'Từ điển tiếng Việt mà như thế này thì... chết'

Ngày 07/10/2014 11:10 AM (GMT+7)

Đó là ý kiến của chuyên gia ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khi nhận được phản ánh của Báo điện tử Infonet về những nội dung bất cập trong cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất.

Với những định nghĩa "vô đối", gây sốc cho bạn đọc trong Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, PV Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam):

#039;Từ điển tiếng Việt mà như thế này thì... chết#039; - 1

Cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành

- Mới đây, Báo điện tử Infonet ngày 6/10 có bài phản ánh về nội dung của một cuốn từ điển dành cho học sinh. Sau khi theo dõi, ông có thể cho biết quan điểm của mình ra sao về những định nghĩa khá sốc này?

Thực ra đây cũng chỉ là một cuốn từ điển “cỡ” bé dùng cho học sinh nên cũng không cần biên soạn một cách quá cầu kỳ, không đòi hỏi quá nhiều nghĩa và ví dụ, mà cần giải thích ngắn gọn.

Tuy nhiên, sau khi nghe PV phản ánh thì tôi thấy thực sự nội dung có nhiều bất cập. Thứ nhất, việc chọn hệ thống từ ngữ đưa vào cuốn từ điển chưa được cẩn thận.

Thứ hai, việc giải thích một số từ ngữ lại đơn giản đến mức ngô nghê, thậm chí có nhiều từ giải thích theo kiểu cộng gộp nghĩa một cách cơ học.

Ngoài ra, cần biết một trong những nguyên tắc làm từ điển là đầu tiên cần lập được hệ thống bảng từ thích hợp dựa trên căn cứ phân định từ loại. Những từ mà giá trị định danh của nó chưa cao thì không nên cho vào từ điển. Khi đưa vào từ điển thì mình cần căn cứ từ đó xuất hiện trong giao tiếp tương đối đã được định hình về ngữ nghĩa.

#039;Từ điển tiếng Việt mà như thế này thì... chết#039; - 2

PGS.TS Phạm Văn Tình

- Ông có thể phân tích rõ hơn một số lỗi ở phần nội dung của cuốn từ điển này?

Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt, tôi thấy khá nhiều từ được tác giả giải nghĩa bằng cách ghép nghĩa của các thành phần một cách cơ học. Ví dụ như thương mến là thương và mến, cao ráo là cao và khô ráo,…

Có một số trường hợp thì được, dùng nghĩa của các từ đã có để tạo thành một nghĩa khái quát. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng thế. Kể cả những từ ghép đầu tiên cũng từ nhiều từ đã có nghĩa ghép lại, nhưng sau đó nó sẽ thể hiện một nghĩa khái quát, thoát ly hẳn nghĩa do cộng gộp.

Ví dụ như, từ “lâu đài” được hiểu là nhà có quy mô to lớn, cao rộng, đẹp và sang trọng, nhưng không thể cộng lại và giải thích là “lầu và đền đài” như trong từ điển đó được.

Hay như từ “bế mạc” mà được giải thích là “hết dứt buổi hát”, dù đúng là có nghĩa kết thúc nhưng không chỉ là “buổi hát” mà còn để chỉ cả những sự kiện, hội nghị,… Giải nghĩa như thế là không đúng và làm hẹp đi nghĩa của từ đó.

Rồi từ “bia” chẳng hạn, giải thích như trong cuốn từ điển “tấm đá có khắc tên ngày giờ người chết dựng trước mả” cũng làm hẹp khái niệm. Trước hết cần hiểu là tấm đá lớn được khắc chữ để ghi lại sự việc người đời cần ghi nhớ hoặc để làm mộ chí.

Ngoài ra còn nghĩa là đích để bắn, rồi còn có nghĩa là một thức uống có độ cồn nhẹ. Có thể thấy rằng, “bia” để bắn có thể ít được sử dụng nhưng “bia” với nghĩa là một đồ uống là rất phổ biến chứ.

