Khi Thông tư 17/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/7, một số quy định về việc mở tài khoản thanh toán online tại các tổ chức cung cấp dịch vụ sẽ có nhiều thay đổi.
3 trường hợp không được mở tài khoản thanh toán online
Theo Khoản 3 Điều 16 Thông tư 17/2024/TT-NHNN, việc mở tài khoản thanh toán (từ 1/10/2024) bằng phương tiện điện tử không áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Tài khoản thanh toán chung.
- Tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ.
- Khách hàng cá nhân theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 11 Thông tư này, khách hàng cá nhân là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Từ 1/10, trường hợp nào không được mở tài khoản thanh toán online?
Trong đó, khách hàng cá nhân theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 11 là: Người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức; khách hàng cá nhân là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Hồ sơ mở tài khoản thanh toán bao gồm các tài liệu, thông tin, dữ liệu sau:
- Thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Điều 13 Thông tư 17/2024/TT-NHNN.
- Các tài liệu, thông tin, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN.
- Thỏa thuận việc quản lý và sử dụng tài khoản thanh toán chung giữa các chủ thể đứng tên mở tài khoản thanh toán (nếu có) đối với trường hợp mở tài khoản thanh toán chung.
4 trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán từ 1/7
Theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
1. Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản;
2. Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
3. Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;
4. Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán được thực hiện:
- Theo thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
- Khi có quyết định chấm dứt phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền quy định tại điểm 3 ở trên.
- Khi có yêu cầu chấm dứt phong tỏa của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Nghị định nêu rõ tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.