Để ứng phó với siêu bão Yagi, người dân sinh sống tại các tòa chung cư cao tầng cần kiểm tra hệ thống thoát nước, chốt cửa sổ, cửa ra vào, che chắn lỗ thông gió.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến 9h sáng 6/9, vị trí tâm siêu bão số 3 Yagi trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ninh 570km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Dự báo hướng di chuyển của bão Yagi. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Theo các chuyên gia, đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng gió mạnh cấp 10 khoảng 150km, vùng gió mạnh cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.
Dựa vào thang đo Beaufort tại Việt Nam, gió mạnh cấp 8 sẽ có vận tốc từ 62 -74km/h. Với sức gió này, sẽ làm gãy cành cây, tốc mái nhà gây thiệt hại về nhà cửa. Biển động rất mạnh, đặc biệt, rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền.
Gió mạnh cấp 10 sẽ có vận tốc từ 89 - 102km/h, làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện. Biển động dữ dội, đủ sức gây đắm tàu thuyền. Đáng chú ý, gió mạnh cấp 12 có vận tốc từ 118 - 133km/h, sức phá hoại cực kỳ lớn, sóng biển cực kỳ mạnh, đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn.
Với sức gió trên, nhà chung cư cao tầng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, cư dân và ban quản lý tòa nhà cần đặc biệt chú ý để tránh các tai nạn và thiệt hại không đáng có.
Trước khi bão đổ bộ
Người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên phương tiện thông tin đại chúng và loa phát thanh của thôn, xã...
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bão về như: Kiểm tra bản lề cửa để sớm phát hiện hư hỏng có thể gây vỡ cửa kính, người dân cần chốt cố định bản lề hoặc gia cố để bản lề vững chắc. Để chống vỡ cửa kính, có thể chèn hoặc dán băng keo bịt khe hở ở ron cao su nhằm tránh rung lắc; dùng băng keo trong dán bắt chéo các ô cửa kính để đề phòng mảnh vỡ không bị văng vào nhà trúng người.
Cư dân chung cư cũng cần kiểm tra các loại hệ thống ống thoát nước để đảm bảo không bị tràn nước ngược vào căn hộ. Di dời chậu cây, vật nặng... đang để ở ban công xuống đất để tránh rơi, bay khi bão vào.
Nếu đặt máy giặt, máy sấy bên ngoài ban công, logia căn hộ thì nên kê cao chân máy và có vỏ bạt để trùm lên thân máy, hạn chế việc để nước ngấm vào máy móc, có thể gây hỏng hóc tài sản.
Dùng băng keo trong dán bắt chéo các ô cửa kính để đề phòng mảnh vỡ. Ảnh minh họa
Trong những tình huống rung lắc nguy hiểm, nơi an toàn là sát dưới các góc chân cột lớn trong căn hộ hoặc gian nhà, bởi khi rơi mảng bê tông hoặc tấm trang trí trần thạch cao thì những góc cột này sẽ tạo nên một góc tam giác an toàn
Cư dân chung cư cũng cần chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng: Đèn pin, đèn đeo trán, dây thừng, mũ bảo hiểm, kính bảo hộ mắt, bình chữa cháy... và nên soạn sẵn một ba lô đựng những giấy tờ quan trọng để mang theo khi cần.
Ngoài ra, nên sẵn sàng các phương án để thoát ra khỏi căn hộ nếu có hiệu lệnh từ Ban quản trị tòa nhà theo thang thoát hiểm.
Trong khi bão đổ bộ
Người dân vẫn cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên phương tiện thông tin đại chúng và loa phát thanh của thôn, xã...
Tuyệt đối tránh xa cửa sổ và cửa ra vào để phòng tránh các cửa này bị đổ, kính vỡ văng vào người.
Cư dân cần chuẩn bị sẵn đèn pin để đề phòng mất điện, không sử dụng nến thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Cần chuẩn bị sẵn khăn, chổi, xẻng... phòng trường hợp nước tràn vào căn hộ.
Nếu được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp. Phải thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn cứu hộ.
Sau khi bão đổ bộ
Sau khi bão đổ bộ, cư dân chung cư cần tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết ngay cả khi bão đã đổ bộ vào đất liền; chỉ được phép về nhà từ nơi sơ tán khi có sự cho phép của chính quyền địa phương.
Đồng thời, chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như: Đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.
Tuyệt đối không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước; tuân thủ theo biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn) vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.