Loài cây này thuộc nhóm họ cau với tuổi thọ lên đến 100 năm, tất cả các bộ phận của nó đều có thể kiếm ra tiền nhờ chế biến thành những món đặc sản, đồ dùng thủ công mỹ nghệ chiếm trọn trái tim của du khách thập phương.
Tất cả bộ phận của cây đều hái ra tiền
Thốt nốt thuộc loại cây bản địa của Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, thốt nốt được trồng phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhất là ở các huyện thuộc tỉnh An Giang.
Đây là loại cây thuộc nhóm họ cau, thân cây thẳng tắp với chiều cao trung bình từ 20-30m. Cây thốt nốt được nông dân ví von là “ông trồng cháu hưởng” khi từ lúc cây nảy mầm cho đến phát triển cao lớn, đủ điều kiện thu hoạch cũng mất từ 12-15 năm. Tuổi thọ trung bình của loại cây này có thể kéo dài từ 30-100 năm.
Thoạt nhìn có thể giống cây cọ hoặc cây dừa vì sở hữu tán lá toả rộng, thân cây có đường kính lớn. Tuy nhiên, đặc điểm dễ nhận biết nhất của cây thốt nốt là nhìn vào phần trái của nó. Cây thốt nốt cho những chùm trái lớn màu nâu hoặc màu hạt dẻ. Trái thốt nốt khi bổ ra là những múi nhỏ, trắng phau, nhiều nhựa, có mùi thơm rất lạ và cũng là một món ăn chơi, giải khát rất bổ được nhiều người ưa thích.
Đây là loài cây đơn tính, cây đực và cây cái riêng. Để phân biệt “giới tính” của loài cây này, nông dân nhìn vào hoa thốt nốt (hay còn gọi là bông mo). Hoa cái sẽ không phân nhánh thì hoa đực lớn có nhiều nhánh, xếp chồng lên nhau.
Mỗi cây thốt nốt cái cho khoảng 50-60 trái/năm và cây thốt nốt đực không có trái. Đối với cây thốt nốt đực, người ta chỉ thu hoạch hoa và sử dụng thân cây, lá cây để chế tạo những món đồ dùng sinh hoạt thường ngày.
Nước thốt nốt - món nước giải khát bình dân mà khi du khách có dịp ghé thăm vùng Bảy Núi đều có thể tìm thấy ở khắp nẻo đường. Đến nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn nước thốt nốt được thu hoạch từ trái. Thế nhưng, nước được lấy từ phần hoa của cây cái lẫn cây đực. Nước thốt nốt thơm ngon với vị ngọt thanh đặc trưng, thích hợp để giải khát vào những ngày hè oi bức.
Ngoài ra, ở vùng trồng loài cây trời ban ngày, nông dân còn tận dụng hoa để tạo mật và nấu thành đường thốt nốt. Trung bình cứ 4 lít nước thốt nốt là sẽ làm được 1kg đường. Mỗi năm, nếu cây thốt nốt phát triển tươi tốt thì nước dịch từ hoa có thể nấu ra được 3-4kg đường thốt nốt.
Cây thốt nốt cho trái kéo dài trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 11 sẽ có thể thu hoạch. Còn nước thốt nốt có quanh năm nhưng thời điểm từ tháng 1- 4 trùng với mùa khô sẽ cho nước ngọt nhiều nhất.
Thốt nốt có nhiều giá trị trong đời sống của người nông dân và mọi bộ phận trên cây đều có thể hái ra tiền. Nếu trái và hoa được tận dụng để lấy mật, làm đường thốt nốt hay phần cơm thốt nốt dùng để nấu chè. Phần lá được người dân tận dụng để lợp nhà, làm chất đốt hay đan lát tạo thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đối với phần thân của cây thốt nốt, người dân sử dụng làm cột nhà, đồ nội thất mang giá trị kinh tế cao.
Nhiều hộ gia đình ở An Giang chọn mưu sinh bằng nghề gắn liền với cây thốt nốt, có mùa họ sẽ chế biến nước thốt nốt, đường thốt nốt hoặc có khi họ bắt tay làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu lá hoặc thân cây.
Gắn liền với nghề "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời"
Thốt nốt là món quà quý giá của mẹ thiên nhiên dành tặng cho vùng đất Bảy Núi - An Giang, không chỉ giúp cho sản vật nơi đây thêm phong phú mà còn góp nên một vẻ đẹp rất riêng.
Ngoài ra, nhờ cây thốt nốt mà người dân sống ở các huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn ở An Giang có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Loài cây này có khả năng chống chịu tốt với thiên nhiên, không cần chăm sóc hay tưới nước thường xuyên nên người dân thường lấy công làm lời.
Khi cây thốt nốt đơm hoa, người nông dân ở An Giang lại vào mùa thu hoạch, họ trèo lên ngọn cao hàng chục mét, cắt mặt vòi hoa rồi hứng nước tiết ra. Mỗi ngày, thợ trèo thốt nốt có thể lấy vài trăm lít mật, kiếm cả triệu đồng.
Tuy nhiên, để đổi lại thu nhập ổn định họ phải đánh đổi sức khoẻ... Đa phần, các cây thốt nốt cao từ 20-30m nhưng khi bắt đầu thu hoạch họ leo trèo mà không có dụng cụ bảo hộ, chỉ có những chiếc cầu thang tự chế hoặc dùng tay bám chặt vào thân cây.
Leo thốt nốt là “lấy công làm lời” nên người nông dân không ngại cực khổ, chỉ mong cải thiện được nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình.
Anh Chau Man (huyện Tri Tôn) là 1 trong số những người theo nghề leo thốt nốt tại địa phương, có hơn 10 năm trong nghề trèo cây hái quả thốt nốt và lấy nước nấu đường. Trước khi đến với nghề leo thốt nốt anh làm thuê mướn tất cả mọi việc nhưng vẫn không đủ kinh phí trang trải sinh sống. Anh quyết định theo nghề leo thốt nốt và nấu đường thốt nốt. Từ đó, công việc này đã giúp gia đình anh thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
“Ban đầu, tôi gặp có nhiều khó khăn vì chưa quen tay, khi leo đến phần đỉnh thì lại đuối sức, phải tranh thủ thu hoạch rồi xuống để nghỉ ngơi. Dần dần thì bản thân đã quen với việc leo trèo này. Mỗi ngày, tôi leo quần quật suốt cả ngày thì thu hoạch được khoảng 30 cây” - anh Man tâm sự.
Xong công đoạn lấy nước thốt nốt đầy vất vả, anh đem nguyên liệu về cho vợ thực hiện công đoạn nấu đường. Căn bếp nhà anh Man đỏ lửa từ 10h-14h để sên đường, vợ anh thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, dùng tay khuấy đều để đường có màu vàng nâu đẹp mắt. Số đường nấu được gia đình anh phân phối có các đầu mối thu mua với giá 30.000 đồng/kg. Trung bình gia đình anh kiếm khoảng 400,000 đồng/ngày trong những tháng cao điểm mùa khô.
Đường thốt nốt là một đặc sản ở An Giang mà du khách khi đến đây nhất định phải thử và mùa về làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Tuy nhiên, việc thu hoạch thốt nốt cũng chỉ diễn ra theo mùa. Sau khi kết thúc mùa vụ, những người nông dân ở đây lại đổi sang công việc khác như phụ hồ, cắt cỏ, làm ruộng... và họ tiếp tục chờ đến mùa nắng để “đánh đu” giữa trời, cắt hoa, lấy mật tạo nên món đặc sản thơm ngon của vùng Bảy Núi An Giang.