Trẻ sơ sinh có thể sở hữu tài khoản 'khủng'

Ngày 21/02/2014 13:59 PM (GMT+7)

Trước đây, khi cha mẹ có nhu cầu gửi tích lũy cho con ở ngân hàng buộc phải mở sổ tiết kiệm đứng tên mình. Hiện nay, nắm bắt tâm lý, nhu cầu của khách hàng, dịch vụ lập sổ tiết kiệm cho trẻ em từ sơ sinh đến 15 tuổi được nhiều ngân hàng mở ra một cách rầm rộ.

Với dịch vụ này, rất nhiều em nhỏ, dù chưa có hiểu biết nhiều về tiền cũng đã sở hữu tài sản "khủng".

Trẻ sơ sinh có thể sở hữu tài khoản #039;khủng#039; - 1

Ảnh minh họa.

Nhộn nhịp lập sổ tiết kiệm đứng tên con

Về hình thức, quyển sổ tiết kiệm sẽ mang tên bé, thuộc quyền sở hữu của bé nhưng cha, mẹ hay người giám hộ hợp pháp vẫn là người đại diện mở sổ, đến gửi tiền hay rút tiền. Để mở sổ, cha mẹ chỉ cần vốn ban đầu là 200.000 đồng, sau đó, từ lần thứ hai trở đi có thể gửi tiền vào bất kỳ thời gian nào với lãi suất dao động từ 7-9%/ năm cho kỳ hạn từ 1-15 năm.

Chị Lê Thị Thúy (Hà Nam) hào hứng chia sẻ: "Được bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu về lập sổ tiết kiệm cho trẻ em nên khi mới sinh con, vợ chồng tôi đã quyết định lập sổ tiết kiệm như một món quà dành tặng cho cháu, đồng thời cũng là hình thức hữu ích giúp vợ chồng tôi tiết kiệm được một khoản tiền cho con đến khi cháu trưởng thành".

Một quyển sổ tiết kiệm mang tên con khi bé vừa mới chào đời là hình thức tiết kiệm rất mới mẻ và độc đáo đối với các bà mẹ, nhất là bà mẹ vùng quê. Chị Quỳnh (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết:  Tiền lì xì, mừng tuổi Tết, tiền mừng sinh nhật, tiền thưởng học sinh giỏi của con tôi đều để riêng ra. Ban đầu, tôi tiết kiệm bằng cách sử dụng lợn đất. Được các mẹ giới thiệu, tôi đã mở cho con một tài khoản riêng ở ngân hàng, cứ khi nào có tiền dư, tôi lại gửi thêm vào. Hình thức này đúng là vừa an toàn, chặt chẽ, lại vừa sinh lời. Ở quê tôi, bậc phụ huynh có mức thu nhập trung bình, hình thức tiết kiệm này giúp họ không cảm thấy áp lực, căng thẳng quá nhiều đối với các khoản chi cho con sau này".

Anh Quang Thanh (ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: "Được bạn bè giới thiệu, vợ chồng tôi đồng ý hình thức tiết kiệm cho con là làm sổ ở ngân hàng. Chúng tôi là công nhân bình thường, thu nhập hàng tháng không cao. Bởi vậy chúng tôi quyết định mở sổ tiết kiệm cho con với số tiền 300.000 đồng/tháng để sau này không phải lo lắng nhiều về vấn đề kinh tế khi con đỗ đại học. Có nghĩa là, với khoản tiền chúng tôi tiết kiệm được, chắn chắn sẽ đủ cho cháu học đại học và còn thêm một khoản lo công việc nữa...". Như vậy, dù mới 1 tuổi, con anh Thanh đã sở hữu sổ tiết kiệm rất "khủng". 

Dạy con phương pháp quản lý kinh tế từ nhỏ

Thông thường các bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến mục đích sử dụng tiền của con mà không định hướng, dạy dỗ con về giá trị của đồng tiền. Trong khi đó, đa phần trẻ em hầu như không hiểu nhiều việc sử dụng tiền mặc dù đây là kiến thức, kỹ năng mà mọi người đều phải sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Xuất phát từ thực tế đó, rất nhiều ngân hàng đã khuyến khích các bậc phụ huynh khi đến gửi tiết kiệm cho con nên đưa con đi theo. Chị Thủy- nhân viên tư vấn ngân hàng Sacombank cho biết: "Việc làm này vừa giúp các bé được trải nghiệm kỹ năng quản lý tài chính, vừa hình thành cho các bé ý thức chăm sóc, vun vén cho tài khoản của mình sinh sôi, nảy nở".

Đặc biệt, với dịch vụ mở sổ tiết kiệm cho trẻ em, bất kỳ người thân nào của bé cũng có thể gửi tiền tặng bé, kèm theo những lời nhắn gửi yêu thương - sẽ được lưu lại trên tài khoản để bé có thể xem và đọc lại.

Tuy nhiên, hình thức mở sổ tiết kiệm cho trẻ em vẫn còn tồn tại một số bất cập. Theo nhận xét của nhiều bà mẹ, so với việc đóng bảo hiểm thì sổ tiết kiệm không hiệu quả bằng. Với bảo hiểm, nếu lỡ cha mẹ xảy ra sự cố, không thể đóng phí thì người con đến khi trưởng thành vẫn được hưởng toàn bộ số tiền theo hợp đồng. Nhưng với sổ tiết kiệm thì con chỉ được hưởng số tiền mà cha mẹ đã đóng trước đó.

Theo tìm hiểu của PV, trên thực tế, ở nhiều vùng quê hiện nay hình thức mở sổ tiết kiệm cho con được ưa chuộng hơn là đóng bảo hiểm. Chị Hà Thị Thanh (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) phân tích: "Chúng tôi là người lao động tự do nên phù hợp với hình thức mở sổ tiết kiệm cho con hơn là đóng bảo hiểm. Biết rằng, đóng bảo hiểm có ưu việt hơn nhưng chẳng ai muốn xảy ra rủi ro để không phải đóng cả. Thực chất thì hình thức này giống như bảo hiểm cho con từ nhỏ nhưng chủ động, linh hoạt hơn, bình quân lãi suất cao hơn và không phải đóng tiền theo tháng".

Một tháng chỉ gửi ngân hàng vài trăm nghìn đồng, nghe số tiền thì có vẻ ít nhưng cứ tích lũy nhiều năm sẽ thành một số tiền lớn. Đây cũng là cách chuẩn bị tốt nhất cho con, cũng như cho kinh tế của các bậc phụ huynh khi con em mình bước vào cấp ba và sau đó là bậc đại học. Một quyển sổ tiết kiệm mang tên con mình sẽ là món quà ý nghĩa và giá trị hơn rất nhiều lần nếu như trẻ em cũng học được cách trân trọng, gìn giữ và nâng niu những đồng tiền mà cha mẹ đã vất vả tiết kiệm lại cho bé. Đó là tiền đề cơ bản và quan trọng để khi lớn lên các bé biết cách sử dụng tiền cũng như chi tiêu hợp lý.   

Chỉ có lợi chứ không có hại

Đó là lời khẳng định của chuyên gia kinh tế- tài chính PGS.TS Nguyễn Minh Phong. Theo ông, việc mở sổ tiết kiệm cho trẻ em sẽ giúp đa dạng hóa các sản phẩm tiết kiệm, phát triển, mở rộng hơn nữa các dịch vụ ngân hàng, giúp ngân hàng huy động được nguồn vốn sạch. Đồng thời, nó cho phép bố mẹ có thêm nguồn dự trữ cho con trong tương lai. Đặc biệt, qua đó còn thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với trẻ em. Tuy nhiên, nếu như các ngân hàng siết chặt quản lý hơn nữa để tránh các vấn đề rủi ro như ngân hàng phá sản hay người đại diện hợp pháp gặp sự cố không thể gửi tiền hay rút tiền, chắc chắn hình thức này trong tương lai sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn và sẽ được các nước trên thế giới tiếp thu, học hỏi.

Theo Minh Hồng (Đời sống & Pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan