Vào tù vì giết 4 đứa con, 17 năm sau người mẹ được giải oan nhờ căn bệnh hiếm gặp

Bảo Linh - Ngày 28/03/2021 00:08 AM (GMT+7)

17 năm trước, một bà mẹ bị đẩy vào tù sau cáo buộc giết hại 4 đứa con ruột. Trong gần 2 thập kỷ, bà phải gánh danh xưng “nữ sát nhân hàng loạt tồi tệ nhất nước Úc”.

Kathleen Folbigg đã phải ngồi tù 17 năm, bị kết tội giết hại 4 đứa con nhỏ của mình trong khoảng thời gian từ năm 1990-1999. Cho đến tận đầu tháng này, những người ủng hộ bà đã đưa ra một bản kiến nghị có chữ ký của 90 nhà khoa học, trong đó có các chuyên gia hàng đầu thế giới về rối loạn di truyền hiếm gặp để kêu oan cho bà.

Người mẹ bị đẩy vào tù vì một cuốn nhật ký

Kathleen bị bỏ tù vào năm 2003 sau một phiên tòa kéo dài 7 tuần. Trong đó, bên công tố lập luận bà đã bóp chết các con mình là Caleb, Patrick, Sarah và Laura trong lúc bực bội. Caleb qua đời khi mới 19 ngày tuổi vào năm 1990, được cho là do hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh SIDS. Patrick qua đời lúc 8 tháng tuổi vào năm 1991, nguyên nhân được cho là do ngạt thở sau một cơn động kinh. Sarah chết lúc 10 tháng tuổi vào năm 1993, ban đầu được cho là do SIDS. Laura mất lúc 19 tháng tuổi vào năm 1999 mà không rõ nguyên nhân. Từ đầu đến cuối quá trình điều tra, xét xử, bà Kathleen một mực khẳng định mình trong sạch, nói rằng các con bà chết vì nguyên nhân tự nhiên.

Vào tù vì giết 4 đứa con, 17 năm sau người mẹ được giải oan nhờ căn bệnh hiếm gặp - 1

Bà Kathleen.

Tất cả những cáo buộc chống lại Kathleen chỉ là những giả định chứ không có bằng chứng pháp y. Về cơ bản, việc tố tụng chống lại bà là suy diễn, dựa trên những bằng chứng xu hướng: Mất một đứa con do hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (trẻ sơ sinh chết không rõ nguyên nhân trong khi ngủ) có thể là không may, nhưng mất đến 4 đứa con là quá nhiều sự trùng hợp và có nhiều khả năng phát sinh từ hành động phi pháp.

Thêm vào đó, cuốn nhật ký của Kathleen khi được đọc dưới lăng kính nham hiểm lại trở thành thứ chống lại bà. Nó chứa đựng tâm tư của một phụ nữ tự trách mình về cái chết của các con, một người mẹ tự nhận là kém cỏi. Thêm vào đó, bà không biểu lộ cảm xúc trong suốt phiên tòa xét xử, càng khiến công chúng có cái nhìn sai lệch về vụ án.

Vào tù vì giết 4 đứa con, 17 năm sau người mẹ được giải oan nhờ căn bệnh hiếm gặp - 2

Sarah (phải) và Laura.

Vào tù vì giết 4 đứa con, 17 năm sau người mẹ được giải oan nhờ căn bệnh hiếm gặp - 3

Patrick (phải) và Caleb.

Trong cuộc điều tra tư pháp năm 2019, Kathleen đã đổ lỗi cho một thế lực siêu nhiên đã tước đi mạng sống của các con mình. Bà tuyên bố "những điều ấy đang xảy ra ngoài tầm kiểm soát của tôi". Chánh án khi đó nhận thấy ông không có bất cứ nghi ngờ gì về tội danh của Kathleen và kết luận bằng chứng được đưa ra trong cuộc điều tra "buộc tội bà ấy chắc chắn hơn".

Khoa học thay đổi mọi thứ

Vào năm 2019, một nhóm các nhà khoa học từ Úc, Đan Mạch, Ý, Canada, Mỹ và Pháp được yêu cầu điều tra xem liệu những đứa trẻ của bà Kathleen có chết vì nguyên nhân di truyền hay không. Việc thu thập bằng chứng để đưa ra trước ủy ban điều tra tư pháp lúc này rất khó khăn do giới hạn thời gian.

