Trong ngày hôm nay (6/9) ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa -Thừa Thiên Huế có mưa dông do tác động vành ngoài hoàn lưu bão số 3.
Những khu vực có mưa rất lớn từ hôm nay
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (6/9), ở khu vực ven biển Nam Đồng Bằng và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính từ 05h đến 08h ngày 06/9 có nơi trên 30mm như: Xuân Thủy (Nam Định) 74mm, Đồng Giao (Ninh Bình) 34.8mm, Hà Trung (Thanh Hóa) 33.6mm, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 37.4mm,...
Từ đêm 6/9 đến đêm 7/9, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm. Ngày và đêm 7/9, khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Từ chiều tối nay, nhiều khu vực sẽ mưa lớn do bão số 3.
Ngoài ra, ngày 6/9, khu vực phía Đông Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm; ngày và đêm 06/9, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm (mưa tập trung vào thời gian chiều và tối). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Ngày và đêm 8/9, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-60mm, cục bộ có nơi trên 90mm. Riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 250mm.
Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Về diễn biến của bão số 3, hồi 7 giờ ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Trong ngày hôm nay (6/9) ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hoá-Thừa Thiên Huế có mưa dông do tác động vành ngoài hoàn lưu bão số 3.
Từ đêm 06/9 đến sáng 09/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 07/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 07/9 đến đêm 08/9).
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Cảnh giác với dông, lốc sét trước khi bão đổ bộ
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho rằng, thời tiết oi nóng không phải là điều kiện thuận lợi để bão có thể vào hoặc không vào miền Bắc. "Chúng tôi quan tâm với điều kiện oi nóng như hiện nay, khi chuyển sang mưa, cụ thể là mưa trước bão trong ngày 6/9 ở Đông Bắc bộ và Hà Nội thì sẽ dẫn đến nguy cơ dông, lốc, sét xảy ra nhiều hơn. Mặc dù bão vẫn cách đất liền 400 - 500 km", ông Lâm nói.
Với cường độ bão đạt cấp 15 - 16, độ cao sóng lên tới 10 - 12 m. Khi bão số 3 vào đến vịnh Bắc bộ với cường độ cao, chiều cao của sóng có thể đạt 5 - 7 m. Do quy mô của cơn bão rất rộng nên khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh nơi chịu ảnh hưởng của bão cần hết sức đề phòng do ảnh hưởng của sóng cao, gây nguy hiểm tới tàu thuyền kể cả tàu thuyền đã được neo đậu.
Ông Đinh Hữu Dương, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) nhận định, từ ngày 7 - 9/9, đất liền nước ta sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 3. Sau đó, bão sẽ đi vào sâu trong lục địa.
Theo ông Dương, do ảnh hưởng của bão, Hà Nội sẽ có mưa lớn tập trung chủ yếu từ ngày 7 - 8/9. Tuy nhiên từ ngày 6/9, do ảnh hưởng của bão, thủ đô có thể xuất hiện mưa giông mạnh. Lượng mưa lớn có thể xuất hiện ngập lụt ở nội thành Hà Nội. Đặc biệt, với các dòng sông như sông Tích, sông Cà Lồ, sông Bùi có thể xuất hiện lũ với ngưỡng từ 1 - 3 m.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, siêu bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua đang tiến vào Việt Nam và có sức tàn phá rất lớn, đòi hỏi công tác ứng phó kỹ lưỡng.
Đây là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua. Năm 2013, chúng ta đã chứng kiến siêu bão Haiyan (tên gọi khác là bão Hải Yến) là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trên thế giới. Cơn bão này đổ bộ vào Philippines đầu tháng 11/2013, làm khoảng 6.300 người chết, gần 28.700 người bị thương và hơn 1.000 người mất tích tại Philippines.
Sau khi càn quét Philippines, bão Hải Yến đi vào Biển Đông với sức gió giật trên cấp 17. Cơn bão đã quét qua vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và đổ bộ vào Hải Phòng - Quảng Ninh của Việt Nam làm 18 người chết, 2 người mất tích, 93 người bị thương.
Những lưu ý trước, trong và sau bão
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên các phương tiện thông tin đại chúng và loa phát thanh của thôn, xã...
Chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bão về như: Chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây cành bị chết, bị bệnh; xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà; vệ sinh máng nước mưa, gầm cầu thang ngoài, giếng cửa sổ, đường thoát nước, ống thoát nước.
Chuẩn bị một bộ đồ dùng cho gia đình như: Đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng... Các gia đình có trẻ em nên để mỗi trẻ tự tạo gói đồ dùng cá nhân của mình.
Trong khi bão đổ bộ, người dân vẫn cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên các phương tiện thông tin đại chúng và loa phát thanh của thôn, xã... "Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật… Tuyệt đối không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ. Nên ở trong nhà, nơi trú ẩn không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào", cơ quan phòng, chống thiên tai khuyến cáo.
Đặc biệt, người dân cần chuẩn bị sẵn đèn pin để đề phòng mất điện, không sử dụng nến thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Nếu được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp.
Cơ quan phòng, chống thiên tai cho biết, người dân cần tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết ngay cả khi bão đã đổ bộ vào đất liền; chỉ được phép về nhà từ nơi sơ tán khi có sự cho phép của chính quyền địa phương.
Đồng thời, chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như: Đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.
Tuyệt đối không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước; tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn) vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.