Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế vừa thông báo Trung Quốc đã phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H5N6 đầu tiên trong năm 2015. Đây cũng là ca nhiễm cúm A/H5N6 trên người thứ 2 tại nước này.
Ca mắc thứ hai này là một người đàn ông 44 tuổi, sống ở khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Vân Nam. Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 27/1 với các biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi. Bệnh nhân được người nhà cho nhập viện vào ngày 3/2, sau gần 1 tuần sốt không dứt. Người này có tiền sử tiếp xúc với chim hoang dã đã chết. Ngày 8/2, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H5N6.
Trung Quốc đã tiến hành điều tra dịch tễ học, theo dõi, giám sát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân. Đây là ca nhiễm cúm A/H5N6 trên người thứ 2 tại Trung Quốc, ca trước đó đã tử vong trong năm 2014.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm trong đó có cúm A/H5N6 vào Việt Nam là rất lớn. Lý do vì giao lưu đi lại giữa 2 nước lớn, người dân trong nước chưa chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ. Nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao cũng làm tăng nguy cơ dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán…Theo Tổ chức Y tế thế giới, A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao và chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người.
Để chủ động phòng, chống cúm A/H5N6 lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu gia cầm, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; thông báo kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm cho ngành Y tế để phối hợp giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A/H5N6 ở người.
Tại Việt Nam, trong năm ngoái cũng ghi nhận các ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm các mẫu virus này có sự tương đồng 99% với chủng virus A/H5N6 gây bệnh trên người tại Trung Quốc.