Hay như từ “bón” nghĩa phải là “đút, cho ăn từng ít một”. Đầu tiên là đút thức ăn cho người, thường là trẻ em hoặc người già. Nghĩa thứ hai là đưa thêm chất làm tăng thành phần dinh dưỡng hoặc để cải tạo đất, giúp cho cây cối sinh trưởng tốt hơn. Vậy nếu chỉ định nghĩa “bón” là “cho phân vào cây” như cuốn từ điển là không được.

Còn từ “lấy” mà giải thích với nghĩa chính ngay là “cưới vợ, cưới chồng, giao cấu…” thì thực sự là sai nghiêm trọng. Bởi từ “lấy” dù có thể hiểu được một nghĩa phụ là “lấy vợ lấy chồng” nhưng cũng không thể cho “giao cấu” vào cùng được. Đây là một cách suy luận rất tùy tiện, sai hoàn toàn.

Chưa kể, là từ điển thì đầu tiên phải đi vào cái nghĩa cơ bản của từ đó trước đã. “Lấy” được hiểu là đưa cái của mình hoặc cái sẵn có ở đâu đó để làm việc gì đấy. Nghĩa mà từ điển đưa ra đầu tiên là lại là nghĩa phụ, xa so với nghĩa chính.

Từ “bồ bịch” có nghĩa thứ nhất là đồ đựng, đan bằng tre nứa. Thứ hai là người có quan hệ yêu đương thường là không nghiêm túc, không chính đáng. Còn định nghĩa như trong từ điển đó là “bạn bè thân thích” thì thực sự là không ổn.

- Những lỗi sai hoặc thiếu sót này có thể đổ là do thời điểm phát hành từ 2001, cách đây đã khá lâu, khiến nhiều nghĩa nhiều từ không đúng với hiện nay, thưa ông?   

Cuốn từ điển này xuất bản năm 2001, cũng hơi xa so với thời điểm hiện tại tuy nhiên không phải là quá xa đến nỗi mà có sự thay đổi lớn về nghĩa của các từ trong đó. Khi mà người làm từ điển công bố nó, thì phải giải thích nghĩa của từ ở thời điểm hiện tại, tức là cái mà mọi người đang dùng.

Thậm chí, có một số trường hợp là những từ cũ, đã xa xưa rồi mà bây giờ ít dùng thì còn phải chú thích (nghĩa cũ, ít dùng)

- Vậy theo ông trách nhiệm thuộc về tác giả hay phía nhà xuất bản?

Vị tác giả này làm từ điển nhưng lại không có trang bị cơ bản về lý luận từ điển học. Việc chọn lựa từ ngữ chưa cẩn thận và việc giải nghĩa từ ngữ cũng không đúng theo tinh thần từ điển học. Là phải căn cứ vào cái nghĩa phổ biến mà cộng đồng đang sử dụng, đầu tiên phải ưu tiên nghĩa chính, cơ bản, sau đó mới đến các nghĩa phái sinh.

Tôi không cho rằng tác giả có dụng ý xấu nhưng có lẽ để xảy ra điều này là do sự non yếu về nghiệp vụ và sự tùy tiện trong việc giải quyết, xử lý những vấn đề từ điển. Tuy nhiên, nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm chính về việc này.

Bởi trước khi xuất bản thì cần có quá trình thẩm định, và thường là với những sách như từ điển thì còn cần nhờ các chuyên gia thẩm định nội dung.

- Theo ông, những cuốn từ điển tiếng Việt như thế này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nhóm đối tượng chính là học sinh?

Từ điển là một trong những công cụ tra cứu đòi hỏi phải chuẩn xác và có tính điển mẫu, về giải nghĩa, chính tả đến việc chọn lựa từ. Đối với mọi người trong xã hội đã cần cẩn thận, thì nhóm đối tượng là học sinh thì cần phải làm cẩn thận hơn.

Bởi học sinh là những người bắt đầu tiếp nhận cách hiểu từ ngữ tiếng Việt, đòi hỏi phải chuẩn xác, ngoài ra còn liên quan đến việc học hành của các em. Nếu không trau chuốt về nội dung có thể vô tình khiến các em hiểu sai vấn đề hoặc chỉ hiểu được một cách phiến diện nghĩa của từ.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Theo Thanh Hùng (Infonet)

Tin liên quan