Nhiều phụ nữ đã day dứt vì không thờ cúng được bố mẹ đẻ khi bước chân về nhà chồng bởi "một nhà không được thờ hai họ". Nhưng đã có những chàng rể coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình, "mời" gia tiên nhà vợ về cùng thờ cúng tại nhà mình.

Ngày 19/11/2021 19:54 PM (GMT+7)

Nhiều phụ nữ đã day dứt vì không thờ cúng được bố mẹ đẻ chỉ vì "một nhà không được thờ hai họ". Nhưng đã có những chị em thờ cúng bố mẹ mình tại nhà chồng, họ cho rằng việc này là bình thường. Các nhà tín ngưỡng tâm linh nói sao về việc này?

Nhiều phụ nữ đã day dứt vì không thờ cúng được bố mẹ đẻ khi bước chân về nhà chồng bởi "một nhà không được thờ hai họ". Nhưng đã có những chàng rể coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình, "mời" gia tiên nhà vợ về cùng thờ cúng tại nhà mình.

Và cũng đã có những bố mẹ chồng qua tìm hiểu đã cho phép nàng dâu (vẫn đang ở chung với bố mẹ chồng) được phép đem di ảnh bố mẹ về nhà chồng lập bàn thờ cúng ở gian sau.

Nhưng còn rất nhiều phụ nữ ngậm đắng khóc thầm thương bố mẹ đẻ chỉ vì nhà chồng và ông chồng không cho phép họ được thờ cúng bố mẹ đẻ tại nơi ở.

Ngày nay đã có nhiều phụ nữ được thờ cúng bố mẹ đẻ ở nhà riêng. Ảnh minh họa.

Ngày nay đã có nhiều phụ nữ được thờ cúng bố mẹ đẻ ở nhà riêng. Ảnh minh họa.

Nỗi đau của những người vợ có bố mẹ sinh con gái một bề

Sáng ra tới cơ quan, thấy chị Lê Thị Hoa (ở Thụy Khuê, Hà Nội) đỏ hoe mắt, mọi người xúm vào trêu chắc đêm qua cãi nhau với chồng.

Chị Hoa ngậm ngùi chia sẻ rằng, bố mẹ chị sinh được hai cô con gái. Chị gái Hoa đã lấy chồng xa, bản thân chị Hoa cũng lấy chồng xa nhà bố mẹ 30 cây số, giờ cũng có hai mặt con rồi. Mẹ chị đang khỏe mà cuối tuần vừa qua về thăm bố mẹ, đang cùng mẹ làm cơm thì mẹ tự nhiên nói:

- Sau này bố mẹ chết thì ai thờ cúng bố mẹ nhỉ?

Nghe chị Hoa đáp là hai chị em sẽ thờ cúng, thì mẹ chị thở dài, rơm rớm nước mắt bảo:

- Phong tục Việt xưa nay con gái không được thờ bố mẹ đẻ, nếu cố tình thờ cúng thì thần linh, gia tiên nhà chồng cũng không cho vào hưởng lễ.

Chuyện thờ cúng bố mẹ đẻ của chị Hoa bỗng trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi, mấy chị lớn tuổi cũng ngậm ngùi san sẻ nỗi niềm con gái không được thờ cúng bố mẹ mình tại nhà chồng. Bức xúc nhất là chị Hoàn, bố là thương binh, mẹ là thanh niên xung phong mãi mới sinh được chị. Nhà nghèo nên bố mẹ thường nhịn ăn nhường cơm cho con ăn học, trưởng thành, lấy chồng có cuộc sống đầm ấm. Nhưng chưa kịp bù đắp công ơn sinh thành thì chị Hoàn đi lấy chồng. Chưa yên bề gia thất thì bố mẹ chị Hoàn đã quy tiên cả. 

Vì bố mẹ chồng dứt khoát không cho chị Hoàn hương khói bố mẹ đẻ tại nhà chồng, trong khi quê nhà đẻ cách xa hơn 200km nên chị không thể thường xuyên về quê "thăm" bố mẹ được. Chị Hoàn bàn với chồng dành dụm tiền mua nhà riêng để được tự do thờ cúng và được chồng đồng ý. Sau 10 năm họ đã vay mượn mua được một căn hộ tập thể, chị Hoàn vui lắm, khấp khởi mừng về nhà mới sẽ được đưa bài vị bố mẹ về thờ cúng cho tròn chữ hiếu.

Ai ngờ mẹ chồng biết chuyện nhảy xổ lên cấm tiệt chuyện chị không không được thờ bố mẹ đẻ ở nhà riêng... Buồn nhất là chồng chị giờ lại nghe theo mẹ. Thế là cùng góp tiền của công sức, vay mượn để mua nhà riêng rồi mà chị vẫn không được thờ cúng bố mẹ đẻ trong nhà mình. Đành phải nhờ dì ruột ở quê tới nhà bố mẹ đẻ ở để thay chị hương khói.

Từ đó chị không thấy yêu thương gia đình chồng như trước, bản thân chị cũng thấy chồng trở nên xa cách. Mỗi khi nhà chồng có giỗ lễ, chị lại ngấm ngầm xót thương hương linh bố mẹ mình.

