Theo các nhà khoa học, nếu uống rượu bia với liều lượng vừa phải có lợi cho sức khỏe như làm tăng hoạt động hệ tuần hoàn, hô hấp, kích thích tiêu hóa, ngon miệng. Nhưng nếu lạm dụng sẽ rất có hại cho sức khỏe.
Trong thời kinh tế thị trường, các loại rượu ngày càng phong phú, chất lượng các loại rượu cũng khó kiểm soát. Tết đến, nhà nào cũng có vài 3 loại rượu khác nhau để mời khách. Quan niệm đã ngồi vào mâm, cả chủ và khách phải uống nhiệt tình, uống đến say mới là quý, mới là vui còn rất phổ biến. Trong lúc vui chúc tụng, ít ai nghĩ tới nguy hại do rượu gây ra như mất tự chủ trong lời ăn tiếng nói, trong hành động, nguy hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông. Thậm chí không ít người còn nôn mửa ngay sau khi uống, sức khỏe bị suy sụp đến vài 3 ngày sau, gây các biến chứng nguy hại về sức khỏe như xơ gan, biến chứng về tim mạch…, thậm chí tử vong.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Chuyên gia dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ một số biện pháp, kinh nghiệm giúp hạn chế tác hại của rượu bia và giải rượu nhanh nhất:
Trước lúc uống: Nên ăn một bát cơm, ít sữa chua hay một chút trái cây sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thu rượu.
Uống một thìa dầu trước khi nhậu: Vì dầu sẽ tạo cho dạ dày một vỏ bọc để chống ngấm rượu nhanh hơn, vì thế làm chậm cơn say của bạn.
Trong khi uống: không nên uống các loại bia, champagne, rượu mạnh pha với soda hay các loại nước ngọt có ga... Đặc biệt, không nên uống rượu chung với nước ngọt, vì trong nước ngọt có ga làm cho chất cồn nhanh chóng lan toả khắp người và sinh ra một lượng lớn CO2, rất có hại cho dạ dày, ruột, gan, thận.
Sau khi uống: cần uống nhiều nước vì nước lọc sẽ giúp pha loãng nồng độ cồn trong máu. Đây là một biện pháp đơn và hữu hiệu.
Nên uống nhiều nước lọc sau khi uống rượu, bia
Cách giải rượu khi say:
Nước mía: Khi say rượu chỉ cần uống một cốc nước mía ép sẽ có tác dụng giải rượu nhanh chóng nhất.
Gừng tươi: Gừng tươi thái thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Gừng có vị cay, tính ấm làm cho các mạch máu lưu thông, giúp giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để tăng hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.
Chè xanh: Trong lá chè xanh có chất axít tanic, chất này có tác dụng khử chất cồn trong rượu. Vì thế, khi say rượu nên uống một cốc chè xanh đặc để giải ngộ độc rượu.
Cháo: Một bát nước cháo nóng, nấu loãng giúp hết say rượu. Vì chất cồn trong rượu gặp nước cháo loãng sẽ bị ngưng tụ lại làm cơ thể không hấp thụ được chất cồn nữa.
Sữa chua: Sữa chua có thể bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm chậm quá trình hấp thụ rượu. Hơn nữa, hàm lượng canxi trong sữa chua còn rất tốt cho việc giải tỏa khó chịu sau khi uống rượu say.
Sắn dây: Sắn dây tính mát, rất có lợi cho gan. Khi uống rượu say, có thể lấy 25-50g sắn dây nấu hoặc pha nước uống với một chút chanh sẽ giúp bệnh nhân tỉnh táo.
Cà chua: Uống rượu say bị nôn không chỉ gây mệt mỏi mà còn làm cho cơ thể mất đi một lượng lớn các chất nguyên tố cali, canxi, natri... Cách đơn giản, dễ làm nhất là uống một cốc nước ép cà chua chín, sẽ kịp thời bổ sung cho cơ thể các nguyên tố nói trên.
Uống nước cam pha mật: Cả hai loại này đều có đường fructose, một loại đường có khả năng giúp cơ thể tiêu hóa chất rượu nhanh hơn.
Tết Nguyên đán đang tới dần, bác sĩ Ninh mong rằng những gợi ý, chia sẻ trên để giúp bạn đọc đón một xuân mới tốt lành và an tâm về tình trạng sức khỏe của mình .
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết, đối với từng loại rượu, bia khác nhau sẽ có liều lượng thích hợp có lợi cho cơ thể. Bia với nồng độ cồn khoảng 5%, mỗi ngày nên uống 1-2 cốc (220ml/cốc); Rượu có nồng độ cồn khoảng 12% (rượu vang, sâm panh), nên uống khoảng 150- 200ml/ngày; Rượu mạnh với nồng độ cồn 35-40%, chỉ nên uống khoảng 25-50ml/ngày. Người cao tuổi >60 tuổi, phụ nữ, nên uống bằng một nửa liều kể trên. Bác sỹ Ninh cũng lưu ý thêm: những người có tiền sử xuất huyết não, bệnh gan, tụy, đái tháo đường, bệnh gút, bệnh cao huyết áp, hoặc đang uống kháng sinh, kháng histamine, chống co giật, paracetamol, aspirin… , những người phải điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, thì không nên uống rượu bia vì dễ gây biến chứng, tai nạn nguy hiểm. |