Hàng loạt bài kiểm tra “thảm họa”, học sinh xé đề cương Sử vì không phải thi tốt nghiệp, thí sinh dự thi ĐH, CĐ môn Sử với hàng nghìn điểm 0… là thực trạng đáng buồn về môn Sử trong các nhà trường trong những năm vừa qua.
Xé đề cương môn Sử
Dạy và học môn Sử những năm gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập khiến cho các nhà lịch sử, các chuyên gia giáo dục “đau đầu”. Đơn cử, thời gian gần đây, cư dân mạng đã truyền tay nhau bài kiểm tra “bất hủ”, ai cũng phải phì cười vì độ “chém gió” của tác giả. Đề bài kiểm tra về cuộc Kháng chiến chống Pháp đã được một học sinh “bịa” hoàn toàn: “Sở dĩ kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của Pháp thất bại là vì: Pháp đã quá vội vàng trong cuộc tấn công vào nước ta mà không tìm hiểu, xem xét kĩ về địa hình rừng núi hiểm trở, cách thức đánh du kích của nước ta…". Bài làm bị điểm 2 và phần lời phê “chém gió thảm họa”.
Kỳ thi đại học mấy năm gần đây, kết quả về điểm thi môn Lịch sử của học sinh rất thấp. Có hàng ngàn bài thi môn Sử bị điểm 0 tròn trĩnh mỗi năm. Điều đáng buồn là nhiều năm qua chúng ta phải chấp nhận kết quả này. Chưa hết, cuối tháng 3/2013, hiện tượng học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) đã đồng loạt xé đề cương ôn thi môn Lịch sử sau khi Bộ GD&ĐT thông báo không thi tốt nghiệp môn này. Sự việc này xảy ra ở một trường học, nhưng có thể thấy đông đảo học sinh vui mừng thế nào khi “thoát” môn Sử ở kỳ thi tốt nghiệp.
Vừa qua, việc Bộ GD&ĐT cho phép tự chọn môn thi tốt nghiệp THPT cũng một lần nữa phản ánh học sinh quay lưng với môn Sử. Nhiều trường công bố rất ít học sinh đăng ký môn Sử làm môn tự chọn (khoảng 3-5%), thậm chí , có trường không có một học sinh nào đăng ký thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Những con số này phần nào cho thấy thí sinh đã coi môn Sử là môn học khó, môn Sử ít được lựa chọn cho các kỳ thi quan trọng.
Năm 2013, việc xé đề cương môn Sử của học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) đã gây ra rất nhiều tranh luận. Ảnh: T.L
Môn Sử đã không ít lần gây “sốc” cho xã hội, làm đau đớn cho các thầy cô giáo vốn tâm huyết với môn Lịch sử trên cả nước, thậm chí các giáo viên, chuyên gia giáo dục ở nước ngoài cũng hết sức ngạc nhiên… Vậy môn Sử có thực sự đáng sợ, đáng ghét, đâu là nguyên nhân của thực trạng đau lòng này?
Học thực dụng, dạy nhồi nhét?
Nói về thực trạng học sinh chán Sử, Th.S Tống Lê Mỹ Linh, giáo viên dạy Sử, Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Khi biết việc các em học sinh xé tài liệu ôn tập môn Sử, không chỉ riêng tôi mà nhiều giáo viên khác đều cảm thấy buồn về sự việc này. Môn Sử có chương trình học rất nặng, nhiều sự kiện cần phải học nên học sinh không mấy mặn mà với môn học này”.
Chỉ ra nguyên nhân khác, PGS Văn Như Cương cho biết: “Thực tế, rất nhiều học sinh sợ phải học môn Sử. Theo tôi, học sinh không thích môn học này xuất phát từ các nguyên nhân như: chương trình sách giáo khoa, từ cách dạy, cách học… nhưng chủ yếu vẫn là từ suy nghĩ thực dụng của chính học sinh. Bây giờ, học sinh chọn học ban gì, ngành gì, các em đều phải tính toán, học xong sau này ra trường có xin được việc làm hay không? Các em chỉ cần nhìn vào thầy cô dạy Sử của mình mà thấy “ngán” môn học này rồi”.
Cô Lê Thị Thu Hương, giáo viên dạy Sử, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: “Bộ GD&ĐT quyết định kỳ thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó môn Lịch sử là tự chọn. Chúng tôi thấy rất buồn vì hiện nay, các em học sinh không quan tâm gì đến môn Lịch sử. Nhiều học sinh rất thích học Sử, nhưng bố mẹ các em lại định hướng, học Lịch sử khi ra trường sẽ không xin được việc. Nếu chúng ta không có định hướng đúng gắn với biện pháp đổi mới thì môn Sử sẽ bị bỏ rơi”.
