Khi phát hiện mái đình bị dỡ mất một phần đồng thời 4 thanh gỗ sưa quý biến mất, người dân rất bức xúc lên tiếng phản đối kịch liệt.
Theo phản ánh của người dân thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội), tối ngày 2/3, người dân phát hiện một phần mái đình làng bị phá dỡ, trong đó có 4 thanh gỗ sưa quý bỗng nhiên mất tích. Việc tự ý dỡ mái đình bán gỗ sưa vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía người dân.
Hàng trăm người dân bức xúc tập trung xung quanh đình phản đối việc bán gỗ sưa.
Bà Nguyễn Thị Trọng, người chứng kiến toàn bộ vụ việc kể lại: “Vào khoảng 18h, khi cả nhà đang ăn cơm, tôi nhận được tin có người báo là gỗ sưa của đình làng bị bán trộm. Ngay lúc đó, tôi chạy ra đình với mục đích để giữ lại gỗ sưa. Khi chạy ra đến nơi thì phát hiện mái đình đã bị phá dỡ trước đó, đồng thời 4 thanh gỗ sưa quý được mang sang chùa Cựu Quán để thực hiện việc cân kéo, bán mua.
Tại sân chùa lúc này có tất cả 6 người bao gồm Ni sư Thích Nữ Diệu Bản, trụ trì chùa Cựu Quán; ông Nguyễn Phú Lực, Trường thôn; ông Nguyễn Ích Chắt, Trưởng ban khánh tiết; ông Nguyễn Ích Bạ, phó Ban khánh tiết và ông Nguyễn Hữu Thắng, người trông coi Đình cùng một số người khác…
Tôi phản đổi về việc tự ý phá dỡ đình bán gỗ sưa thì nhóm người này tỏ thái độ khó chịu nói: “Không phải việc của bà, bà ra đây làm gì”. Trong đó, ông Nguyễn Ích Chắt còn tuyên bố việc bán gỗ sưa là có chủ trương của Ban lãnh đạo, Ban khánh tiết và các cụ. Tôi hỏi cụ nào thì ông Chắt không nói gì. Tôi thắc mắc chưa có sự nhất trí của người dân thì không được bán tuy nhiên ông Chắt vẫn bỏ ngoài tai mà bán số gỗ sưa đó đi”.
Một phần mái đình nơi có gỗ sưa bị phá dỡ.
Bên trong chùa ngổn ngang gạch vữa.
Chỉ còn lại những mẩu gỗ mục nát.
Cùng chứng kiến sự việc trên, ông Nguyễn Đình Bảo, người có mặt tại chùa cho biết: “Có một số điện thoại lạ gọi vào số máy của tôi bảo ra chùa gấp vì có người bán trộm gỗ sưa, tôi chạy ra thì thấy nhóm người trong Ban khánh tiết đang cân kéo gỗ sưa để bán. Tôi ngăn không cho bán vì chưa được sự nhất trí của các cụ và người dân trong làng thì ông Chắt (Trưởng ban) có cầm biên bản bán gỗ sưa đọc cho tôi và bà Trọng nghe”.
Ông Bảo bức xúc: “Việc bán gỗ sưa không được sự đồng thuận nhất trí của người dân. Biên bản hội nghị bán gỗ sưa cũng chỉ có 6 người này tự họp với nhau rồi tự ý phá dỡ đình và thực hiện việc bán mua với nhau, bà con nhân dân hoàn toàn không hay biết gì.
Theo giấy tờ mua bán, tổng số 4 thanh gỗ sưa có trọng lượng là 127,5kg được bán với giá 10 triệu đồng/kg. Sau khi thực hiện xong việc mua bán, số gỗ sưa này được một ô tô chở đi ngay”.
Ông Nguyễn Đình Bảo cho biết gỗ sưa được bán với giá 10 triệu đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Phong, thành viên trong hội người cao tuổi bức xúc: “Đình Cựu Quán thờ lục vị Đại Vương có lịch sử lâu đời nay. Gỗ sưa trong đình là các cụ để lại, rất quý và không ai được phép bán. Thế nhưng một bộ phận trong ban khánh tiết tự ý phá dỡ, bán gỗ sưa, không báo cho người dân biết, tự họ đứng lên, bán mua, thanh toán với nhau, tiền ai giữ, còn lại bao nhiêu, dân không hề biết?
Trao đổi với PV Báo Đời sống và Pháp Luật, ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch xã Đức Thượng nói: “Sự việc xảy ra vào 18h ngày 2/3, có một nhóm bộ phận trong ban khánh tiết đã thống nhất với nhau dỡ mái đình bán gỗ sưa mục đích để tu sửa đình nhưng chưa được sự đồng ý của người dân”.
Ông Trần Văn Thảo, Trưởng công an xã cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với những người liên quan, hiện tại 4 thanh gỗ sưa trong đình Cự Quán đã bị bán mất cho một người khác, chúng tôi đang điều tra truy tìm số gỗ sưa này.