Nuôi rắn hổ mang phì, công việc nghe đã thấy nguy hiểm nhưng lại trở thành một nghề truyền thống đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Dọc theo quốc lộ 21, chúng tôi tìm về với xã Vĩnh Sơn - nơi nổi tiếng với nghề truyền thống nuôi rắn hổ mang phì. Cả xã có hơn 1.000 hộ dân thì có đến hơn 80% số hộ nuôi và kinh doanh rắn. Nhưng điều đặc biệt hơn công việc có phần nguy hiểm này không chỉ có đàn ông mà nhiều phụ nữ trong xã cũng dũng cảm “sống với tử thần”.
Trở thành góa phụ vì nuôi rắn
Nuôi rắn hổ mang phì đã trở thành một nghề truyền thống, đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân tại nơi đây. Nhưng công việc này cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm. Hầu như năm nào, trong xã cũng có vài trường hợp qua đời do bị rắn cắn. Năm 2002, do không may mắn, chồng chị Hà Thị Hương (39 tuổi) đã qua đời do bị rắn cắn, để lại người vợ trẻ cùng 2 đứa con nhỏ (đứa lớn lúc ấy mới chỉ lên 8 tuổi, còn đứa bé mới chỉ được 9 tháng tuổi).
Chị Hà Thị Hương bên chuồng rắn của gia đình.
Quá đau đớn trước sự ra đi đột ngột của chồng, chị Hương đã quyết định bỏ nghề, kinh tế lại đang khó khăn, có những lúc chị như muốn ngã khụy. “Khi anh mất còn để lại cho tôi một khoản nợ ngân hàng tiền vay vốn để làm ăn. Tôi không biết phải xoay xở ra sao, tôi như suy sụp hoàn toàn. Lúc đó, tôi đi làm đủ thứ nghề, ai mướn gì làm nấy chỉ mong có tiền trả nợ và nuôi con ăn học”, chị Hương bùi ngùi nhớ lại những năm tháng khó khăn ấy.
Có những lúc vì quá áp lực chị đã nghĩ quẩn, muốn đi theo chồng. Nhưng nhìn những đứa con bé bỏng chị lại không đành lòng. “27 tuổi, tôi còn quá trẻ để đối diện với những chuyện như vậy, vừa lo trả nợ vừa lo kiếm tiền nuôi con ăn học. Có những lúc đến hạn nộp tiền cho ngân hàng rồi mà tôi vẫn chưa đủ, tôi lại lo chạy vạy khắp mọi nơi, rồi tiền học cho con nhiều lúc cũng chẳng đủ”, chị kể lại.
Vực dậy từ con rắn
Do cuộc sống quá khó khăn, hơn nữa nhận thấy nguồn lợi từ việc nuôi rắn chị lại dũng cảm vực dậy từ con rắn: “Thấy mọi người xung quanh ai cũng nuôi, hơn nữa nhận thấy nguồn lợi nhuận từ việc nuôi rắn khá hơn so với những ngành nghề khác nên tôi lại nuôi rắn sau hơn 2 năm bỏ nghề. Hơn nữa cũng không muốn các con phải chịu khổ theo mình”
Những ngày đầu khi quay trở lại với nghề, chị luôn bị ám ảnh với hình ảnh chồng bị rắn cắn, nước mắt chị lại rơi. Nhưng nhìn các con chị lại quyết tâm đứng dậy.
Đến nay cũng đã hơn 15 năm kể từ ngày chung sống với loài động vật nguy hiểm này, mất mát cũng khá nhiều nhưng chị vẫn quyết tâm theo đuổi cái nghề nuôi rắn truyền thống này của địa phương. Lúc nào cũng thân gái một mình chui ra chui vào chuồng rắn, từ việc vệ sinh, cho rắn ăn cho đến lúc thu hoạch đều một tay chị đảm đương.
“Thấy người ta có vợ có chồng cùng làm ăn, được chồng chăm sóc, lo lắng cho từng li từng tí nhiều khi nghĩ cũng thấy cực, tủi thân nhớ đến chồng. Tôi lại nhìn vào 2 đứa con nhỏ mà cố gắng sống tiếp thôi. Nhưng may mắn được trời thương nên làm ăn cũng chưa bao giờ thua lỗ, kinh tế cũng đủ ăn đủ sống rồi. Hạnh phúc hơn là 2 đứa con cũng biết thương mẹ, nghe lời mẹ”, chị tâm sự.
Thỉnh thoảng, có những lúc không may chị cũng bị rắn cắn khi cho nó ăn, nhưng may vết thương nhẹ cộng với việc được sơ cứu kịp thời nên không làm sao. “Khi bị rắn cắn thì phải nhanh chóng băng ép chặt phía trên vết thương, nặn máu ra rồi đưa tới bệnh viện thì sẽ không sao. Nhưng những trường hợp bị bệnh tim mạch, phổi, phế quản hoặc dị ứng thì sẽ khó cứu chữa, sẽ ảnh hưởng tới tính mạng”, chị Hương chia sẻ.
Chồng mất cũng đã khá lâu, nhưng chị Hương vẫn quyết tâm ở vậy nuôi con. Cũng có những người thương chị, muốn ngỏ ý được gắn bó cùng chị nốt phần đời còn lại nhưng chị đều từ chối: “Tôi vẫn còn 2 đứa con luôn ở bên quan tâm, chia sẻ với tôi. Cuộc sống gia đình như vậy cũng hạnh phúc lắm rồi…”.