Những người làm nghề thu gom dầu ăn đã qua sử dụng (gọi chung là dầu đen) đều phải luôn bám, giữ mối liên lạc với chủ mối. Bởi những người thu mua thường xuyên thay đổi địa điểm "đóng quân" để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Sự cảnh giác là bài học số một của họ để "trụ" lại với "nghề"...
Bám đuổi một đầu nậu...
Theo "chỉ điểm" của một quán ăn quen trên đường Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngay khi có người đến hỏi mua dầu ăn thải ra, chúng tôi đã có mặt để "bám đuôi". Trước mắt chúng tôi là một người phụ nữ mặc bộ đồ nỉ, che kín chân tay, mặt đeo khẩu trang, chỉ để lộ ra đôi mắt. Người phụ nữ này xếp sau xe chừng 6 can "dầu ăn con két" (dựa trên hình dập nổi trên thân can) loại 20 lít, có giá đỡ cẩn thận, được thiết kế chuyên để chở đồ, trong đó có 3-4 can đã đầy.
Nhìn qua lớp vỏ trắng đục của hai can này, thấy một màu sẫm vàng, hơi ngả đen. Nắp can cũng chỉ được "bịt" sơ sài một lớp lót bằng túi bóng cho chặt, bên ngoài vỏ can nhìn rất bẩn thỉu. Bên thùng xe của người phụ nữ treo một chiếc phễu loại lớn, dùng để rót dầu. Mua hàng xong, người phụ nữ lên xe, đi từ phía hầm Kim Liên, đi qua Phạm Ngọc Thạch, lên Thái Hà,... (Hà Nội). Một điểm khiến chúng tôi khá tò mò là người phụ nữ này vừa đi xe vừa quan sát đường rất kỹ, thường nhìn ngang, nhìn dọc và chạy với tốc độ lúc nhanh, lúc chậm khiến PV cảm thấy rất khó bám theo.
Đi đến gần rạp chiếu phim Quốc gia trên đường Huỳnh Thúc Kháng, người phụ nữ này dừng lại hỏi đường rồi chạy tiếp cho tới Big C Thăng Long và hỏi đường tiếp.
Việc người phụ nữ liên tục hỏi đường rồi nhìn ngang, ngó dọc khiến chúng tôi nhiều phen hoang mang vì sợ bị lộ, đồng thời cũng đặt ra nghi vấn, chính bản thân chị ta cũng không biết điểm đến cụ thể giao hàng. Đến Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), người phụ nữ đột ngột dừng xe nghe điện thoại, nhìn ngó kỹ hai bên đường rồi đột nhiên quay xe ngược lại, đi ngang qua nhóm PV.
Lợi dụng tắc đường khi đi qua một khu chợ cóc, người phụ nữ nhanh chóng biến mất vào đám đông cùng với xe hàng chỉ trong tích tắc. Chúng tôi vội toả ra các ngõ, vào tận trong chợ nhưng người phụ nữ này dường như đã biến mất. Nhóm phóng viên chỉ còn biết thở dài. Nhiều lần cố gắng đeo bám các đầu nậu dầu ăn thải nhưng chúng tôi đều bị "cắt đuôi đẹp".
Những chuyến xe chở dầu đen vẫn hàng ngày len lỏi trên các tuyến phố tại Hà Nội, gom hàng từ các quán bia, nhà hàng để rồi tiếp nối một vòng luẩn quẩn dầu ăn tái chế.
Hoạt động như... điệp viên
Qua mối quan hệ quen biết với những người làm "trong nghề", chúng tôi biết L.T., một đầu nậu từng đi thu gom dầu đen. Do đã bỏ nghề cách đây không lâu, chuyển sang một công việc khác nên cũng không khó khăn lắm để thuyết phục L.T. tiết lộ những bí mật của nghề sau khi cam kết không đưa tên tuổi cũng như hình ảnh của anh ta lên mặt báo. L.T. đã từng có thời gian dài làm việc cho một công ty chuyên cung cấp dầu ăn nên có mối quen biết khá rộng rãi với các đại lý chuyên phân phối trên địa bàn Hà Nội.
Theo L.T., ngoài thời gian làm việc ở công ty, anh ta còn nhận việc làm thêm, thu gom "dầu đen" để bán lại cho các đầu mối. "Việc mua dầu đen thậm chí còn dễ hơn mua rau. Em cứ đi thẳng vào bếp ăn của các nhà hàng, quán bia... xin gặp "bếp chính" hỏi, bên anh có dầu đen không, em mua. Nếu có, “bếp” sẽ hỏi muốn mua bao nhiêu, giá cả thế nào. Thường thì quán nào cũng sẽ có mối chuyên thu sẵn rồi, mình trả giá cao hơn giá cũ, mối cũ, họ sẽ bán ngay", L.T. cho biết.
Theo đó, để mua được một can dầu đen 20 lít, L.T. chỉ phải trả cho đầu bếp khoảng chừng từ 120.000 - 150.000 đồng. Dầu được chắt trực tiếp từ các chảo, xoong, xô trong bếp ăn vào can của đầu nậu rồi "tiền trao cháo múc". Đầu nậu nào cẩn thận hơn thì mang theo một cái vá (mảnh lưới) để lọc trước các tạp chất, thức ăn lẫn vào, như vậy lượng dầu sẽ nhiều hơn mà tiền chi ra ít hơn, giá bán lại cũng cao hơn. Cũng có khi, dầu ăn lẫn mỡ nhưng đầu nậu cũng kệ, "gom tất" nhưng với giá rẻ hơn nhiều. "Khi để lẫn dầu ăn và mỡ trong một thùng hỗn hợp như thế thì đến "thánh" cũng không phân biệt nổi đâu là dầu ăn "xịn", đâu là dầu đen", L.T cho biết.
