Trong căn phòng nhỏ trước khi lên đường tiếp tục làm nhiệm vụ, Trung úy Thái Song Hiệp ôm vợ thật chặt trong lòng, động viên vợ ở nhà cố gắng chăm sóc con, lo cho gia đình.
Vợ anh, chị Võ Thị Xuyến nhỏ nhẹ vỗ vào vai chồng trước lúc chia xa: “Anh cứ yên tâm lên đường bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, ở nhà mọi việc em lo được…”.
Gia đình Trung úy Thái Song Hiệp và chị Võ Thị Xuyến. Ảnh: Đ.H
Tình yêu Tổ quốc trong gia đình nhỏ
Tối 12/5, trong căn phòng nhỏ ở Nhà công vụ vùng 3 Hải quân (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), Trung úy Thái Song Hiệp (SN 1980, quê Hà Tĩnh, làm nhiệm vụ trên tàu Cảnh sát biển 4033 - một trong hai tàu của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm vừa qua, phải vào bờ để sửa chữa) ăn vội bữa cơm với gia đình để kịp lên tàu CSB 4033 cùng đồng đội tiếp tục ra vùng biển Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Chuyến đi biển lần này, anh và gia đình xác định tinh thần “Tất cả vì Tổ quốc thân yêu”. Vì thế, dù trong thâm tâm của người phụ nữ có chút lo lắng, nhưng gạt qua tất cả, chị Võ Thị Xuyến (SN 1980, quê Quảng Nam) động viên chồng mình cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
“Mình mới vào bờ được mấy ngày nay cùng anh em tích cực sửa tàu để tiếp tục ra biển làm nhiệm vụ. Thời gian quá ít ỏi để giúp vợ con, cả ngày đi suốt, tối mịt mới về nhà được một tý. Chiều nay tranh thủ được 15 phút chạy vội qua trung tâm thành phố mua mấy cuốn sách, vở cho cậu con trai đầu lòng năm nay chuẩn bị vào lớp 1. Cũng may ở nhà có vợ quán xuyến mọi việc nên mình cũng yên tâm công tác”, Trung úy Thái Song Hiệp chia sẻ.
Như hiểu ý chồng, chị Xuyến mỉm cười cho biết thêm: “Anh ấy mới về nhà được mấy tiếng đồng hồ mà lúc nào cũng đứng ngồi không yên, muốn ra ngoài đó ngay để sát cánh cùng đồng đội đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió. Thấy thế, mẹ con em vui vẻ động viên anh ấy cứ yên tâm bám biển, hoàn thành nhiệm vụ”.
Lấy nhau từ năm 2005, anh Hiệp và chị Xuyến trải qua nhiều khó khăn, vất vả của cuộc sống để gây dựng nên hạnh phúc gia đình nhỏ. Chị Xuyến cho biết, hồi yêu nhau, mỗi lần đi làm nhiệm vụ về, anh Hiệp thường có những món quà của biển tặng chị, khi thì những con ốc xoắn nhiều màu rất đẹp, khi thì nhành san hô… “Anh ấy nói, dù món quà nhỏ nhưng chất chứa nhiều ý nghĩa. Mỗi lần nhìn thấy nó lại càng thêm yêu biển trời Tổ quốc mình hơn. Biển bao la là thế, nhưng lúc nào anh ấy cũng nói vui: Biển đất nước mình đã nằm trọn trong trái tim anh”, chị Xuyến tâm sự.
“Trước đây, em làm nghề may, vợ chồng thuê nhà ở xa, vất vả lắm. Từ khi tụi em sinh hai đứa con thì em nghỉ hẳn nghề may, ở nhà chăm sóc các con. Em vừa làm “bố”, vừa làm mẹ cho hai đứa nhỏ” - tay xếp vội áo quần cho chồng, chị Xuyến nói - “Nghề nghiệp của anh ấy thường xuyên đi biển, một tháng về 1-2 lần, có đợt 2-3 tháng về nhà một lần, tùy theo công việc tuần tra. Em đã xác định rồi, mặc dù vợ chồng không ở gần nhau hàng ngày nhưng cứ nghĩ đến anh ấy đang cùng đồng đội lênh đênh trên biển bảo vệ chủ quyền đất nước là em và con tự hào lắm. Có khó khăn nào mẹ con em ở nhà cũng khắc phục được. Được cái ở Nhà công vụ này cũng nhiều hoàn cảnh gia đình chồng đi xa nên chị em ai cũng thương yêu, đùm bọc nhau...”.
Con trai của Trung úy Thái Song Hiệp mong muốn sau này trở thành chiến sỹ Cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Cầm mấy cuốn sách, vở vừa mua từ chiều, anh Hiệp đưa cho con trai Thái Song Thành (6 tuổi) và căn dặn: “Con ở nhà nhớ nghe lời mẹ, chăm ngoan, học giỏi. Ba ra biển để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chừng nào xong việc ba sẽ về với con, với gia đình mình…”. Anh Hiệp mới ngớt lời thì cháu Thành cười tươi nói: “Ba lên đường mạnh khỏe, con hứa ở nhà chăm ngoan. Mai này con lớn lên con cũng sẽ là chiến sỹ Cảnh sát biển như ba để bảo vệ chủ quyền của đất nước”. Nghe xong lời con trai nói, cả gia đình cùng cười tươi. Tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo ngập tràn trong gia đình nhỏ.
Sau bữa cơm tối, ngoài kia tiếng còi tàu bắt đầu vang lên. Đường phố vùng biển heo hút ánh đèn. Trung úy Thái Song Hiệp ôm vợ thật chặt trong lòng trước khi lên đường. Chị Võ Thị Xuyến nhỏ nhẹ: “Anh cứ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ, mọi việc ở nhà khó khăn đến mấy em cũng lo được. Em mong anh cùng đồng đội giữ yên biển trời quê hương…”.
“Đừng chùn bước anh nhé…”
Chị Phương cùng con mong chồng, cha vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.
Trời giữa trưa, cái nắng chớm hè gay gắt khiến căn phòng trọ ở đường Đỗ Quang (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) của hai mẹ con chị Hoàng Như Phương (SN 1987, quê xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) nóng hầm hập. Chị Phương cho biết, cái nóng ở mảnh đất miền Trung này bao lâu nay mẹ con chị chịu được, nhưng giờ ngoài biển Đông còn “nóng” hơn với sự xâm phạm trái phép của Trung Quốc, khiến chị và hàng triệu trái tim Việt sục sôi.
Chị Hoàng Như Phương là vợ của Thiếu úy Nguyễn Nam Tiến (SN 1980, làm nhiệm vụ trên tàu Cảnh sát biển 2012 - vừa bị tàu Trung Quốc đâm gây hư hỏng cùng với tàu CSB 4033). Chị Phương cho biết, anh Tiến chỉ kịp ghé qua nhà 2 buổi tối rồi chuẩn bị đồ đoàn tiếp tục cùng đồng đội tiến ra vùng biển Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền đất nước.
“Khi lấy anh ấy, em đã xác định là mình phải hy sinh rất nhiều để anh ấy làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đến bây giờ, nếu cho em quyết định lại thì em vẫn chọn anh ấy bởi công việc anh ấy đang làm khiến mẹ con em tự hào”, chị Phương nói.
Chị Phương kể, Thiếu úy Nguyễn Nam Tiến đã có hơn 10 năm làm Cảnh sát biển. Trong 5 năm yêu và lấy anh Tiến, chị đã hy sinh rất nhiều để lo toan gia đình, động viên chồng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ khi vợ chồng anh chị đón đứa con đầu lòng chào đời (năm 2012), niềm vui của gia đình nhỏ như càng nhân lên. Mỗi chuyến đi biển làm nhiệm vụ trở về, thấy vợ và con ở nhà mạnh khỏe, anh Tiến lại thêm động lực để tiếp tục nhiệm vụ.
“Mỗi lần anh ấy lên đường làm nhiệm vụ, em đều động viên anh ấy đừng chùn bước. Mẹ con em ở nhà tuy cuộc sống hơi vất vả nhưng vẫn chịu đựng được. Em hiểu anh ấy lo lắng rất nhiều cho mẹ con em nhưng vì hoàn cảnh, điều kiện công việc nên em không đòi hỏi gì nhiều. Chỉ mong anh ấy cùng đồng đội giữ vững lòng kiên trung, vững vàng ngoài biển khơi…”, chị Phương tâm sự.
Nhìn mẹ con chị Phương tá túc trong căn phòng trọ khoảng 10m2, chúng tôi mới cảm phục tấm lòng của chị. Ngày trước chị học cao đẳng kế toán, ra trường không xin được việc, nên thu nhập không ổn định. Bây giờ chị phải ở nhà để chăm sóc con và cố gắng đi học liên thông lên đại học với mong muốn sau này kiếm được một việc làm, cho gia đình đỡ vất vả. “Cuộc sống tuy có khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng em xác định, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước của anh ấy là một vinh dự và vô cùng tự hào. Chúng em tự động viên nhau để cả hai cùng vượt qua thôi…”, chị Phương nói.
Chị Phương, chị Xuyến và rất nhiều người phụ nữ là vợ của các chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam khác nữa luôn là hậu phương vững chắc cho các anh yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.