Những cô con gái được thờ cúng bố mẹ đẻ

Nghe chị Hoa, chị Hoàn đau xót chuyện không được thờ cúng bố mẹ đẻ ở nhà chồng, hay nhà riêng thì chị Đoan an ủi, rồi chia sẻ chuyện nhà mình. Chị Đoan về làm dâu đã 20 năm, nhưng bố mẹ chồng rất dễ dàng chuyện thờ cúng. Khi chị Đoan cùng chồng xin mang linh vị bố mẹ chị về thờ cúng, ông bà vui vẻ đồng ý, còn giục chị tìm hiểu để xem xét nơi đặt ban thờ thế nào cho chuẩn.

Từ đó mỗi khi đến ngày giỗ của bố mẹ đẻ, chị Đoan mua sắm mọi thứ đủ cả hai bên bàn thờ nhà chồng và bố mẹ mình. Bố mẹ chồng không chê trách nàng dâu điều gì. Bản thân chị thì biết ơn nhà chồng, một lòng yêu thương bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ.

May mắn như chị Đoan thuận cả nhà chồng không nhiều, vì vậy nhiều ông bà sinh con gái một bề khi mất đi các con biết không thể đưa bài vị bố mẹ đẻ về nhà chồng, nên dù nghèo mấy cũng quyết không bán nhà của bố mẹ đẻ để giữ chốn đưa con cái về giỗ chạp, tế lễ bố mẹ đẻ và gia tiên đằng ngoại.

Trai gái không quan trọng

Dưới chế độ phong kiến người chồng là chủ nhà, có quyền quyết định những việc lớn, đứng đầu các việc giỗ chạp, cúng bái, tế lễ.

Khi cha mẹ qua đời con trai đứng trước, con gái đứng sau. Khi đưa tiễn bố mẹ "về trời" chỉ có cháu trai mới được bê bát hương. Nhiều vùng quê chỉ có con trai mới được vào nơi thờ tự, đóng góp giỗ tổ tiên… theo "suất đinh".

Việc trên xuất phát từ quan niệm từ bao đời rằng trách nhiệm thờ cúng bố mẹ, tổ tiên là của con trai, nếu không có con trai là không có người nối dõi, bị coi là tuyệt tự. Khi bố mẹ, ông bà qua đời sẽ không có người và nơi thờ cúng. Do đó nhiều gia đình rất nặng tư tưởng cố đẻ con trai - dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Điều ngàu nay đã không còn hợp lý trên khiến chị em kêu thấu trời xanh, bởi ngày nay nhiều gia đình chỉ sinh hai con, khi đi lấy chồng mọi việc lễ bái, giỗ chạp, tế lễ của nhà chồng do chị em gánh vác chu toàn. Nhưng phần lớn chị em không được chồng, hoặc bố mẹ chồng cho phép thờ cúng bố mẹ đẻ tại nhà chồng, thậm chí nhà riêng của hai vợ chồng cũng bị cấm. Đáng buồn là nhiều chàng rể trong xã hội hiện đại lại có tư tưởng bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ như trong xã hội phong kiến.

Vì những chàng rể như thế, nên những cô vợ đã có cái nhìn khác về nhà chồng, về người chồng của mình, và mối quan hệ vợ - chồng, nàng dâu - nhà chồng bị rạn vỡ mà khởi đầu là do bên chồng không cho phép người vợ thực hành hiếu đạo của người làm con.

Trong xã hội hiện đại việc thờ cúng bố mẹ, tổ tiên ngày nay đã có những chuyển biến rõ nét hơn, chuyện con gái có thể thờ cúng bố mẹ đẻ và tổ tiên không cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu tín ngưỡng tâm linh giải đáp, với mong muốn cả cộng đồng cùng nhìn lại vai trò của đàn ông và phụ nữ về đạo lý thờ cúng tổ tiên tốt đẹp của dân tộc.

Theo Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (Viện Nghiên cứu Phật học), con cháu thờ cúng ông bà, cha mẹ là việc hiếu nghĩa, đúng đạo lý. Tùy từng hoàn cảnh mà lập không gian thờ cúng để ngày giỗ, lễ tết con cháu tề tựu thắp hương tưởng nhớ người đã mất. Việc phân chia trai gái chỉ mang tính tương đối, chỉ con cái không thờ cúng bố mẹ mới là trái đạo lý, trái văn hóa.

Khúc mắc hiện nay của xã hội là nhiều gia đình chỉ có con gái, phận làm con ai cũng muốn thể hiện sự biết ơn, kính trọng tưởng nhớ bố mẹ đẻ, gia tiên là đạo lý. Con gái vẫn được phép thờ cúng gia tiên nhà mình, việc cấm đoán như một số gia đình là mang nặng tính phong kiến, lạc hậu.

Theo quan niệm của một số nhà văn hóa dân gian thì mọi tập tục, nghi lễ chỉ là do con người nghĩ ra, nam và nữ đều có quyền bình đẳng như nhau về mọi chuyện trong đó có cả vấn đề thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Chúng ta cần truyền thông để vấn đề trọng nam, khinh nữ không còn tồn tại xã hội ngày nay.

Tin tức 24h: Bất ngờ nguyên nhân thanh niên rơi từ tầng 12 chung cư Linh Đàm tử vong
Người đàn ông từ nơi khác đến, gửi xe máy tại tòa nhà rồi lên tầng 12 chung cư HUD3 Linh Đàm nhảy xuống đất.

Tin tức 24h

Theo Uyển Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h