Trúng giải độc đắc 16,2 triệu USD, William Post III lập tức thoát khỏi hoàn cảnh khốn cùng. Nhưng “lên voi” không lâu ông lại phải “xuống chó”.
Cuộc sống sau khi trúng số độc đắc thay đổi rất lớn mà người trong cuộc đôi khi không lường hết và không kiểm soát được. Loạt bài này sẽ nhìn lại số phận diễn biến khác thường của nhiều người trúng xổ số lớn ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.
“Ai cũng mơ trúng xổ số, nhưng không ai nhận ra những cơn ác mộng đi ra từ đó”, báo Guardian dẫn lời ông Post nói năm 1993, năm năm sau khi trúng xổ số bang Pennsylvania (Mỹ) với mức thưởng lớn kỷ lục thứ hai trong lịch sử bang tính đến thời điểm đó.
William Post III là một ví dụ chứng minh trúng độc đắc chưa hẳn may mắn
Cuộc đời của người đàn ông này đầy rẫy sóng gió. Mẹ chết khi mới 8 tuổi, Post bị bố đưa vào trại trẻ mồ côi ngay sau đó. Phần lớn thời gian trong đời ông sống như bèo dạt, làm thợ sơn đường ống, đầu bếp, lái xe tải trong rạp xiếc và lễ hội. Post chưa bao giờ sở hữu một ngôi nhà hay một chiếc xe mới. Ông từng phải ngồi tù 28 ngày vì quá hạn trả nợ ngân hàng.
Ông từng nói với báo giới khi trúng số năm 1988 rằng ông là người bất tài và số dư trong tài khoản ngân hàng của ông lúc đó chỉ còn 2,46 USD. Ông cầm đồ một chiếc nhẫn lấy 40USD và đưa cho Ann Karpik, người chủ nhà và cũng là bạn gái của ông, để ra mua 40 tấm vé số của bang. Trong số vé đó có một tấm trúng thưởng.
Trong 2 tuần sau khi Post nhận khoản tiền đầu tiên trong số tiền trúng thưởng, với gần 500.000 USD, ông tiêu hết hơn 300.000 USD. Ông thi bằng lái xe, thuê nhà hàng cho anh trai và chị gái, mua xe cho một anh trai khác. Post cũng mua một chiếc máy bay hai động cơ, dù ông không có bằng lái máy bay. Chỉ trong vòng 3 tháng, ông lại nợ 500.000 USD.
William Post III lúc chết vẫn còn nợ 1 triệu USD (ảnh: Guardian)
Sau khi Post trúng số, anh trai ông đã thuê sát thủ để giết ông và người vợ thứ sáu của ông nhằm hưởng tiền thừa kế nhưng không thành. Chán nản vì bị anh chị em đối xử không ra gì, Post mua một biệt thự ở Pensylvania với giá 395.000USD và định chi tiền sửa chữa nó.
Nhưng mọi việc không suôn sẻ vì tòa án địa hạt yêu cầu ông tránh xa người vợ thứ sáu sau khi ông dùng súng trường bắn vào chiếc xe Pontiac Firebird của bà.
Bà chủ nhà Karpik và là bạn gái của Post cũng nộp đơn kiện đòi một phần tiền trúng số vì cho rằng Post trước đó đã đồng ý chia đôi tiền thưởng, nhưng ông bác bỏ điều này.
3 năm sau, tòa ra phán quyết ông Post nợ bà Karpik 1/3 số tiền thưởng, nhưng Post lúc đó không có tiền để trả. Khi từ chối thanh toán theo từng năm, Post bị thẩm phán ra quyết định đóng băng số tiền trúng thưởng chưa được lĩnh cho đến khi tranh chấp được giải quyết.
Post phải bán hết tài sản, trừ ngôi biệt thự ngày càng tiêu điều như chủ nhân của nó.
Năm 1996, Post quyết định bán nốt căn biệt thự 16 phòng lấy 65.000USD và đấu giá 17 phần thanh toán xổ số ông chưa lĩnh nhằm trả hết nợ nần.
“Khi tôi không còn là người trúng xổ số nữa người ta mới để tôi yên. Đó là tất cả những gì tôi muốn. Chỉ cần đầu óc thanh thản”, Post nói với báo Anh Guardian.
Ngay năm sau, Post dùng gần hết số tiền 2,65 triệu USD còn lại để trả nợ và mua hai ngôi nhà, một xe tải, 3 xe hơi, hai mô-tô Harley-Davidson, 2 chiếc TV Sony 62 inch, một số máy tính và một thuyền buồm trị giá 260.000 USD để đầu tư kinh doanh dịch vụ cho thuê thuyền câu cá.
Nhưng Post bị bắt trên chiếc thuyền đó năm 1998 vì không chấp hành án tù 24 tháng vì tội chĩa súng vào người đến đòi nợ tiền sửa xe cách đó 6 năm. Sau khi mãn hạn, Post được cho là phải sống nhờ khoản trợ cấp 450 USD/tháng.
Sáu cuộc hôn nhân của Post đều kết thúc bằng ly dị.
Những năm cuối đời, Post nợ nần khoảng 1 triệu USD. Ông qua đời vào tháng 1.2006 vì suy hô hấp ở tuổi 66, để lại người vợ thứ 7 và 9 đứa con.