Sự thật bất ngờ về bài đồng dao "Chi chi chành chành", CĐM: Hóa ra lâu nay đọc sai bét

HÀ ANH - Ngày 06/09/2021 16:25 PM (GMT+7)

Bài đồng dao gắn với tuổi thơ của mọi đứa trẻ được "tam sao thất bản" thành nhiều phiên bản khác nhau và không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa thật sự của nó. 

"Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa..." là những câu đồng dao khó có thể nào quên với tuổi thơ của hầu hết những đứa trẻ Việt Nam, đặc biệt thế hệ 9X trở về trước.

Bài đồng dao này gắn liền với một trò chơi được thực hiện từ 2 người trở lên. Một người sẽ xòe tay ra và những người còn lại đặt ngón trỏ vào lòng bàn tay. Người xòe tay đọc nhanh bài đồng dao và khi đến từ cuối cùng là "Ập", người xòe bàn tay sẽ nắm tay lại thật nhanh để túm lấy những ngón trỏ kia. Nếu ai rút tay không kịp thì người đó sẽ thua.

Bài đồng dao Chi chi chành chành được các thế hệ đọc thuộc làu

Bài đồng dao "Chi chi chành chành" được các thế hệ đọc thuộc làu

Những câu đồng dao này được truyền miệng từ người này sang người khác và tất cả chúng ta đều nhớ nó và đọc vanh vách trong vô thức mà không biết có đúng hay không, cũng như không hiểu được ý nghĩa sâu xa của từng câu từng chữ ẩn đằng đó.

Phiên bản mà có lẽ nhiều người từng nghe nhất là: Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ma vương ngũ đế/ Bác dế đi tìm/ Ù à ù ập...

Hay lại có phiên bản truyền tai thành: Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ma vương bú tí/ Bắt dế đi tìm/ Ù à ù ập/ Đóng sập cửa vào...

Mới đây, một trang fanpage đã đăng loạt ảnh tranh vẽ hoạt hình để chỉ ra bản gốc của những câu đồng dao này và ý nghĩa của nó. Nhiều người bất ngờ vì phiên bản gốc khác xa với những câu truyền miệng trong dân gian.

Theo giải thích trong sách Kinh Thi Việt Nam của nhà văn Trương Tửu, từng câu từng chữ trong bài đồng dao này khắc họa một giai đoạn của lịch sử dân tộc mà chúng ta vô tình bỏ qua. Cụ thể, nó được ghi lại trong những năm 1856-1888 khi đất nước ta rơi vào loạn lạc, bị giặc Pháp xâm lược, triều đình rối loạn. Và bài đồng dao gốc phải là:

"Chu tri rành rành

Cái đanh nổ lửa

Con ngựa đứt cương

 Ba vương tập đế

 Cấp kế đi tìm

 Hú tim bắt ập".

Sự thật bất ngờ về bài đồng dao amp;#34;Chi chi chành chànhamp;#34;, CĐM: Hóa ra lâu nay đọc sai bét - 2

Chu tri rành rành có nghĩa là bố cáo cho mọi người đều biết.

Cái đanh nổ lửa nói về tiếng súng của quân đội Pháp bắn vào Đà Nẵng.

Con ngựa đứt cương chỉ việc băng hà của vua Tự Đức vào năm 1883 và sự rối loạn của triều đình Huế lúc bấy giờ.

Ba vương tập đế nói về việc trong vòng chưa đầy 1 năm từ tháng 9/1884 sau khi vua Tự Đức mất, đã có liên tiếp 3 vị vua thay nhau lên ngôi là Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi.

Cấp kế đi tìm nói về việc Tôn Thất Thuyết vì bị Thống Chế De Coursy xử ép nên đêm 22/5/1885 liều đánh úp dinh Khâm Sứ và đồn Mang Cá ở Huế. Việc thất bại, Thuyết đem vua đi trốn rồi truyền hịch Cần Vương đi khắp nơi. Quân Pháp một mặt lo dẹp loạn, một mặt cấp tốc cho người đi tìm vua Hàm Nghi để làm yên lòng dân.

Hú tim bắt ập chỉ vào việc tên Trương Quang Ngọc làm phản, cùng với suất đội hầu cận vua Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình, nửa đêm 26/9/1888 cùng 20 thủ hạ xông vào chỗ vua tạm trú ở làng Tả Bảo, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, bắt vua trong lúc đang ngủ.

Sau khi xem bản gốc, nhiều người "ngã ngửa" vì từ trước tới nay đọc thuộc làu làu nhưng chỉ nghĩ đó là bài đọc vui cho trẻ thơ mà không nghĩ nó có ý nghĩa riêng.

"Ôi thế là hơn 30 "nồi bánh chưng" trong cuộc đời giờ mình đã đọc sai bét bài đồng dao này, cứ nghĩ hát cho vui thôi giờ mới biết ý nghĩa thật sự, quả là thú vị, mở mang đầu óc", bạn Minh Hằng bình luận. 

"Vậy mà cứ tưởng bài này đọc cho vui, chả bao giờ để ý tới câu chữ. Gần 40 tuổi mới biết ý nghĩa của nó, xấu hổ ghê!", tài khoản Hà Hoàng bày tỏ.

"Đúng là Tam sao thất bản, mấy câu ca dao Việt Nam nhiều lắm mà có nhiều câu từ nhỏ tới giờ mình không hiểu ý nghĩa là gì, chỉ đọc theo thói quen thôi", Nghi Dung nói. 

Xôn xao bài văn dài 10 trang của chàng thủ khoa: Nhiều người tuyên bố không hiểu gì cả
Bài văn của chàng thủ khoa Võ Lập Phúc, người từng đạt 9,75 điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái đang "gây bão" với nhiều ý kiến...

Tin tức 24h

HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h