Dầu ăn này sau khi được gom đủ số lượng nhất định, các đầu nậu sẽ gọi điện thông báo cho đầu mối thu gom, hẹn địa điểm, thời gian đến giao hàng. "Các đầu mối này cũng thay đổi địa điểm thường xuyên. Trung bình cứ một tháng, họ thay đổi một lần. Lúc thì họ ở chợ Đông Sản (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), khi thì ở một điểm trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội), lúc lại chuyển sang địa điểm khác ở Đống Đa, Hà Nội...
Khi mình gom được khoảng 10 can - 20 can thì gọi điện cho họ, họ sẽ cho người đến lấy hoặc bảo mình mang đến. Giá cả cũng tuỳ theo thoả thuận. Trung bình bán được khoảng 13.000 - 15.000, có khi 16.000 đồng/lít tuỳ theo chất lượng dầu. Mỗi can dầu có khi lãi được đến 100.000 - 150.000 đồng".
"Thực ra, mỗi tuần đến lấy hàng một lần cũng được, nếu như mình có nhiều mối hàng. Nhưng để lâu, có khi đứa khác nó lại len vào lấy mất mối. Có những cơ sở chuyên chế biến thức ăn nhanh, nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội cũng sẵn sàng tuồn dầu đen ra ngoài nhưng chỉ theo mối quen chứ người mới đến, họ nói không liền", L.T. cho hay.
Có những quãng thời gian, nhà L.T. vô tình trở thành một cái kho nhỏ với cả chục can dầu ăn bẩn loại lớn, được xếp từ trong nhà cho tới ngoài hè. Khi chúng tôi gạ hỏi, địa điểm tái chế dầu ăn, L.T. chỉ lắc đầu: "Bọn nó kín lắm, đến anh làm cho nó 2-3 năm mà cũng không biết chuyển dầu đi đâu nữa là. Nghe đâu, dầu đen được chuyển về mạn Hoài Đức (Hà Nội) để chế biến lại thì phải. Người làm ăn coi trọng nguyên tắc cấm tò mò vào nồi cơm của người khác, mình cũng phải giữ".
Thấy chúng tôi vẫn còn nhiều điều khó hiểu về quy trình thu gom dầu thải, L.T. căn dặn: "Bọn nó làm ăn cảnh giác lắm, lại là dân chợ nữa nên nhìn qua là biết ngay ai là người thế nào. Đi theo mấy người thu gom đã khó rồi, đến chỗ tập kết "hàng" còn khó hơn. Không tin, bọn em cứ thử theo chân một đầu nậu xem, may ra có công an là bám được họ. Mà có đóng vai người đi mua dầu tại các cửa hàng cũng phải khéo, ăn mặc kiểu lịch sự như bọn em thế này thì không ai dám bán cho đâu. Bọn em phải mặc như kiểu dân Thị trường, tiếp thị ấy, may ra còn tiếp cận được".
Theo nguồn tin của PV, bên cạnh việc cung cấp nguồn dầu ăn thải, một số nhà hàng, quán bia lớn cũng đồng thời là nguồn cung các loại nguyên liệu đã qua sử dụng như nước dùng, xương cục, thịt thừa,... cho các đầu nậu để sử dụng lại, tái chế thành các loại nước phở, nước dùng bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ... dùng tiếp. Việc tận dụng những đồ phế phẩm nhưng lại đem lại lãi lớn đang trực tiếp gây nguy hại cho sức khoẻ của không ít người tiêu dùng.
PGS.TS Nguyễn Trường Luyện (Đại học Bách khoa Hà Nội): "Người dân đang nạp "độc tố" gây ung thư từ dầu ăn bẩn" Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện khuyến cáo, người dân sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần chẳng khác nào đang tự nạp độc tố vào trong người. Bởi, dầu ăn có cấu trúc vòng. Dưới tác dụng của nhiệt độ cao sẽ thay đổi cấu trúc khiến các thành phần hóa học bị biến đổi, phân hủy thành nhiều chất gây hại sức khỏe, nhất là các chất béo chuyển hóa transfat. Chất béo này vào trong cơ thể sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư và béo phì. Cụ thể, khi chiên đi chiên lại nhiều lần, Vitamin A, E và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, tạo nên một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide... Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp tăng cao... Vì thế, người chế biến món ăn không nên sử dụng dầu chiên đi, chiên lại nhiều lần để đảm bảo cho sức khỏe. Thực ra, dầu ăn bẩn rẻ bằng nửa dầu ăn chuẩn nhưng tác hại của nó vô cùng to lớn đối với sức khỏe. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, lâu nay người ta cũng đồn đoán về loại hóa chất giúp "lọc" màu dầu ăn đã chiên đi chiên lại nhiều lần. "Tôi không biết cụ thể họ dùng loại chất gì, nhưng chắc chắn rằng đó là loại hóa chất cực mạnh. Bởi, chỉ hóa chất mạnh khi trộn dầu ăn mới khử màu được các phân tử dầu ăn từ đen sẫm thành màu vàng hoặc trong. Và tất nhiên, loại hóa chất này sẽ rất độc hại, tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc và ung thư", PGS.TS Nguyễn Trường Luyện khẳng định. |