Tuy nhiên, ủy ban điều tra nghe nói rằng "có khả năng 2 con gái của bà Kathleen đã chết do biến thể CALM2 G114R, còn 2 con trai chết vì những nguyên nhân khác cũng có thể do di truyền".

Vào tù vì giết 4 đứa con, 17 năm sau người mẹ được giải oan nhờ căn bệnh hiếm gặp - 4

Những dòng chữ trong cuốn nhật ký vô tình khiến bà Kathleen bị buộc tội.

Gene CALM 2 là một trong những gene calmodulin, điều chỉnh sự di chuyển của canxi vào và ra khỏi cơ tim, đóng vai trò thiết yếu trong quá trình co bóp phức tạp của tim. Các biến thể của những gene này, chẳng hạn như CALM2 G114R có thể khiến tim đập nhanh sau đó dừng lại. Cuộc điều tra tư pháp được tổ chức vào tháng 4/2019 đã bỏ qua những phát hiện này.

5 tháng sau, một nhóm các nhà khoa học mà đứng đầu là Giáo sư Peter J Schwartz, Giám đốc Trung tâm Rối loạn nhịp tim có nguồn gốc di truyền ở Milan đã công bố các trường hợp mắc bệnh calmodulinopathies trong đời thực. Đây là "những hội chứng rối loạn nhịp tim hiếm gặp đe dọa tính mạng có ảnh hưởng đến hầu hết các cá thể trẻ. Bệnh do đột biến ở bất cứ gene nào trong số 3 gene (CALM 1-3) mã hóa các protein calmodulin giống hệt nhau".

Vào tù vì giết 4 đứa con, 17 năm sau người mẹ được giải oan nhờ căn bệnh hiếm gặp - 5

Bà Kathleen vô cùng đau đớn trước sự ra đi của 4 đứa con.

Nhóm các nhà khoa học đã khảo sát 74 người có những đột biến này và phát hiện 27% trong số người bị bệnh calmodulinopathy đột tử do tim. Theo một bài phân tích trên tạp chí Cosmos, tuổi thọ trung bình của những người mắc bệnh này thường dưới 6 tuổi. Các biến thể di truyền có liên quan đến nhịp tim không đều gọi là rung thất, thường gây tử vong và gây ra căn bệnh gọi là Hội chứng QT dài. Người mắc bệnh có thể có nhịp tim hỗn loạn và tử vong.

Điều này cho thấy Sarah và Laura đã qua đời vì đau tim. Bài báo mới kết luận cả 2 cô bé đều thừa hưởng những đột biến gene này từ mẹ. Laura từng được phát hiện bị viêm cơ tim. Hiếm có trường hợp nào viêm cơ tim gây tử vong, nhưng với Laura, đây có thể là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim và cuối cùng là thiệt mạng.

Vào tù vì giết 4 đứa con, 17 năm sau người mẹ được giải oan nhờ căn bệnh hiếm gặp - 6

Bà Kathleen đã ngồi tù oan suốt 17 năm qua.

Bằng chứng cho thấy 2 bé trai Caleb và Patrick chết vì khiếm khuyết di truyền đang ở giai đoạn sơ khai. Các nhà khoa học phát hiện hai cậu bé mang 2 bản sao đột biến gene mà khi hoạt động sai sẽ gây bệnh động kinh và dẫn đến tử vong sớm. Patrick đã bị chứng động kinh trong 4 tháng trước khi qua đời.

Tổng chưởng lý bang New South Wales, Úc, ông Mark Speakman cho biết bản kiến nghị sẽ được xem xét một cách thích đáng. Vào năm 2005, bản án của bà Kathleen đã được giảm sau kháng cáo từ 40 năm xuống còn 30 năm, với thời gian không ân xá là 25 năm. Nếu đơn xin ân xá không được chấp thuận, người phụ nữ 53 tuổi này sẽ đủ kiều kiện được ân xá vào năm 2028.

Ham muốn vợ bạn nhưng không thành, người đàn ông hành động vô cùng nhẫn tâm
Biết được người phụ nữ đang gặp trục trặc với chồng, gã đàn ông giả vờ an ủi nhưng sau lưng lại gây ra chuyện kinh hoàng.
Bảo Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự