Đúng 13h, trước khi lấy tạng từ nam thanh niên chết não hiến tạng, ê-kíp gồm các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã dành một phút mặc niệm để tri ân bệnh nhân. Tạng được hiến giúp hồi sinh 4-5 cuộc đời khác.
Đúng 13h, phút mặc niệm người hiến tạng bắt đầu. Ảnh: BVCC
Đó là nam thanh niên 20 tuổi, không may bị tai nạn giao thông, được xác định chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Gia đình anh đã đồng ý hiến 2 thận, tim, gan và hai giác mạc để giúp hồi sinh những cuộc đời khác.
Hai quả thận của anh đã được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, còn tim và gan đã được vận chuyển ra Hà Nội để ghép cho hai bệnh nhân khác – những người mà sự sống chỉ còn được tính bằng ngày.
Đó là hai cán bộ cấp cao ngành công an đã về hưu. Người nhận gan hiến là một bệnh nhân nam, 54 tuổi, bị suy gan giai đoạn cuối, nguyên là Thiếu tướng, lãnh đạo ngành công an tỉnh miền núi.
Còn bệnh nhân nhận tim năm nay 64 tuổi, nguyên là cán bộ cấp cao của Bộ Công an, bị suy tim giai đoạn cuối, đặt stents 9 lần. Sự sống của cả hai bệnh nhân này đều tính bằng ngày.
12h trưa ngày 26/4, người hiến tạng được chuyển vào phòng mổ, cùng lúc đó, ê-kíp đã mời đại diện cơ quan công an, giám định pháp y tới làm việc. 12h43 phút, cơ quan công an và pháp y đã đồng ý cho phép được lấy tạng từ người hiến chết não.
Đúng 13h, phút mặc niệm người hiến tạng chết não trước khi tiến hành lấy tạng. Nhớ lại giây phút xúc động và thiêng liêng đó, PGS,TS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ: “Tôi vinh dự được ê-kíp cử làm điều hành phút mặc niệm cho bệnh nhân hiến tạng. Tôi nghĩ, đó là một hành động đẹp, rất nhân văn của các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ nói chung”.
Bệnh nhân được ghép gan đã tỉnh táo, trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: V.Thu
Chia sẻ thêm về ca ghép tạng đặc biệt này, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, bản thân ê-kíp bác sĩ từ Hà Nội vào TP HCM để lấy tạng và vận chuyển tạng đã phải hội chẩn rất nhiều với các bác sĩ trong Bệnh viện Chợ Rẫy, bởi khi người hiến tạng đã bị tai nạn giao thông từ 6 ngày trước, chết não từ hơn 5 ngày, sẽ gây hạn chế, tạng đã bị ảnh hưởng, có giai đoạn sốc chấn thương tương đối nặng, huyết áp tụt gần 10 tiếng nên ảnh hưởng đến chức năng thận. Khi tiến hành lấy thận thì đã có biến chứng suy thận chức năng, có tổn thương phổi có thể do nhồi máu phổi, tắc mạch máu phổi.
“Một là có lấy tạng hay không, hai là phân chia các tạng cho các bệnh viện ra sao, rồi những vấn đề như suy thận chức năng liệu có lấy và ghép được không? Chúng tôi cũng phải hội chẩn rất nhiều ngay trong buổi sáng đoàn từ Hà Nội vào” – PGS.TS Nguyễn Hữu Ước kể lại.
May mắn cho hai bệnh nhân được ghép tim và gan ở Hà Nội là hai tạng vẫn còn rất tốt, phù hợp người nhận, dù thời gian thiếu máu nóng trong tim của người cho hơi dài (7h15 phút), điều này do khách quan giao thông vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo.
Do có kinh nghiệm ca ghép tạng xuyên Việt thứ 1 nên với ca ghép tạng thứ 2 này, tất cả các khâu chuẩn bị, mổ lấy tạng, vận chuyển và ghép tạng đều được tổ chức rất tốt, thực hiện chuyên nghiệp, trong thời gian nhanh nhất có thể, trừ những tác động khách quan về giao thông.
Mỗi ngày tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) có 2-3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng nhưng 5 năm qua chỉ có gần 30 trường hợp hiến tạng. Trong dịp nghĩ lễ vừa qua, tại Bệnh viện có 3-4 người chết não trước đó đã đồng ý hiến tạng nhưng vì gia đình, người thân không đồng ý nên không ca nào đồng ý hiến tạng.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc hiến tạng hiện nay còn rất khiêm tốn. Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện có hơn 4.000 người đăng ký.
“Việc vận động cực kỳ khó khăn vì người dân vẫn quan niệm chết phải toàn thây. Trong khi đó có hàng nghìn người đang mòn mỏi chờ tạng để được sống. Một người chết não hiến tặng có thể cứu sống được nhiều người” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Từ năm 2006 đến nay cả nước có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng; trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan; nguồn tạng từ người cho chết não rất ít.