khoảng 50%.
“Tất cả những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nhiễm khuẩn mệt mỏi, môi khô và xét nghiệm có nhiễm trùng thì các bác sĩ cho dùng kháng sinh. Ngoài ra, biểu hiện trên xét nghiệm ở những trẻ tiêu chảy, nếu xét nghiệm trong phân có hồng cầu, bạch cầu thì sẽ cho dùng kháng sinh”, BS Hương nói.
Bác sĩ cũng không tự ý kê kháng sinh
Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Vũ Trung – Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi trả lời về vấn đề lạm dụng kháng sinh. Theo đó, PGS Trung cho biết, theo nguyên tắc nếu điều trị kháng sinh phải dựa vào kết quả định danh vi sinh và kháng sinh đồ, chứ không thể dựa vào kinh nghiệm hay thăm khám lâm sàng.
Bác sĩ kê đơn thuốc có kháng sinh cũng phải dựa vào xét nghiệm.
“Kể cả bác sĩ có kinh nghiệm hay dựa vào thăm khám lâm sàng đi chăng nữa thì cũng không thể nào cho được một phán đoán chính xác rằng, con vi khuẩn đấy là vi khuẩn gì và việc chỉ định kháng sinh chính xác để điều trị là rất khó”, PGS Trung nói.
Theo PGS.TS Trung, hàng năm Bệnh viện nhiệt đới TW tiếp nhận hàng nghìn trường hợp bệnh nhiễm khuẩn, có những trường hợp bệnh nhân tự đến và cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên. Những bệnh nhiễm khuẩn thường gặp là bệnh nhiễm khuẩn kết, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường hô hấp hay nhiếm khuẩn đường tiêu hóa.
BS Trung cho biết, những trường hợp nhiễm khuẩn như trên, biện pháp điều trị là phải dùng kháng sinh và nguyên tắc khi dùng kháng sinh là phải xác định được vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ, có nghĩa là phải xác định được con vi khuẩn đó nhạy cảm với kháng sinh gì và kháng với kháng sinh gì sau đó bác sĩ sẽ chọn kháng sinh phù hợp để điều trị.
“Nếu một bệnh nhân điều trị không khỏi có nghĩa là bác sĩ chọn kháng sinh đồ không đúng. Việc chọn kháng sinh đồ không đúng sẽ dẫn đến kéo dài thời gian điều trị. Nếu bình thường điều trị 7 – 10 ngày là khỏi, nhưng vì xác định không đúng mà số thời gian điều trị phải tăng lên gấp đôi, kéo theo đó số tiền điều trị cũng tăng theo, thậm trí do điều trị không kịp thời có thể gây nguy hiểm”, PGS Trung cảnh báo.
Kỳ 3: Khi nào phụ huynh nên cho trẻ dùng kháng sinh?