Hiện nay, bệnh do virus Zika đang là mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, còn nhiều người dân vẫn chưa thật sự hiểu về việc truyền bệnh cũng như phòng tránh căn bệnh này.
Để giúp người dân hiểu hơn và phòng tránh tốt nhất bệnh do virus Zika, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương) đã có những chia sẻ rất hữu ích về căn bệnh này.
Ngoài muỗi đốt Zika còn lây qua đường nào?
Theo BS Cấp, virus Zika là một loài thuộc chi flavivirus trong họ Arbovirrus. Cùng chi flavivirus cũng có nhiều loài virus gây bệnh khác như virus sốt xuất huyết Dengue, virus viêm não Nhật Bản B hay virus gây bệnh sốt vàng hay West-Nile virus. Chi flavivirus có đặc điểm chung là lây truyền qua muỗi đốt. Tuy vậy, virus Zika còn có thể lây truyền qua một số con đường khác.
“Người nhiễm virus Zika hầu hết không biểu hiện triệu chứng, chỉ có khoảng 20% có các biểu hiện nhẹ như sốt, phát ban dát sẩn, đau khớp, viêm kết mạc mắt. Mặc dù là bệnh lý nhẹ, nhưng do phạm vi phân bố rộng, con đường lây truyền dễ dàng và nguy cơ liên quan đến biến chứng dị tật thai nhi nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai, nên virus Zika được coi là một mầm bệnh mới nổi quan trọng”, BS Cấp chia sẻ.
Bệnh do virus Zika có mối liên quan đến bệnh đầu nhỏ.
Về nguồn gốc của virus Zika, BS Cấp cho biết, virus Zika được xác định lần đầu tiên từ năm 1947, từ khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda. Bằng xét nghiệm huyết thanh ở người khỏe mạnh, người ta đã xác định sự phân bố của virus Zika trải rộng ở nhiều nước thuộc vành đai xích đạo ở Châu Phi, Đông Nam Á và Châu Mỹ La tinh.
Trong lịch sử đã ghi nhận một số vụ dịch virus Zika trên thế giới, rải rác ở nhiều quốc gia. Tính đến tháng 1 năm 2016 đã có trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi virus Zika.
Về mối liên hệ giữa virus Zika và tật đầu nhỏ sơ sinh, BS Cấp cho biết, mối liên quan giữa virus Zika và dị tật đầu nhỏ sơ sinh lần đầu tiên được xác định trong vụ dịch ở Brazil năm 2014. Trong vụ bùng phát dịch virus Zika năm 2015, đã có sự gia tăng đột biến trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ so với mức bình thường của dị tật này do các nguyên nhân khác.
Bàn về đường lây truyền bệnh, BS Cấp cho hay, virus được truyền sang người chủ yếu thông qua muỗi Aedes đốt. Khi muỗi hút máu người hay động vật bị nhiễm virus Zika, virus sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và ủ bệnh sau 10 ngày có thể gây truyền virus cho người hoặc động vật khác. Một cá thể muỗi nhiễm virus Zika có thể truyền virus cho các thế hệ muỗi con cháu.
Ngoài lây truyền qua muỗi đốt là con đường chủ yếu, còn nhiều đường lây truyền khác có thể làm truyền virus Zika như lây truyền từ mẹ sang thai nhi, lây truyền qua quan hệ tình dục. ARN của virus Zika cũng đã được phát hiện trong máu, nước tiểu, tinh dịch, dịch não tủy, nước ối và sữa của các bệnh nhân nhiễm virus Zika.
Thời gian ủ bệnh Zika khoảng 2-12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Khoảng 75-80% số bệnh nhân bị nhiễm virus Zika không có biểu hiện lâm sàng. Các bệnh nhân có biểu hiện bệnh thường nhẹ. Bệnh nhân thường khởi phát cấp tính với các biểu hiện sốt nhẹ (37,8-38,5 ° C), mệt mỏi, mọc ban dát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân, viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược. Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Theo BS Cấp, những người bệnh có yếu tố dịch tễ (cư trú tại hoặc đi du lịch tới khu có lư hành dịch Zika trong vòng hai tuần trước khi khởi phát bệnh) và có ít nhất 2 trong số các triệu chứng lâm sàng sau: Khởi phát sốt nhẹ (37,8-38,5 độ); có ban dát sẩn trên da; đau khớp (đặc biệt là các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân); viêm kết mạc.
Phun thuốc diệt mỗi và lật úp các dụng cụ chứa nước để loại trừ nơi sinh sản của muỗi.
Chưa có thuốc và vắc xin phòng bệnh
Về điều trị, BS Cấp cho biết, hiện nay chưa có điều trị đặc hiệu cho bệnh do virus Zika. Các điều trị hỗ trợ bao gồm: Nghỉ ngơi, bồi phụ nước, điện giải, hạ sốt nếu có sốt cao. Cần thận trọng khi dùng Aspirin hay corticoid khi chưa loại trừ được sốt xuất huyết Dengue.
Đồng thời, theo dõi các biểu hiện yếu, liệt cơ sau khi bị bệnh để phát hiện, xử trí sớm hội chứng Gulain-Barre (Viêm da đa rễ - p/v) nếu có. Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
Phụ nữ có thai trên 15 tuần bị nhiễm virus Zika có thể chỉ định chọc ối làm xét nghiệm RT-PCR hoặc lấy máu dây rốn trong vòng 2 ngày sau cuộc đẻ để xét nghiệm huyết thanh nếu người mẹ đang trong thời gian bị bệnh, hoặc lấy máu dây rốn xét nghiệm huyết thanh có thể hồi cứu tình trạng nhiễm virus Zika bẩm sinh của thai nhi.
Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần- vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh (nếu có).
Do hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh do virus Zika, nên phòng bệnh chủ yếu bằng hạn chế đi đến vùng lưu hành dịch Zika. Các cá nhân trong vùng dịch áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn, vv.
Tại vùng có dịch cần triển khai các biện pháp diệt muỗi như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước như các mảnh vỡ, lốp xe, vỏ lon, vũng nước đọng, vv. Đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy, vợt, vv.
Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm virus Zika. Mặc dù đã phát hiện ARN của virus Zika trong sữa nhưng chưa có bằng chứng lây truyền virus Zika qua bú mẹ nên chưa có khuyến cáo kiêng cho con bú trong khi mẹ nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika