Nhận định về việc trèo lên bàn thờ cướp lộc, một nhà nghiên cứu văn hóa đã phải thốt lên: “Trời ơi, đã dám trèo lên bàn thờ để cướp lộc thì còn đi lễ làm gì”.
“Dám trèo lên bàn thờ cướp lộc thì đi lễ để làm gì?”
Sau lễ khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định), nhiều nhà nghiên cứu văn hóa “sửng sốt” trước hình ảnh người dân đi lễ dám trèo lên cả bàn thờ để lấy lộc, để sờ vào được thanh bảo kiếm lấy may. Những tưởng rằng, chen lấn, cướp lộc diễn ra trong khuôn viên lễ hội bấy lâu nay đã là tận cùng của sự hỗn loạn, ấy vậy mà giờ đây còn có những người dám “cả gan” trèo lên cả bàn thờ. Nhận định về hình ảnh này, một nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm đã phải thốt lên: “Trời ơi, đã dám trèo lên bàn thờ để cướp lộc thì còn đi lễ làm gì nữa”.
Trèo lên cả bàn thờ để cướp lộc, rồi sờ vào thanh bảo kiếm lấy may tại đền Trần, Nam Định. Ảnh: Khám Phá.
Lễ hôi, từ bao đời nay vốn là những nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng người Việt, nói đến lễ hội là nói đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của xã hội, nơi con người được giao tiếp với thế giới tâm linh trong một mối quan hệ rất thiêng liêng.
Thế nhưng không biết tự bao giờ, lễ hội lại là nơi để con người thể hiện thói ích kỷ, thực dụng, và tất cả những thói hư tật xấu của mình. Vậy nên mới có chuyện, cứ mỗi khi có lễ hội là có những chuyện “chướng tai gai mắt” đi kèm.
Đó là hình ảnh tiền lẻ rải khắp dòng suối Yến trong xanh của khu di tích chùa Hương, hay giắt đầy tay và cả trên đầu tượng Phật, hình ảnh biển người chen chúc nhau trên đỉnh chùa Đồng (Yên Tử) chỉ để cọ được đồng tiền lẻ vào chuông lấy may, hàng trăm nghìn người chen lấn trong lễ hội cướp phết (Vĩnh Phúc) khiến cả tưởng rào của UBND bị đạp đổ, hàng loạt ruộng rau của người dân cất công trồng bị giẫm nát. Hay hình ảnh “mưa tiền” xảy ra trong lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) vừa qua, khi đoàn rước kiệu đi qua, hàng nghìn người dân cố vo viên đồng tiền lẻ để ném trúng vào kiệu cầu may, rồi dẫm đạp lên nhau để cướp hoa lộc, trèo cả lên bàn thờ chỉ để sờ được tay vào thanh bảo kiếm…
Biển người chen lấn để dùng tiền lẻ cọ vào chuông cầu may ở chùa Đồng, Yên Tử.
Thế mới biết, những hình ảnh ấy thật đúng với lời nhận xét của TS Hồng Hải - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian từng đưa ra: “Lễ hội là một hình ảnh phản ánh sinh động nhất lối hành xử của rất nhiều người dân trong đời sống bình thường. Thường ngày họ vứt rác tứ tung, chen lấn xô đẩy, tranh cướp lợi lộc thì khi đến với lễ hội, chùa chiền, đương nhiên họ cũng không thể cư xử khác đi được”.
Muốn đi lễ hội trước tiên phải hiểu được lễ hội
GS.TS Ngô Đức Thịnh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định rằng: “Người dân nếu muốn đi lễ hội thì trước tiên hãy tìm hiểu để hiểu rõ bản chất của lễ hội ấy đã”.
Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, hiện cả nước có khoảng hơn 8.000 lễ hội, trong đó phần lớn là lễ hội dân gian, có ảnh hưởng không hề nhỏ tới đời sống văn hóa của số đông người dân. Tuy nhiên, nhiều lễ hội đang biến tướng và văn hóa lễ hội của người dân cũng đang dần lệch chuẩn.
