Trong vòng hai năm đóng cửa phòng tập 5 lần, nữ gymer Hà Giang trăn trở: “Gắng được nữa không?”
Hơn hai năm nay, 2 cơ sở phòng tập của chị Vân Anh phải đóng cửa không biết bao nhiêu lần vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ 2 nơi còn 1, nữ gymer với hình thể cuốn hút lo sợ sẽ mất luôn cơ sở còn lại, không trụ nổi tiền thuê mướn.
Từ đầu năm nay, khi Hà Giang chịu ảnh hưởng những đợt sóng dịch COVID-19, toàn bộ cơ sở kinh doanh, dịch vụ đều phải đóng cửa để phòng chống dịch, phòng tập của chị Vân Anh (sinh năm 190, ở Hà Giang) cũng không là ngoại lệ.
Theo đuổi bộ môn này đã được 10 năm, phòng gym chính là tâm huyết của hai vợ chồng và là cần câu cơm để trang trải cuộc sống cho gia đình có 4 thành viên.
“Sau khi lấy chồng cùng nghề, vợ chồng mình quyết định về quê mở phòng gym để vừa kinh doanh, vừa thỏa mãn đam mê của mình. Trước mình có 2 cơ sở, nhưng do tình hình công việc và bận con nhỏ, cộng với dịch bệnh phức tạp nên mình phải đóng cửa cơ sở 2. Đã 2 năm nay mình đóng cửa phòng tập 5 lần, mỗi lần kéo dài nhiều tháng liền làm ảnh hưởng công việc của rất nhiều huấn luyện viên và nhân viên ở đây. Mình cũng rất buồn nhưng không thể làm gì khác được vì cả nước đều phải chung tay chống dịch”, chị Vân Anh tâm sự.
Đây cũng là tình trạng và nỗi lo lắng chung của các chủ phòng gym trên cả nước vì dịch bệnh đã xuất hiện ở rất nhiều tỉnh thành, việc tạm ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội cũng là điều không thể tránh khỏi.
“Hiện tại những bạn mà mình quen cùng trong nghề thì họ vẫn duy trì được nhưng thật sự cũng rất chật vật với đủ khoản lo. Qua nhiều hội nhóm trên facebook, mình biết có khá nhiều phòng tập, đặc biệt là ở Hà Nội phải đóng cửa, thanh lý toàn bộ vì áp lực tiền mặt bằng cộng với đóng cửa dài hạn vì không có khách. Trong khi đó máy móc vẫn cần phải bảo quản, giữ gìn…”, chị kể.
Được biết, phòng tập của chị Vân Anh có diện tích hơn 400m2, chuyên các bộ môn như gym, yoga, boxing và đã đóng cửa hơn 4 tháng nay theo chỉ thị của tỉnh Hà Giang. Chị Vân Anh chia sẻ: “Đợt dịch này thì bên mình hoàn toàn không kiếm được thu nhập tại phòng. Tuy chỉ mở phòng ở huyện tỉnh lẻ và phòng nhỏ nhưng cũng phải đi thuê đất, tốn tiền chi phí máy móc và xây dựng nhưng ngược lại chẳng kiếm được tiền từ 2 năm nay. Hai vợ chồng rất lo lắng và stress nhưng sự tình đã vậy cũng chẳng biết làm sao".
Cùng tâm trạng với chị Vân Anh, anh Mai Văn Sơn (chủ của phòng gym ở quận Tân Phú, TP.HCM) cũng không thoát khỏi tình cảnh đau đầu này. Anh nói: “Dịch bệnh ở TP.HCM đang bùng dịch, tính ra từ đầu năm đến nay phòng tập của mình mở được hơn 1 tháng. 28 Tết âm lịch bị đóng cửa 1 tháng, sau đó mở lại rồi đóng từ ngày 7/5 đến giờ. Năm trước cũng không khá khẩm hơn nhưng may mắn là mọi lần chủ nhà giảm tiền thuê nên mình cũng có đủ tiền từ công việc khác đắp qua”.
Với anh Sơn, chuyện tiền bạc lúc này nghĩ đến chỉ thêm đau đầu. “Mình giờ không thèm tính toán gì nữa, kệ nó luôn, tới đâu hay tới nấy. Nếu dịch bệnh chưa ổn lại vào tháng sau mà tiền nhà không được bớt nữa thì mình dọn, sau khi hết dịch hẳn rồi tính tiếp chứ thời điểm hiện tại mình không muốn nghĩ cho đỡ nhức đầu. Nói vui là mặc kệ luôn”, anh chia sẻ.
Để duy trì kinh phí cho phòng tập và cuộc sống hằng ngày, chị Vân Anh và chồng mở những khóa học, dạy online tại nhà cho khách, dân gymer tự tập theo. Theo chị Vân Anh, đây là cách cấp cứu kịp thời cho tâm thế của những ông chủ bà chủ đang chịu thua lỗ vì dịch bệnh. “Người dân không được phép ra ngoài khi không có việc cần thiết, nhưng ai đã tập thể thao thì phải duy trì hằng ngày mới đạt kết quả tốt, nên mình mới mở những buổi dạy online, gọi trực tiếp qua video hoặc gửi bài lên nhóm cho học viên tự tập tại nhà. Nhờ có cách này, mình mới đủ khả năng cầm cự, chi trả tiền thuê và chờ ngày dịch bệnh đẩy lùi để phòng tập được hoạt động lại bình thường”, chị nói thêm.
Theo chị Vân Anh, để đổi hướng sang dạy và tập cho học viên trực tuyến thì người huấn luyện viên cần có hình ảnh và một chút tên tuổi để mang lại ấn tượng uy tín ban đầu với người học. “May mắn từ xưa đến nay mình rất coi trọng sự xuất hiện của mình trên MXH và đã dạy online nhiều năm nên được mọi người biết đến. Khách tập hiệu quả thế là cứ giới thiệu cho nhau”, chị kể. Cái nghề này nói không khác gì người mẫu hoa hậu, phải trau chuốt hình ảnh thường xuyên, cập nhật vẻ đẹp body liên tục thì khách người ta mới biết đến, chị nói thêm.
Dạy online thành công với chị Vân Anh đó là một may mắn lớn, công việc giúp chị thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, đủ sức để giữ lại tâm huyết lớn của đời mình. “Ở dưới thành phố lớn có nhiều bạn thất nghiệp, mất trắng, chủ phòng thua lỗ, phải bán máy là chuyện thường, nhưng may mình và những người bạn cùng kinh doanh tương tự có phương án phù hợp để tồn tại đến bây giờ”, chị tâm sự.
Còn anh Mai Văn Sơn, chủ phòng gym ở TP.HCM cũng đồng tình chuyện hướng dẫn tập online chỉ là giải pháp tạm thời, chữa cháy với những bạn huấn luyện viên may mắn có học viên kiên trì tập luyện trong thời gian dài nghỉ dịch. Được biết, tại nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, các gymer đều đặn đăng bài hướng dẫn, hỏi thăm, chia sẻ nhau những bài tập linh động tại nhà để giữ vóc dáng, sức khỏe trong thời gian ở nhà phòng chống dịch COVID-19.
Theo đuổi bộ môn thể hình này cũng gần 10 năm, tuy đã từng thử sức qua nhiều môn như boxing, yoga nhưng chị Vân Anh vẫn “mê” nhất gym vì nó thay đổi hoàn toàn sức khỏe và cơ thể của chị. “Mình năm nay đã hơn 30 tuổi, có hai bé một gái một trai, để giữ được vóc dáng như hiện tại mình phải chăm chỉ tập luyện mỗi ngày và ăn uống theo chế độ Eat Clean. Đó cũng là bí quyết lớn nhất mà nhiều người đã hỏi mình từ trước đến nay”, chị kể.
Chị cho biết, trước đây mình từng rất gầy, cao 1m70 nhưng chỉ nặng 48kg, thể chất gầy, thiếu máu, body kém hấp dẫn, nhưng từ khi đến với gym, chị không chỉ khỏe lên mà hình thể thay đổi một cách xuất sắc. Đây cũng là điều khiến chị mê mẩn với bộ môn thể thao này.
Tập luyện với cường độ lớn, đồng thời cũng là một nữ huấn luyện viên thể hình, chị từng gặp nhiều lời bàn tán về hình thể của mình. “Cản trở lớn nhất đối với nữ khi đến với bộ môn này là sợ tập luyện thì cơ bắp, tay chân sẽ bị to, thô như đàn ông. Chị em phụ nữ sợ bị chê hoặc nhìn trông khác với người thường. Nhưng mọi người yên tâm, với sự hướng dẫn của các huấn luyện viên và mục tiêu riêng của từng người thì họ sẽ lên kế hoạch cụ thể để bài tập hiệu quả với riêng từng người”, chị khẳng định.
Với bất kì học viên nữ nào, thời gian đầu họ sẽ khá loay hoay với các bài tập, không biết tập sao cho đúng động tác nên ai cũng cần một người thầy dìu dắt những buổi đầu tiên để tránh bỡ ngỡ. Chị nói thêm: “Để tập sương sương như model thì dễ nhưng để lên được cơ bắp với nữ giới thì đòi hỏi một chế độ ăn nghiêm ngặt và tập luyện thật khoa học, tập hết sức lực mình”.
Bản thân chị Vân Anh đã từng gặp rất nhiều lời bàn tán về ngoại hình hiện tại nhưng chị luôn kiên định với lựa chọn của mình. “Không bao giờ vì lời nói ngoài tai của bất kì ai mà bỏ đi đam mê của mình. Mình thấy đẹp và hạnh phúc là đủ. Đặc biệt hơn, công việc của mình còn giúp được nhiều người tìm lại body và cải thiện được sức khỏe nữa”, chị tâm sự.
Tin liên quan
Sau cú bấm chuông “lật ngược ván cờ” của Duy Khoa, Minh Triết đã không thể mang cầu truyền hình về cho trường PT Năng khiếu TP.HCM. Dù có...
Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h
Chiều 14-1, Công an TP Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã tìm được cháu bé 3 tuổi là học sinh Trường mầm non Thiên Hương nghi bị bắt cóc.