Ngày 16/9, Cuc An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết 2 loại thịt hộp chứa dầu ăn bẩn của Đài Loan chưa được công bố chất lượng sản phẩm tại Việt Nam.
Có hai sản phẩm dính dầu ăn bẩn được cho là đã nhập về Việt Nam gồm: dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp và sốt thịt cay đóng hộp, được sản xuất vào tháng 5/2014 và hết hạn vào năm 2017. Đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH Dịch vụ Thương Mại Cửu Hương.
Theo ông Lê Hoàng, Phó trưởng phòng quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ ngày 1/1/2011 đến nay Cục chưa cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc giấy chứng nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm cho hai sản phẩm trên. Như vậy, hai sản phẩm này chưa được lưu hành trên thị trường.
“Công ty TNHH DV Thương Mại Cửu Hương khẳng định chưa nhập các sản sản phẩm có chứa dầu ăn bẩn này. Công ty chuyên cung cấp đồ ăn chay của Đài Loan cho công nhân Đài Loan trong các khu công nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết.
Hàng trăm nhà sản xuất đã mua dầu ăn bẩn. Ảnh: South China Morning Post.
Về nguyên tắc, hai sản phẩm này chưa được phép lưu thông trên thị trường, nếu có thì là hàng nhập lậu. Cục đã có văn bản gửi Hải quan rà soát hai sản phẩm này có thông quan hay không, đồng thời cũng gửi văn bản sang Đài Loan để xác minh lại thông tin. Nếu đúng có sản phẩm chứa dầu bẩn thì yêu cầu kiểm tra và ngừng lưu thông. Còn nếu không có sự việc cần thông báo để người tiêu dùng yên tâm và tránh thiệt hại do doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra những sản phẩm đang có nghi ngờ khác.
Chuyên gia khuyến cáo, việc dùng thực phẩm bẩn, dầu ăn bẩn đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như nguy cơ nhiễm các loại kim loại nặng, phẩm màu hóa học, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể… Dầu bẩn dù sản xuất theo phương thức nào thì cũng không thể loại bỏ được hết độc chất.
Gần đây thông tin về việc Tập đoàn Chang Guann của Đài Loan sản xuất và kinh doanh dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp gây xôn xao dư luận. Hàng trăm mặt hàng thực phẩm đã được phát hiện có chứa loại dầu bẩn này. Nhà chức trách xác định 14 sản phẩm làm từ dầu ăn bẩn đã được xuất sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.