Người dân không chịu nổi cảnh bọ đậu đen xuất hiện bất thường đành dọn đi nơi khác sống. Nhiều đứa trẻ bị bọ chui vào tai phải đến cơ sở y tế gắp ra.
Dời nhà vì bọ
Khoảng 1 tháng trở lại đây, hơn 100 hộ dân tại thôn 3, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, sống dở chết dở với tình trạng bọ đậu đen xuất hiện dày đặc. Anh Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Những năm trước, bọ đậu đen cũng có xuất hiện nhưng không nhiều. Chẳng hiểu vì sao, năm nay, loại bọ này xuất hiện nhiều vô kể. Mỗi ngày, anh quét nhà gần cả chục lần nhưng vẫn hốt được cả một đống lớn. Trong nhà kho, nếu quên quét dọn một ngày là bọ bám thành từng mảng dày lên đến gần 10 cm.
Bọ xuất hiện nhiều nhất vào những ngày mưa nhỏ. Đặc biệt, những đêm có trăng là bọ lại xuất hiện nhiều hơn thông thường. Gia đình anh đã sử dụng rất nhiều biện pháp với mong muốn giảm thiểu bọ vào nhà như đóng kín cửa, tắt điện, phun thuốc trừ sâu, thuốc rầy… nhưng tất cả đều vô hiệu.
Bọ đậu đen xuất hiện bất thường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân
Theo anh Tuấn Anh, bọ đậu đen không gây hại cho mùa màng, vật nuôi, cây trồng, không cắn người nhưng lại bốc mùi hôi rất khó chịu. Mùi của chúng khiến người dân ăn không ngon, ngủ không yên. Thậm chí, nhiều người đã bị dị ứng với mùi hôi của loại bọ này.
Vì bọ đậu đen, gia đình ông Trần Xuân Ngọc đành dọn đi nơi khác sống tạm vì không chịu nổi mùi hôi và sự xuất hiện nhiều bất thường. Ông Ngọc cho hay, loại bọ này xuất hiện vào đầu tháng 5 và ngày càng nhiều hơn trước. Có ngày, ông quét dọn khắp nhà bắt được cả 100 kg. Bọ bám khắp nơi trong nhà như tường, tủ, cửa, hốc, hẻm…
Bọ ông bắt được thường mang đốt. Tuy nhiên, do bọ quá nhiều nên thời gian gần đây, ông chuyển sang đào hố chôn xuống đất. Ông nói: “Tôi không biết chúng xuất hiện từ đâu nhưng rất nhiều. Hiện tại, người dân ở đây chỉ bắt và diệt trừ bằng cách thủ công. Chúng tôi cũng sử dụng các loại thuốc độc như diệt cỏ, diệt sâu, diệt rầy, và tẩm hóa chất và chăn màn… Thế nhưng, loại bọ này ngấm thuốc rơi xuống đất chứ không chết. Hiện tại, chúng tôi rất cần một loại thuốc diệt bọ đặc hiệu để đảm bảo cuộc sống”.
Nhiều người dân cũng cho hay, bọ đậu đen đã chui vào tai trẻ nên phải đưa đến trung tâm y tế gắp ra. Do đó, không chỉ người lớn mà trẻ con cũng vô cùng hoảng sợ với sự xuất hiện nhiều vô kể của loại bọ này.
Loay hoay chống bọ
Ông Hà Anh Dũng (Bí thư Huyện ủy Bù Đốp) cho hay, sau khi nắm bắt được tình hình, lãnh đạo huyện cùng các cơ quan chức năng đã xuống nhà dân kiểm tra tình hình. Theo ghi nhận, đến nay, có khoảng 100 hộ gia đình ảnh hưởng vì loại bọ này.
Người dân cũng sử dụng khá nhiều hóa chất với mong muốn diệt hoặc đuổi bọ nhưng không có kết quả. Cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại hóa chất diệt trừ bọ đậu đen nữa để tránh trường hợp thuốc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người.
Cơ quan chức năng vẫn người dân vẫn còn loay hoay trừ bọ đậu đen
Ông Phan Quốc Phú (Phó Khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp) cho biết, bọ đậu đên hay còn gọi là mọt đậu đen là loại côn trùng cánh cứng, có hình dáng và màu sắc như hạt đậu đen, di chuyển nhanh. Chúng thường sống trong đất, trong cây. Chúng có tính hướng quang, đêm đến bay đến những nơi có ánh sáng điện, nhất là khi có mưa.
Hiện, chưa xác định bọ đậu đen gây ra dịch bệnh gì. Tuy nhiên, loại bọ này phát ra mùi hôi thối khó chịu, có thể gây dị ứng ở những vùng nhạy cảm, làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Hiện tại, loại bọ này chưa có thuốc đặc trị. Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu Trung tâm y tế dự phòng tỉnh dùng hóa chất phòng muỗi sốt xuất huyết để phun.
Được biết, hiện nay, trên thị trường có sản phẩm Permecide 50 EC và thuốc Fendona 10 SC được PGS.TS Hồ Sơn Lâm và các cộng sự nghiên cứu và đưa ra thị trường. Ưu điểm của loại thuốc này là dùng nguyên liệu ít độc hại với người nhưng diệt bọ hiệu quả.
Bỏng nặng vì đốt bọ đậu đen Chiều 4/6, anh Nguyễn Phước H (21 tuổi, xã Phước An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) quét bọ đậu đen rồi dùng xăng đốt. Ngọn lửa bất ngờ bùng cao, bao trùm lấy anh H. Người thân nghe tiếng kêu cứu vội chạy ra dập lửa, đưa anh H đến bệnh viện huyện cấp cứu. Do bị bỏng quá nặng, anh được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). |