Thông tin gừng được trồng và bảo quản bằng thuốc sâu có độc tính cao đang làm người dân Trung Quốc hoang mang.
Sau hàng loạt những vụ bê bối thực phẩm chết người, mới đây, người tiêu dùng Trung Quốc lại ngã ngửa trước thông tin gừng được trồng và bảo quản bằng thuốc trừ sâu có độc tính cao Aldicard, được gọi là 'thần nông đơn'.
Theo đó, hôm thứ 7 tuần qua, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CNTV) phát sóng một phóng sự về việc người dân thành phố Duy Phương (tỉnh Sơn Đông) đã sử dụng thuốc trừ sâu Aldicard vượt ngưỡng 3-6 lần mức cho phép.
Hình ảnh truyền hình ghi nhận nhiều cánh đồng ở Duy Phường đang vào mùa thu hoạch gừng. Hàng tấn củ gừng đã được nhổ lên, củ căng tròn và bóng mượt đang chờ được đóng gói để tung ra khắp thị trường Trung Quốc, và theo đường tiểu ngạch xuất khẩu sang các nước láng giềng.
Gừng được thu hoạch trên một cánh đồng ở Duy Phường - Ảnh: china.org.cn
Aldicarb là một trong những loại thuốc trừ sâu carbamate có độ độc cao mà Bộ Nông nghiệp chỉ cho phép sử dụng cho 5 loại cây là bông vải , thuốc lá, đậu phộng, hoa hồng và khoai tây và phải được kiểm soát nghiêm ngặt.
Nếu người tiếp xúc với số lượng cao có thể dẫn đến chóng mặt, mờ mắt, buồn nôn và hô hấp bị ảnh hưởng. Chỉ cần 50 mg aldicarb là đủ để giết chết một người nặng 50kg, báo cáo cho biết.
Những củ gừng này có thể giết người hàng loạt, bởi chúng đã được tẩm 120-300kg thuốc trừ sâu Aldicarb cho 1ha trồng gừng. Con số này đã gây choáng váng với cơ quan chức năng và người dân, bởi nó vượt mức cho phép từ 3-6 lần theo quy định.
Bao bì thuốc trừ sâu aldicarb dưới tên thương mại 'Shennongdan” |
Càng đáng sợ hơn, người nông dân ở đây dù đều biết rõ độc tính giết người của thuốc Aldicarb nhưng vẫn thản nhiên trả lời rằng họ đã sử dụng nó hơn 20 năm nay.
Một nông dân trả lời phỏng vấn CCTV cho biết cô đã nhận thức được độc tính aldicarb và không sử dụng nó trên gừng cho gia đình cô ăn.
Còn người đàn ông khác nói rằng: “Ai mà không sử dụng thuốc này để giết sâu bọ? Ai có thể đảm bảo mùa thu hoạch tốt mà không cần nó, nếu không sử dụng thì sản lượng đầu ra của chúng tôi chỉ được phân nửa hiện nay. Chúng tôi tất nhiên không dùng loại thuốc này cho loại gừng mà gia đình chúng tôi ăn”.
Tin tức này đang lan rộng trên Internet khiến người dân Trung Quốc ở khắp nơi đặt nghi vấn không chỉ ở Duy Phường mà những nơi khác cũng có thể đang xảy ra tình trạng tương tự. Cũng có lo ngại ngoài gừng, Aldicarb còn được sử dụng trong các loại cây trồng khác. “Giờ đây biết củ gừng nào là an toàn và thuốc độc có thể ngấm vào đất cũng như gây ô nhiễm mạch nước ngầm” - một cư dân mạng tên Lâm Phương viết trên Weibo.
Trước sự hoang mang của dư luận, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bảo vệ mùa vụ Trung Quốc Tôn Thúc Bảo khẳng định ông không nghĩ tình hình sẽ tồi tệ hơn.
“Thuốc trừ sâu có tác dụng kéo dài hơn một vụ mùa đã bị cấm. Tác dụng của thuốc Aldicarb lên đất và nước ngầm sẽ không lớn, nó sẽ bị các vi sinh vật xử lý” - cổng thông tin chính phủ dẫn lời ông Tôn chống chế. Song, ông Tôn cũng thừa nhận thuốc Aldicarb đã được nông dân ở Duy Phường sử dụng từ rất lâu dù thuốc này đã bị cấm sử dụng cho các loại nông sản như gừng, nghệ từ năm 2006.
Ngay sau khi CCTV khởi đăng phóng sự, cơ quan chức năng tại Duy Phường đã tiến hành điều tra, đồng thời có kế hoạch nhằm ngăn chặn việc sử dụng thuốc trừ sâu này lên gừng.
“Chúng tôi sử dụng thiết bị phát hiện nhanh do Công ty Công cụ phân tích Rayleigh Bắc Kinh để kiểm tra gừng trước khi chúng được bán trên thị trường. Chúng tôi chỉ phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu một hoặc hai lần mỗi năm”, Wang Jiancheng, nhân viên kiểm tra thuốc trừ sâu tại chợ bán buôn tỏi và gừng lớn nhất Duy Phường, cho biết.
Thuốc aldicarb đã thu hút sự chú ý rộng rãi phương tiện truyền thông vào năm 2012 sau khi dưa chuột tẩm thuốc này khiến 13 người chết ở tỉnh An Huy.
Tại Mỹ, thuốc trừ sâu này có tên thương mại là Temik, được sản xuất bởi Bayer CropScience. Nó được coi là loại thuốc trừ sâu độc hại nhất được sử dụng trên cây trồng.