Việc đăng ảnh con lên Facebook của các ông bố bà mẹ có thể là hành vi vi phạm pháp luật từ ngày 1/6/2017, khi Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực thi hành.
Luật Trẻ em năm 2016 được thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, được dư luận quan tâm bởi có nhiều quy định mới, đặc biệt là các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm mà đôi khi vì thiếu hiểu biết, nhiều bậc phụ huynh đã có hành vi trái pháp luật.
Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Luật quy định:
+ Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Thực tế, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn thường xuyên đăng ảnh con mình lên mạng xã hội Facebook với nhiều mục đích khác nhau mà không cần hỏi hay để ý xem các con có đồng tình với việc làm này hay không.
Bố mẹ đăng ảnh con lên Facebook có thể là hành vi vi phạm pháp luật (Ảnh minh họa)
Như vậy, theo Luật Trẻ em, có thể xem việc đăng ảnh con lên Facebook là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, không phải tất cả mọi hành vi đưa hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật. Ở đây muốn nhấn mạnh về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, nếu như vi phạm thì sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.
Trong Luật lần này, đã có cơ chế để trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với các em.
Thứ nhất, các em có thể cung cấp các thông tin về các hành vi gây bất lợi cho mình, kể cả là của bố mẹ đến một tổ chức mà Luật quy định, đó là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Thứ hai là các em có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia về trẻ em 18001567. Đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang vận hành.
Trên thế giới, có nhiều nước đã đưa vào Luật việc phụ huynh tự ý đăng ảnh con lên Facebook. Tại Pháp, cha mẹ có thể đối diện với án phạt một năm giam giữ và phạt tiền 45.000 euro nếu bị kết tội công khai cuộc sống riêng tư của người khác, kể cả con cái, mà không được sự đồng ý.a
Những bức ảnh của con không nên đăng mạng xã hội - Ảnh khỏa thân hoặc hở hang, nhạy cảm: Con cũng có quyền riêng tư về hình ảnh của cơ thể mình. - Nơi con em đến trường: Nếu có đăng thì phải đảm bảo tên trường lớp và những đặc điểm về vị trí của trường bé không bị tiết lộ. - Bức ảnh với đầy đủ họ tên của bé: Khi đi học, trẻ thường mang những trang phục và ba lô ghi rõ tên tuổi của mình nên cha mẹ không nên chia sẻ hình ảnh mà người xem có thể nhìn thấy rõ tên và địa chỉ của con mình. - Ảnh con chụp cùng trẻ khác: Trước khi đăng tải và gắn tên bạn bè của con vào những bức ảnh tập thể như buổi liên hoan, dã ngoại, hãy tôn trọng quan điểm của các gia đình khác về việc chia sẻ hình ảnh của con họ trên các mạng xã hội. Các hệ quả xấu đối với con trẻ khi cha mẹ đăng tải hình con trên mạng xã hội - Tạo cơ hội cho những kẻ bắt cóc: Không chỉ ảnh mà cha mẹ còn đưa quá nhiều chi tiết về bé, như đang đi đâu, làm gì, ăn gì, giờ giấc ra sao, học trường nào…Đây là những thông tin mà bọn chuyên bắt cóc trẻ dựa vào để dễ dàng hành động. - Bị kẻ xấu lợi dụng: Rất nhiều kẻ xấu thường xuyên săn lùng hình ảnh các em bé trên mạng để trục lợi cho mình. - Trẻ nhận bình luận xấu, chỉ trích - Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ: Những hình ảnh xấu của trẻ hồi bé như khóc nhè, cắn móng chân,...có thể là lí do khiến bé bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt sau này. |