“Khi chết, tôi muốn hiến xác cho y học để thấy mình còn có ích cho xã hội”- đó là ước nguyện cuối cùng của chàng trai 27 tuổi nặng 21kg, mắc căn bệnh “quái ác”.
Qua một người bạn, tôi biết đến chàng trai Trần Văn Hà (27 tuổi) mắc bệnh xương thủy tinh vừa từ Nghệ An ra Hà Nội đăng kí hiến xác. Vội vã, tôi nhấc máy gọi điện xin gặp anh nửa tiếng giữa buổi trưa cuối đông để trò chuyện, khích lệ tinh thần. Hà hẹn tôi đến cổng sau bến xe Nước Ngầm.
Từ xa, tôi thấy thấp thoáng bóng dáng “chàng tí hon” ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế nhựa ở quán nước nơi vỉa hè. Lại gần, tôi khá bất ngờ. Trong tưởng tượng, tôi hình dung chàng trai mắc căn bệnh quái ác đó không có nhiều năng lượng sống đến vậy!
Thấy tôi, anh niềm nở nụ cười đôn hậu và đưa bàn tay bé nhỏ, nhăn nheo trắng bệch ra chào. Sau đó, anh bắt đầu trải lòng về kí ức tuổi thơ và câu chuyện hiến xác cho khoa học.
Tuổi thơ buồn của chàng trai mang căn bệnh xương thủy tinh
Thuở mới lọt lòng, Hà đã mang trên mình căn bệnh xương thủy tinh. Khi lên 9, bố mẹ ly hôn, anh về sống với bố theo phán quyết của Tòa án.
Về với bố một thời gian ngắn, bố cũng có vợ mới. Thương con sống cảnh "dì ghẻ con chồng", mẹ ruột đã đón Hà về chung sống trong túp lều cũ nát dựng tạm bợ. Ngày qua tháng, 4 mẹ con mưu sinh bằng nghề bán than củi. Tuy nhiên, số tiền ít ỏi mẹ anh kiếm được không đủ để trang trải cuộc sống, lo thuốc thang cho anh khi trái gió trở trời. Vì vậy, chị và em gái anh phải đi xa làm mướn, phụ đỡ phần nào.
Anh chỉ chỗ xương bả vai trồi lên vì bị dì đánh
Những tưởng cuộc sống của Hà sẽ yên bình bên mẹ. Nào ngờ, người đàn bà bị chồng phụ tình bất chợt đổ bệnh, sức khỏe dần yếu đi. Mọi lo toan, gánh nặng cơm áo bỗng đè trên vai người con mắc bệnh xương thủy tinh. Hà bảo, lúc đó, anh hoang mang, lo lắng nhiều lắm. Mẹ nằm viện, chỉ có mình anh chăm sóc, lo tiền đóng viện phí. Có những ngày, anh nhịn đói để dành tiền mua thuốc cho mẹ.
“Trước giờ, mẹ là người trụ cột trong gia đình. Mẹ đổ bệnh, tôi như đứa trẻ lên 3 bị lạc, mất phương hướng. Mỗi lần nhìn mẹ, tôi chỉ biết khóc và trách móc bản thân vô dụng. Tôi đã từng nghĩ đến chuyện đi làm mướn nhưng làm gì có ai thuê một thằng tàn tật, nhỏ bé ngồi xe lăn mắc bệnh xương thủy tinh”, Hà tâm sự.
Ước mơ trở thành người có ích cho xã hội
Từ ngày mẹ bệnh, gia đình Hà đã khó nay còn khốn khó hơn. Dẫu vậy, Hà vẫn lạc quan, sống thật tốt để mẹ an lòng. Đặc biệt, anh luôn cố gắng thực hiện tâm nguyện cả đời mà mẹ chưa làm được. Hà kể, ngày còn trẻ, mẹ anh có ước mơ trở thành bác sĩ nhưng không thành hiện thực. Vì vậy, khi chết, bà muốn được hiến xác cho khoa học, làm điều có ích cho xã hội.
Hà vượt 300km ra Hà Nội nguyện hiến xác
Khi thấy mẹ có nguyện ước đó, Hà đã phản đối và không đồng ý. Anh trải lòng: “Quãng thời gian gần 3 chục năm, mẹ tôi phải chịu bao khổ cực, đớn đau khi vừa làm mẹ, làm cha nuôi dưỡng 3 anh em lớn khôn. Chưa có một ngày nào, mẹ được sống thanh thản, vui vẻ. Do đó, tôi không thể đồng ý với mong muốn khi chết được hiến xác của mẹ. Đó là việc làm trái thuần phong mỹ tục dân tộc”.
Dù bị phản đối, mẹ Hà vẫn kiên quyết thực hiện quyết định khi chết. Thương mẹ, anh đã dành thời gian tìm hiểu vấn đề hiến xác cho khoa học. Sau đó, anh đã hứa sẽ ra Hà Nội đăng ký hiến xác giúp mẹ. Đặc biệt, chàng trai khuyết tật cũng muốn ghi tên mình vào danh sách hiến xác.
2 năm kể từ khi có ý định hiến xác, Hà đã dành dụm được vài trăm nghìn. Anh quyết định một mình vượt 300km ra Hà Nội đến BV Đại Học Y làm đơn xin đăng ký hiến xác khi chết. “Cuộc sống là chuỗi tuần hoàn, con người là cát bụi, chết rồi cũng trở về với cát bụi. Lúc sống, tôi chưa bao giờ được cống hiến hết mình. Vì vậy, tôi mong rằng, khi chết sẽ làm gì đó có ý nghĩa cho xã hội. Hơn nữa, tôi muốn mọi người thấy rằng, những người tàn tật như tôi tàn nhưng không phế”, Hà bày tỏ mong muốn.
Nghĩa cử cao đẹp của chàng trai tàn tật con nhà nghèo khiến bao người cảm động. Hà đã chứng minh cho mọi người thấy, anh là người rất yêu quý cuộc sống, luôn tìm cách lan tỏa điều tốt đẹp ra ngoài xã hội. Thử hỏi ngoài kia, đã bao người dám sẵn sàng trao tặng cơ hội sống cho người khác giống như chàng trai tật nguyền ấy?