Cũng theo nhiều giáo viên dạy Sử, lý do học sinh không thích sử là do nhiều thầy cô dạy Lịch sử chưa hay, còn áp đặt, bắt ép nhồi nhét học sinh. Bên cạnh đó, hệ thống sách giáo khoa còn quá nhiều sự kiện, khiến học sinh khó nhớ, khó học… rồi quan điểm, nhận thức học Lịch sử của các bậc phụ huynh áp đặt đối với con em họ.
Học Sử là học để yêu nước
Theo nhiều giáo viên, học Lịch sử là giáo dục lòng yêu nước, hiểu biết lịch sử trong nước và thế giới. Những bài học lịch sử không chỉ có ý nghĩa với cuộc sống hiện tại mà còn hướng tới tương lai. Ví dụ, ở những nước phát triển, học sinh học Lịch sử nắm được những phần cơ bản nhất, họ cho học sinh học Lịch sử gắn rất nhiều với thực tế, khơi dậy niềm đam mê cho học sinh.
Để giúp học sinh yêu thích môn Sử, theo cô Lê Thị Thu Hương, trách nhiệm trước tiên là thuộc về người giáo viên, cần phải thay đổi phương pháp dạy học, bài học hấp dẫn, thực tiễn để khơi dậy niềm yêu mến lịch sử cho học sinh. “Trong thực tế hiện nay, dạy học gắn với thực tiễn, phải biết dùng kiến thức lịch sử của quá khứ để áp dụng vào hiện tại nhằm xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn”.
Lịch sử không chỉ là môn học thuần túy của nhà trường mà còn để giáo dục nhân cách làm người, làm công dân yêu nước và hội nhập với thế giới. Xem thường môn Lịch sử còn được coi là nghịch lý với truyền thống lịch sử Việt Nam và tinh thần ham hiểu biết về lịch sử dân tộc của nhân dân ta. Từ chuyện học sinh “quay lưng” với môn Sử, đặt ra một sức ép lớn tới các nhà khoa học, giáo dục về Lịch sử phải thay đổi ra sao trước thực tiễn này.
“Học sinh không thích môn Sử là thực trạng phổ biến nhiều năm nay và có thể kéo dài trong cả thời gian tới. Đây là thực trạng rất đáng buồn, rất đáng lo ngại. Không phải môn Sử không đủ hấp dẫn. Tôi cho rằng với cách dạy, với chương trình và sách giáo khoa hiện nay thì học sinh chán Sử là tất yếu. Chương trình nặng kiến thức, sách giáo khoa dày đặc sự kiện, vừa thừa vừa thiếu, phương pháp dạy truyền thụ một chiều, thiếu sinh động, đòi hỏi học thuộc. Tuổi trẻ đầy năng động, đầy sức sống, rõ ràng các em không chấp nhận được. Nếu tôi là học sinh, tôi cũng chán. Phải thay đổi từ nhận thức về môn Sử như dạy Sử nhằm mục đích gì, môn Sử góp sức gì vào việc đào tạo con người ở lớp trẻ… từ đó mới xác định học cái gì, học như thế nào? Từ nhận thức sẽ cụ thể hóa trong xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa. Giáo viên cũng phải đào tạo lại đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cải cách”. GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam |
“Tôi cho rằng, không giáo dục lịch sử chu đáo được cho thế hệ trẻ, chúng ta sẽ tạo ra cho xã hội tương lai một thế hệ công dân mất gốc, thờ ơ với vận mệnh dân tộc, sẽ là nguyên nhân dẫn đến mất nước nếu như có giặc ngoại xâm. Nếu một thế hệ công dân mất gốc, mất ý thức về dân tộc thì lấy gì để giữ được nước?”. PGS Văn Như Cương “Nếu như môn Sử được coi là môn thi bắt buộc, chắc chắn môn Sử sẽ được học sinh đón nhận. Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ cũng cần có nhiều ngành tuyển sinh hấp dẫn hơn liên quan đến Sử để thu hút học sinh. Chương trình, sách giáo khoa cũng phải hướng tới mục tiêu tạo tính hấp dẫn cho học sinh, có thêm các trang ảnh màu... Những hình ảnh khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho học sinh”. Cô Bùi Thị Nhung - Giáo viên dạy Sử, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định “Cần đưa môn Sử là môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, chứ không phải là môn tự chọn như hiện nay. Bên cạnh đó, rất cần sự đồng hành của các cấp, ngành tuyên truyền thay đổi nhận thức của phụ huynh về môn học Lịch sử. Tiến tới thay đổi phương pháp dạy và học, đổi mới thi cử trong môn Lịch sử, thay đổi sách giáo khoa”. Cô Lê Thị Thu Hương – Giáo viên dạy Sử, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội |