Viêm màng não mủ dễ lây qua đường hô hấp

Ngày 04/08/2014 11:19 AM (GMT+7)

“Viêm màng não mủ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, để lại di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như thần kinh, điếc, liệt, chậm phát triển tinh thần hoặc sống đời sống thực vật”, PGS.TS Phạm Nhật An – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Bệnh nặng vì nghĩ sốt thông thường

Điều dưỡng Nguyễn Bằng Giang – Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 3 - 6 trẻ bị viêm não và viêm màng não mủ nhập viện điều trị. Ngày cao điểm tiếp nhận hơn chục bệnh nhi.

Đang điều trị bệnh viêm màng não mủ tại Khoa Truyền nhiễm là trường hợp bé Nguyễn Minh Phú (SN 2013, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Bé Phú được gia đình đưa vào khoa trong tình trạng sốt cao, co giật, hôn mê. Chị Trang – mẹ bé cho hay, cả tuần nay bé bị viêm đường hô hấp, ho, mũi dãi nhiều, sốt nhẹ nên chị chỉ cho con uống hạ sốt, rửa mũi. Khi con sốt tới 400C, hạ sốt không nổi, gia đình vội đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. Ngay sau đó bác sĩ đã chuyển bé ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Nghi ngờ hội chứng não mủ, các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy ngay và kết quả bé bị viêm màng não mủ do vi khuẩn.

Viêm màng não mủ dễ lây qua đường hô hấp - 1

Điều dưỡng Nguyễn Bằng Giang đang chăm sóc cho bé Gia Bảo. Ảnh: P.T

Nhận được kết quả khám bệnh con bị viêm màng não mủ, chị Nguyễn Hải Âu (SN 1979, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) vô cùng lo lắng. Chị không ngờ rằng những biểu hiện quấy khóc, chán ăn và sốt thông thường của con lại là dấu hiệu sớm của căn bệnh nguy hiểm này. Giá như chị cho con đến khám sớm thì bệnh của con đã không nặng. Chị cho biết: “Gia đình tưởng cháu bị sốt mọc răng nên chỉ cho cháu uống thuốc hạ sốt. Sau đó, cháu bị co giật toàn thân mới đưa đến bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ cho đi chụp chiếu để theo dõi bệnh động kinh. Gia đình đã xin chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi vào viện thì cháu mệt, mơ màng không nhận ra mẹ nữa”.

Theo điều dưỡng Nguyễn Bằng Giang, đây là một trong những trường hợp nặng do không phát hiện được sớm bệnh. Cháu Gia Bảo – con chị Hải Âu vào viện được 3 ngày, đã rơi vào trạng thái lơ mơ, không nhận thức được xung quanh. Cháu không tự nuốt được nên phải đặt một ống xông từ mũi vào dạ dày.

PGS.TS Phạm Nhật An cho hay, viêm màng não là bệnh lý viêm nhiễm ở trong não. Tổn thương chủ yếu là màng não, đặc biệt hay gặp ở trẻ sơ sinh và đang còn bú. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, tùy từng độ tuổi. Trẻ có thể khởi bệnh với các biểu hiện như sốt cao, quấy khóc, nôn trớ, viêm đường hô hấp. Một số trẻ lại có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như quấy khóc, ánh mắt nhìn vô cảm nên nhiều cha mẹ tưởng con bị viêm họng, viêm phổi… Biến chứng viêm màng não mủ để lại rất nặng nề. Có những trường hợp tử vong, nhẹ hơn thì tổn thương dây thần kinh gây di chứng liệt, giảm vận động, chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy, áp - xe não...

Đừng bỏ qua dấu hiệu  sốt cao, nôn ói, đau đầu

PGS.TS Phạm Nhật An cho biết, tác nhân gây bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em phần lớn do virus Haemophilus influenzae type b (Hib). Các bệnh do Hib có thể lây truyền từ trẻ này sang trẻ khác qua đường hô hấp, các hạt nước bọt khi trẻ bị ho hoặc hắt hơi. Hib cũng có thể lây lan qua đồ chơi dùng chung hoặc các đồ vật mà trẻ thường cho vào miệng.

Bệnh viêm màng não mủ được coi là bệnh cấp cứu đòi hỏi phải chăm sóc tốt để đảm bảo không có biến chứng. Ví dụ như lên cơn co giật phải phát hiện sớm để không dẫn tới tình trạng ngừng thở; hôn mê sẽ gây ứng đọng đờm dãi gây bội nhiễm thêm viêm phổi nên phải chăm sóc đường hô hấp thật tốt. Hay trẻ nôn không ăn được dẫn tới rối loạn nước, điện giải…

“Căn bệnh viêm màng não mủ hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, nôn ói, đau đầu, bỏ ăn, bỏ bú, biếng chơi, thóp phồng thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để loại trừ những bệnh nguy hiểm. Nếu đợi đến lúc co giật, nôn rất nhiều, rối loạn tri giác, hôn mê, li bì thì hơi muộn. Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng viêm não Nhật Bản và viêm màng não mủ là một bệnh. Song đó là hai bệnh khác nhau. Bởi vậy dù đã tiêm phòng viêm não Nhật Bản thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não mủ”, PGS.TS Phạm Nhật An cảnh báo.

Các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm khuyến cáo, biện pháp ngừa bệnh tốt nhất là tiêm vaccine ngừa viêm màng não mủ (Hib) cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi. Vaccine phòng bệnh do Hib có thể được tiêm cùng lúc với các vaccine khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Trẻ em nên bắt đầu tiêm phòng bệnh Hib 3 mũi: Lúc 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng. Sau đó nhắc lại mũi thứ tư lúc trẻ 18 - 24 tháng. Nếu trong thời gian trên trẻ chưa được chủng ngừa Hib, các bậc cha mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc trung tâm y tế dự phòng để được tư vấn vì thời gian chủng ngừa và số mũi tiêm có thể thay đổi theo từng lứa tuổi.

Đối với trẻ có triệu chứng nghi ngờ viêm màng não mà chưa thể đến khám được thì việc điều trị tại nhà chủ yếu là hạ sốt. Quan trọng cần theo dõi tình trạng bệnh của trẻ. Nếu trẻ bị viêm màng não thì các triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu, biếng ăn, biếng chơi sẽ diễn biến ngày càng nặng hơn. Nếu thấy các dấu hiệu trên không giảm sau một ngày hay mỗi lúc một nặng hơn thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Thời điểm giao mùa như hiện nay là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn Hib phát triển. Để phòng ngừa bệnh viêm màng não nên giữ ấm cho trẻ, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và nhất là lúc có dịch cảm cúm xảy ra. Tránh để trẻ bị viêm mũi họng kéo dài. Cha mẹ cũng cần chăm sóc cho trẻ có cơ thể khỏe, bảo đảm chế độ dinh dưỡng tốt. Vệ sinh môi trường, đồ chơi cho trẻ sạch sẽ.

Theo Phương Thuận (Gia đình & Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan