Từ trường hợp nam sinh tử vong do cúm A/H5, chuyên gia cảnh báo kiểu ăn uống, chế biến gia cầm nguy hiểm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 25/03/2024 06:34 AM (GMT+7)

Ngoài tiếp xúc trực tiếp với gia cầm khi chăn nuôi, vận chuyển thì việc ăn sản phẩm từ gia cầm cũng có nguy cơ nhiễm bệnh khá cao nếu gia cầm đang mang mầm bệnh.

Mới đây, thông tin một nam sinh 21 tuổi ở Khánh Hòa tử vong vì mắc cúm A/H5 (cúm gia cầm) khiến nhiều người hoang mang bởi thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm được sử dụng rất nhiều trong bữa ăn hàng ngày.  Trước đó, nam sinh này có những triệu chứng như sốt cao, đau bụng quanh rốn, phân lỏng đi khám ở cơ sở y tế địa phương được chẩn đoán bị nhiễm khuẩn ruột, cảnh báo nhiễm trùng huyết.

Một ngày sau, diễn biến nặng lên, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur Nha Trang cho kết quả dương tính với cúm A/H5. Sau đó, bệnh nhân được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nhưng tình trạng quá nặng nên đã tử vong. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đều có kết quả âm tính với cúm A/H5.

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm A/H5 hay còn gọi là cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã. Virus gây bệnh này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong lên tới 60%.

Mắc cúm gia cầm có nguy cơ tử vong rất cao. Ảnh minh họa.

Mắc cúm gia cầm có nguy cơ tử vong rất cao. Ảnh minh họa. 

Theo ông Phu con đường lây nhiễm dễ dàng nhất sang người đó là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Cụ thể các con đường lây nhiễm cúm gia cầm như sau:

- Lây qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm mang mầm bệnh khi chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ gia cầm nhiễm bệnh. Kể cả khi gia cầm khỏe mạnh nhưng đang mang mầm bệnh vẫn có khả năng lây bệnh.

Tiết canh là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh rất cao. Ảnh minh họa.

Tiết canh là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh rất cao. Ảnh minh họa. 

- Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi ăn uống thịt gia cẩm. Cụ thể, thói quen sử dụng tiết canh gia cầm có mang virus là con đường dễ lây nhiễm bệnh nhất. Ngoài ra, việc ăn thịt gia cầm tái, chưa nấu chín cũng có nguy cơ nhiễm virus.

- Sử dụng trứng gia cầm không an toàn. Trứng gia cầm có thể lây nhiễm virus từ phân và dịch nhầy vì thế việc vận chuyển, chế biến nếu tiếp xúc với bề mặt trứng vẫn có thể lây nhiễm virus. Đặc biệt, nhiều người có thói quen ăn trứng sống thì nguy cơ càng cao hơn. Tuy nhiên, so với 2 con đường trên, việc sử dụng trứng tỉ lệ lây nhiễm thấp hơn.

Ngoài ra, virus cũng có thể lây truyền qua không khí qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm.

Việc ăn trứng sống hoặc tiếp xúc với bề mặt trứng chứa virus có nguy cơ mắc bệnh. Ảnh minh họa.

Việc ăn trứng sống hoặc tiếp xúc với bề mặt trứng chứa virus có nguy cơ mắc bệnh. Ảnh minh họa.

Để phòng bệnh tốt nhất phải sử dụng thịt gia cầm, trứng đã nấu chín. Khi chế biến phải rửa tay bằng nước ấm, xà phòng thật sạch. Vệ sinh bát đũa, dụng cụ làm bếp bằng nước nóng. “Hiện không có bằng chứng về việc bệnh có thể lây lan sang người thông qua thực phẩm được chế biến đúng cách và nấu chín kỹ. Vì thế, tốt nhất hãy ăn chín các thực phẩm chế biến từ gia cầm”, ông Phu nói.

Dù cúm gia cầm có nguy cơ tử vong cao, tuy nhiên các triệu chứng ban đầu lại rất giống cúm thông thường nên dễ bị nhầm lẫn. Do vậy, mọi người từng tiếp xúc với nguồn lây nghi ngờ từ gia cầm mà xuất hiện các triệu chứng như: Sốt cao đột ngột (trên 38 độC), đau ngực, khó thở kèm theo đó là dấu hiệu ho khan, đau họng, đau nhức cơ, đau đầu, mệt mỏi rã rời thì cần nghĩ ngay đến cúm gia cầm và đi khám sớm nhất có thể. Bệnh có diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Các biện pháp phòng cúm gia cầm lây sang người theo khuyến cáo từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế như sau:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân cúm A/H5 ở Khánh Hòa đã tử vong
Bệnh nhân B.T.Đ. (nam, 21 tuổi, là sinh viên Trường Đại học Nha Trang) bị mắc cúm A/H5 đã tử vong sau nhiều ngày phải thở máy.

Dịch cúm A/H5N1

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm A/H5N1