Hè đến, thay vì được bố mẹ đưa đi chơi, đi học học thêm... thì trẻ em ở các vùng nông thôn xứ Nghệ lại chăm chỉ làm lụng, phụ giúp bố mẹ để gom góp tiền mua sách vở, chuẩn bị cho năm học mới.
Mong muốn có tiền để mua sách cho năm học mới
Đối với trẻ em ở những vùng quê nghèo xứ Nghệ, vào dịp hè là lúc kiếm tiền để mua sách vở, quần áo cho năm học mới. Bọn trẻ kiếm tiền bằng nhiều việc làm khác nhau như đi chăn thuê dê, bò, hay thậm chí là đi mò cua bắt ốc, buôn bán. Do hoàn cảnh khó khăn, vì vậy thời gian nghỉ hè là lúc các em tìm cách góp tiền.
Em Nguyễn Văn Tình (10 tuổi, ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng là một trong rất nhiều trẻ con ở quê đi làm thêm. Tình tâm sự: “Nhà em thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ chỉ dành dụm lắm mới mua được 1 con bò, em chỉ giúp được bố mẹ bằng cách đi cắt cỏ, chăn bò thôi".
Đi chăn thuê bò, dê là công việc mà nhiều trẻ em ở các vùng quê làm để góp tiền cho năm học mới.
Tuy nhiên, nhiều người trong làng thấy vậy, cũng mua bò về rồi gửi em chăn giúp. Sau đó họ trả công cho em. Mỗi ngày Tình đi chăn đàn bò từ 7h sáng đến trưa thì đóng cọc cho bò trú còn em về để ăn cơm. Khoảng 2h chiều em lại ra chăn đàn bò đến khoảng 5h là đưa bò về.
"Hè đến là da chúng em đen sạm hẳn vì đi chăn bò thuê ngoài cánh đồng, nơi bãi cỏ. Nhiều lúc nắng mưa thất thường, thế nhưng em ít ốm lắm, vì đã quen với công việc này từ lúc 4 tuổi khi đi theo anh chị rồi. Hết dịp hè, họ cho bao nhiêu tiền thì lấy bấy nhiêu, có người thì vào năm học cho cái áo, tập vở như thế là em mừng lắm rồi" - Tình cười vui vẻ.
Không những Tình nhiều bạn còn đi bắt ốc, mò cua. Lớn tuổi hơn một chút thì đi theo cha mẹ làm thuê để kiếm tiền mua sách. Em Nguyễn Thị Hằng, xã Diễn Hồng, Diễn Châu năm nay mới 15 tuổi nhưng Hằng đã biết mua dưa ở vườn của nông dân, rồi đem lên đường quốc lộ để bán lại kiếm lời.
Khi hỏi Hằng, em hồn nhiên trả lời: “Bố mẹ ở nhà ngày nào cũng đi buôn rau muống, bán cà pháo, em thấy thế rồi xin phép bố mẹ cho mấy chục nghìn vốn đi mua dưa bán lại. Hết mùa hè em sẽ có tiền riêng để lo cho năm học mới, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ. Đây cũng chỉ là công việc làm thêm thôi, hết hè em lại đi đến trường”.
Thường thì sân chơi trong dịp hè cũng là nơi các em “lao động”
Hằng cũng chia sẻ thêm: “Ở quê chúng em, hầu như hè đến các bạn đi làm phụ giúp bố mẹ hết, bạn nào nhỏ quá thì mới ở nhà. Quê nghèo thì lấy đâu ra sân chơi, tuổi thơ chúng em gắn bó với ruộng vườn, cây lúa, con bò quen rồi, đó cũng là sân chơi của chúng em luôn.
Bọn em ít được nhận quà và không bao giờ dám đòi quà, xin tiền bố mẹ. Bố mẹ đã vất vả nuôi chúng em ăn học, lớn lên đã ý thức được việc tự lo cho bản thân quen rồi".
Hằng cảm thấy mình may mắn vì có điều kiện lo cho năm học mới, một số bạn hoàn cảnh gia đình khó khăn còn không được đến trường chứ chưa nói đến chuyện sách vở, quần áo. "Vùng đồng bằng như quê em có điều kiện để làm nhiều việc, trên miền núi em xem ti vi thấy các bạn cùng lứa tuổi còn khổ hơn gấp ngàn lần. Sắp vào năm học mới, em sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng cha mẹ”, Hằng quyết tâm.
Chị Nguyễn Thị Hà (xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu) tâm sự: “Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, nhà lại có tới 4 đứa con, gia đình chỉ có mảnh ruộng nhỏ không đủ ăn, vì vậy đến dịp hè là mấy người con lại đi làm thuê, cuốc mướn.
Tội nhất là thằng con trai út mới 9 tuổi nó ham học, nên cứ đòi mẹ đi chăn thuê dê để kiếm tiền học. Thực ra nghèo khó đến mấy tôi cũng không để con thất học, tiền sách có thể lo được nhưng không đầy đủ chu đáo cho các con thôi.
Chúng nó đi học không bằng bạn bằng bè về tủi thân nó lắm. Nghĩ lại thì ai ở quê mà chẳng vất vả, khó khăn. Trẻ em ở quê nhà đứa nào có điều kiện thì ở nhà học thêm này nọ, gia đình nào hoàn cảnh khó khăn con cái đều đi làm thuê như con cái của tôi cả. Khó khăn thì chấp nhận thôi".
Khi hỏi các em ước muốn gì trong kỳ nghỉ hè, hầu hết các em đều trả lời là muốn có quần áo mới, sách mới, đôi dép mới. Đối với trẻ em ở quê, sợ nhất khi vào năm học mới mà chưa có tiền để mua sách vở, chưa có bộ quần áo mới để đi khai giảng.
Chính vì điều đó mà hè đến, bọn trẻ tự mày mò, tìm mọi cách để góp tiền vừa giúp đỡ cha mẹ, vừa có tiền để lo cho năm học mới.