Tự chuốc lấy nguy hiểm vì tin “bác sĩ” Google

Ngày 01/03/2013 15:55 PM (GMT+7)

Do quá tin vào công cụ tìm kiếm và tra cứu thông tin trên mạng, nhiều ông bố, bà mẹ đã chuốc lấy hoang mang, thậm chí để lỡ thời cơ chữa bệnh cho mình, cho con hoặc dùng sai thuốc.

Chị N.K.D., có thai 35 tuần tuổi, tự đi siêu âm và kết quả siêu âm cho biết chỉ số ối 15-16cm. Dù bác sĩ siêu âm yêu cầu về hỏi ý kiến bác sĩ điều trị, nhưng chị đã tự tìm đến “bác sĩ” Google. Sau khi đọc hàng loạt thông tin trên mạng, chị N.K.D. “biết” mình bị dư ối. Với những cảnh báo từ “bác sĩ” Google, chị đâm hoang mang và rơi vào trạng thái mất ngủ liên tục. Tiếp tục những ngày sau đó, chị lại tự tra cứu Internet tìm phương pháp điều trị để giảm lượng ối mà không hỏi đến ý kiến bác sĩ chuyên môn.

Đánh mất cơ hội vàng

Chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường - khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - cho biết có nhiều trường hợp tự tìm kiếm thông tin trên mạng về sức khỏe con cái, của chính bản thân rồi tự chuốc lấy sự hoang mang. “Có những trường hợp trẻ 1-2 tuổi, đang tuổi hiếu động, thích chạy nhảy, cha mẹ lên Internet tra cứu thông tin và cứ nghĩ con mình bị tăng động. Thế rồi ba đổ lỗi cho mẹ, mẹ đổ lỗi cho ba, gia đình xào xáo chỉ vì họ quá tin vào Internet, trong khi con họ rất bình thường”.

Đáng nói hơn, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ bị tự kỷ nhưng lại để quá trễ mới đưa vào khám chữa bệnh và nguyên nhân của sự chủ quan này một phần đến từ “bác sĩ” Google. “Nhiều ông bố, bà mẹ chia sẻ với nhau trên các diễn đàn và tra cứu Internet rồi tin rằng qua tuổi đó con họ sẽ vận động tốt hơn, sẽ bình thường và họ tự đánh mất cơ hội vàng để khám, điều trị cho con” - chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường cho biết.

Nguy hiểm hơn, nhiều người quá tin tưởng vào những gì được viết trên Internet nên tự áp dụng các phương pháp điều trị cho mình, cho con. Chị T.N. (Bình Chánh, TP.HCM) có con dưới 1 tuổi bị ho ròng rã gần một tháng. Chị cũng đưa con đi khám bệnh tại một bệnh viện chuyên khoa nhi nhưng về lại... nghi ngờ đơn thuốc của bác sĩ. Vợ chồng chị lên mạng tra cứu công dụng, cách dùng, chỉ định các loại thuốc mà bác sĩ cho rồi tự “tá hỏa” vì “thuốc này chỉ dùng cho trẻ trên 6 tuổi, sao con mình mới 1 tuổi bác sĩ đã cho thuốc này?”. Thế nên chị bỏ đơn thuốc này và tự ý chia sẻ dùng thuốc với các bà mẹ khác. Kết quả đến khi bé bị viêm phổi phải nhập viện cấp cứu, chị T.N. mới nhận ra sai lầm của mình.

Tự chuốc lấy nguy hiểm vì tin “bác sĩ” Google - 1
 Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Tự chuốc lấy nguy hiểm

Bác sĩ Thái Thanh Thủy, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết có một số phụ huynh khi con bệnh thì lên mạng tìm thông tin, rồi áp dụng các cách chữa bệnh do người khác chia sẻ lên con mình.

“Điều này thật sự nguy hiểm vì trẻ em không phải là bản sao của nhau, dựa trên vài triệu chứng phụ huynh đã chẩn đoán thay bác sĩ và cùng nhau điều trị có thể sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí nghiêm trọng. Kiến thức trên Google chỉ để tham khảo, nếu có thắc mắc phụ huynh cứ mạnh dạn hỏi bác sĩ khi đưa con đi khám. Mỗi cơ thể con người là một sự khác biệt, cần phải có sự chẩn đoán chính xác của chuyên môn mới áp dụng các phương pháp điều trị” - bác sĩ Thái Thanh Thủy cảnh báo.

Theo bác sĩ Thủy, “bác sĩ” Google và Internet là nơi cung cấp thông tin đa dạng và có mặt tích cực của nó. Vấn đề là người dùng Internet, tra cứu thông tin phải biết chọn lọc và lựa ra những thông tin có thể tin tưởng được. Riêng với lĩnh vực sức khỏe, không phải tất cả những gì viết trên Internet đều đáng tin.

Người dùng khi tra cứu nên hướng đến những trang web đáng tin cậy của các bệnh viện. Ngoài ra, chỉ nên xem thông tin từ Internet là một nguồn tin tham khảo, lúc bị bệnh áp dụng các chỉ định điều trị cần nhất là đến gặp bác sĩ, để được tư vấn từ những người có chuyên môn. 

Sợ bác sĩ thật!

Bác sĩ Thái Thanh Thủy cho rằng việc người bệnh quá tin vào “bác sĩ” Google là có thật và rất nhiều trong thực tế. Bệnh nhân vì nhiều lý do: hoặc bản tính nhút nhát, hoặc quá tự tin vào bản thân, do bệnh viện quá đông bệnh nhân, do sợ bác sĩ... nên tìm đến với công cụ tra cứu để “hỏi” thêm về bệnh. Trên thực tế, bệnh nhân có quyền được hỏi bác sĩ và được bác sĩ giải đáp các thắc mắc xung quanh bệnh tật của họ và người thân. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan nên cả bác sĩ và bệnh nhân chưa thật sự có nhiều thời gian trao đổi và bệnh nhân quay sang “bác sĩ ảo” cho nhanh chóng, thuận tiện còn hiệu quả thì... hên xui, nếu bệnh trở nặng đã có bác sĩ thật tại bệnh viện thật.

(Theo Tuổi Trẻ)
Nguồn:

Tin liên quan