Những loại quả này chắc hẳn đã quá quen thuộc với tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X ở các vùng quê khi còn nghèo khó.
1. Quả dù dẻ
Quả dù dẻ hay còn gọi là dũ dẻ, dũ dẻ trâu... mọc nhiều ở vùng ven đồi, vùng núi ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Có khi dù dẻ mọc riêng một mình hoặc xen lẫn với các loài cây bụi khác.
Cây dù dẻ có chiều cao từ 0,5-1,5m, lá có hình bầu dục, quả nhỉnh hơn ngón tay út người lớn, mọc thành chùm với số lượng từ 3-8 quả/chùm. Khi còn xanh quả có màu xám nhạt, lúc chín sẽ chuyển sang màu vàng, thịt mỏng và có vị ngọt thanh.
Đây là loại quả quen thuộc với tuổi thơ của thế hệ 8X, trẻ con vùng nông thôn thường hay í ới gọi nhau đi hái quả dù dẻ đẻ ăn, còn hoa để ngửi hoặc để trong túi áo túi quần cho thơm.
2. Quả thù lù
Quả thù lù hay còn gọi là quả tầm bóp, chúng mọc hoang ở khắp các bờ ruộng, bãi cỏ, bờ ruộng, ven đường làng... Quả thù lù mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín màu đỏ, thường có vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt và rất tốt cho sức khỏe. Xưa kia khi thành phố đô thị chưa quá phát triển, trẻ con nông thôn thường đi hái thứ quả này để ăn để chơi.
Ngày nay, thù lù xuất hiện trong siêu thị Nhật, được đóng gói sang chảnh khiến nhiều người bất ngờ.
3. Trái quách
Trái quách là đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Loại cây này người dân thường trồng để che bóng mát, thân cây cao 7-8m, lá nhỏ. Đây là một loại cây khá hiếm, không phải vùng đất nào cũng có nên khi nghe tên trái quách, nhiều người khác tò mò về loại quả này. Trước đây, cây quách chỉ được trồng ở đồng bào dân tộc Khrme, nhưng ngày nay, người dân Trà Vinh trồng đại trà hơn, mỗi nhà vài cây để lấy bóng mát và ăn trái.
Loại quả này trở thành đặc sản miền Tây, được nhiều người yêu thích
Có bề ngoài xấu xí, mốc meo, bên trong nhão nhoẹt như bị hỏng, lúc mới tách vỏ, nó có mùi hăng nồng nhưng khi ăn, nhiều người sẽ cảm nhận được vị chua, hơi béo. Quách chủ yếu được dùng để làm nước giải khát mùa hè.
4. Trái keo
Đây là trái keo - hình ảnh quen thuộc của miền quê Việt Nam. Quả này phân thành từng đốt như loại me chua thông thường nhưng mỗi trái lại uốn thành vòng tròn cong cong lạ mắt. Khi còn non thì da xanh, dẹt và tương đối cứng, khi chín phần vỏ chuyển sang màu hồng đỏ khiến mọi đứa trẻ đều thòm thèm.
Lớp cơm tuy hơi nhớt nhưng có một vị ngọt rất lạ, đi vào kí ức một thời vô tư của bao người.
5. Chùm ruột
Quả chùm ruột là loại quả phổ biến ở miền Nam. Đặc biệt ở Cần Thơ, loại quả có vị chua mát này được xem như một đặc sản, gắn bó với tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X ở miền Nam.
Quả chùm ruột mọng, có các khía, khi chín màu vàng nhạt. Loại quả này có vị chua mát, thường được ăn sống hay nấu canh. Nó không có quanh năm mà chỉ xuất hiện trong vài tháng hè. Quả chỉ to bằng ngón tay người lớn.
Loại quả này có vị đặc trưng là chua ngọt. Loại màu xanh có vị chua pha lẫn chan chát. Còn loại màu vàng nhạt có vị chua ngọt dùng để chấm muối ớt ăn sống. Ngoài ra, chùm ruột ngào đường cũng là một thức quà tuổi thơ khác rất được trẻ con yêu thích.
6. Quả bình bát
Quả bình bát còn có tên gọi khác là na nước hay trái nê, nó thường mọc ở ven kênh, ven sông ở các tỉnh miền Nam. Loại quả này có vị ngọt đậm, ăn vào mát và có nhiều công dụng. Khi ăn mọi người thường dầm với đường, sữa, đá để thêm thơm ngon.
Trước kia, quả bình bát được trồng rất nhiều, là loại quả gắn liền với tuổi thơ của không ít người, thế nhưng ngày nay muốn kiếm quả này cũng không phải dễ.
7. Quả vả
Quả vả được trồng nhiều ở Huế và được xem là món dân dã của người dân nơi đây. Nhìn bên ngoài, quả vả rất giống quả sung, nhưng to hơn và khi chín bên trong có dòng mật chảy ra hấp dẫn.
Quả vả khi còn non có vỏ màu xanh, lông mịn. Bên trong quả có lớp cơm màu trắng - đó là phần được dùng để chế biến thức ăn. Nó được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon ở Huế như: vả trộn hến, vả tôm xúc bánh đa… Ngày nay, những món ăn từ vả vẫn được ưa chuộng ở Huế và trở thành đặc sản mời thực khách quốc tế.
8. Quả quăng
Từng mọc rất nhiều ở dọc bìa chân đồi và bìa núi của Quảng Ngãi, trái quăng có hình tròn, mọc thành từng chùm, kích cỡ nhỏ hơn ngón chân cái người lớn, vỏ màu đỏ sậm.
Mùa quăng chín hàng năm thường từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6, đúng vào dịp nghỉ hè nên khá đông lũ trẻ ở các vùng quê kéo nhau mang sào đi đập trái quăng để ăn.
Tuy lớp vỏ bao bọc bên ngoài khá dày nhưng có thể bóc tách trái dễ dàng bằng móng tay. Hạt quăng to và lớp thịt mỏng có vị ngọt pha lẫn chua chua vô cùng riêng biệt.