GS.TS Ngô Đức Thịnh: “Người dân nếu muốn đi lễ hội thì trước tiên hãy tìm hiểu để hiểu rõ bản chất của lễ hội ấy đã”.
Nhận định về những hành vi lệch chuẩn và hình ảnh hỗn loạn trong các lễ hội, GS.TS Ngô Đức Thịnh lý giải: “Ngày xưa, trước khi đi lễ hội, người ta phải chuẩn bị một tâm thế chay tịnh, để khi tiếp xúc với thế giới tâm linh thì mới dễ hòa đồng. Thế nhưng ngày nay, việc chuẩn bị tâm thế trước khi đến với lễ hội quá ư là dễ dãi. Có những người đi lễ mà chẳng hiểu bản chất của lễ hội ấy là gì, chỉ đi theo tâm lý đám đông. Sự hiểu biết về các tín ngưỡng lễ hội ngày nay gần như là không có, lại thêm cái tâm lý vụ lợi của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam. Họ mang theo sự vụ lợi, tính toán đó đến với các lễ hội, vì thế mới có chuyện ngày xưa đi lễ chỉ cầu sức khỏe và bình an, còn ngày nay họ chỉ chăm chăm cầu danh, cầu lợi, cầu tiền, cầu lộc. Từ đó dẫn đến các hành vi như cướp lộc, chen lấn nhau để sờ vào kiệu, ném tiền vào kiệu hay rải giắt khắp nơi trong các chốn linh thiêng, họ tin rằng làm như thế sẽ được thần linh phù hộ, thế nhưng thực chất, điều đó sai cả về mặt tín ngưỡng và văn hóa”.
Nhìn vào thực tế các lễ hội hiện nay thì có thể thấy, những người đi lễ thực chất chỉ là một “đám đông” không hơn không kém. Họ đi lễ không phải vì sự thành tâm muốn mạnh khỏe, an nhàn, mà họ đi lễ vì những “tính toán” riêng. Đám đông ấy tin rằng, cứ đi lễ thì sẽ có được tiền tài địa vị, cứ nhét thật nhiều tiền lễ thì sẽ được thần linh phù hộ, cầu gì được nấy… Đó chỉ là những mong muốn của cá nhân, cho cá nhân chứ không phải là mong muốn cho cộng đồng.
Đoàn rước kiệu đi qua, hàng nghìn người dân thi nhau vo tiền lẻ ném vào kiệu với mong muốn cầu may. Ảnh: Tri Thức.
Vì thế, tất cả những hành động của họ trong những chốn linh thiêng đều là hành động của những con người ích kỉ, vì cá nhân chứ không phải vì tâm linh chân chính.
Nói về vấn đề tâm linh chân chính, trụ trì Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên cũng đã từng nói rằng: “Triết lý nhà Phật khuyên rằng, đến cửa chùa chỉ cần lòng thành thắp một nén hương thì đã được Phật độ, không cần mâm cao cỗ đầy, không cần tiền bạc vì cửa chùa là chốn chay tịnh, không vướng bụi trần”.
“Phật tại tâm” – điều đó có lẽ không ai không hiểu, thế nhưng trong các lễ hội truyền thống hay ở giữa các chốn linh thiêng, nhiều người vẫn có những hành vi đi ngược lại với lời nói của họ. GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Lễ hội ngày nay đang trở thành cơ hội để người ta trục lợi, không còn những ý nghĩa thiêng liêng vốn có. Để giải quyết triệt để những hình ảnh hỗn loạn trong các lễ hội là điều không hề đơn giản, và cái quan trọng là phải định hướng lại nhận thức của người dân, vì chỉ khi nào người dân hiểu đúng về bản chất của lễ hội thì họ mới có những hành vi đúng chuẩn”.