Trung Quốc đang tìm cách thách thức ý chí và lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Sau khi Trung Quốc cho giàn khoan Hải Dương 981 cùng đội tàu hộ tống hơn 80 chiếc hung hăng kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, nhiều chuyên gia và nhà bình luận quốc tế đã tập trung mổ xẻ động thái trên của Trung Quốc, và câu hỏi lớn nhất mà họ đặt ra là tại sao Trung Quốc lại có động thái ngang ngược như vậy vào thời điểm hiện nay.
Với thực tế rằng Trung Quốc luôn cố tìm cách che giấu các quá trình ra quyết định của mình, việc tìm ra câu trả lời thuyết phục nhất cho câu hỏi trên là vô cùng khó khăn.
Tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam
Tuy nhiên, với những bằng chứng hiện nay, các chuyên gia quốc tế nhận định rằng hành động kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam chính là phép thử của Trung Quốc đối với nhuệ khí của ASEAN và cả Mỹ, đồng thời là một “hàn thử biểu” nhằm đánh giá phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với những tuyên bố chủ quyền biển đảo ngang ngược của Bắc Kinh.
Ông Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc cho rằng quyết định đưa HD-981 vào vùng biển Việt Nam của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) là một nước cờ đã được tính toán từ trước nhằm phục vụ cho mục đích bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Theo ông Thayer, việc một doanh nghiệp như CNOOC đưa giàn khoan trị giá tới 1 tỉ USD vào vùng biển tranh chấp ẩn chứa nhiều rủi ro về mặt kinh tế cho thấy đây hoàn toàn là một động thái chính trị ẩn chứa nhiều toan tính thâm sâu.
Ngoài ra, việc Trung Quốc cho cả một hạm đội 80 tàu hải quân và hải cảnh đi theo hộ tống giàn quan này càng củng cố nhận định rằng Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy nước cờ chiến lược nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực, phục vụ cho tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc
Một số chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc đã khiến cả thế giới bất ngờ khi tìm cách leo thang căng thẳng trên Biển Đông với Việt Nam trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang được cải thiện, và hai nước cũng vừa ký một thỏa thuận hợp tác về dầu khí trên Biển Đông. Chính vì vậy, động thái tráo trở này của Trung Quốc thể hiện sự ngang ngược và vô trách nhiệm của họ trong quan hệ quốc tế.
Theo chuyên gia phân tích quốc tế Taylor Fravel, việc Trung Quốc tìm cách gây chuyện với Việt Nam trong thời điểm này thể hiện những toan tính thâm sâu của họ. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ vừa kết thúc chuyến công du châu Á với cam kết tăng cường hợp tác để bảo vệ các nước đồng minh như Nhật Bản, Philippines trước mối đe dọa đến từ Trung Quốc, Bắc Kinh đang tìm cách để thử thách cam kết này của Mỹ, và phép thử mà họ đưa ra chính là giàn khoan HD-981.
Theo đó, trước khi tìm cách “gây sự” với các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản và Philippines, Trung Quốc phải dò xét xem Mỹ sẽ phản ứng như thế nào để bảo vệ các lợi ích của họ trong khu vực.
Trước đây, Mỹ tuyên bố rằng họ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải và thương mại trên Biển Đông, và những hành động bị cho là cản trở tự do hàng hải trên vùng biển chiến lược này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Ngoài ra, lợi ích của Mỹ trong khu vực còn bao gồm việc giải quyết hòa bình các xung đột, và không được sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp.
Với việc kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế, và việc tự ý quy định vùng cấm xung quanh giàn khoan này, Trung Quốc đã thách thức Mỹ trên cả ba khía cạnh lợi ích trên. Chính vì lẽ đó, việc Mỹ mới chỉ phản ứng bằng cách phản đối hành vi “khiêu khích” của Trung Quốc trên Biển Đông là chưa đủ mạnh để ngăn ngừa Trung Quốc có những hành động tương tự trong tương lai.
Giàn khoan HD-981 đang thách thức lợi ích của Mỹ ở Biển Đông
Bằng việc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông, Trung Quốc đang tìm cách gây ấn tượng với các nước láng giềng rằng Mỹ không thể bảo vệ được ngay cả các lợi ích của mình trong khu vực, khi họ còn đang vướng bận với nhiều mối quan tâm khác trên thế giới.
Ngoài ra, toan tính thâm sâu của Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ họ kéo giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam ngay trước thềm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Myanmar nhằm thử thách ý chí của các quốc gia Đông Nam Á đối với mối đe dọa chung đến từ Trung Quốc. Hành động này của Trung Quốc không phải là không tiềm ẩn rủi ro, bởi họ có thể bị cả cộng đồng quốc tế chú ý và lên án.
Và Trung Quốc đã không ngờ rằng ASEAN đã ra được thông cáo chung lên án các hành động đe dọa sử dụng vũ lực và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình. Ngoài ra, ngoại trưởng nhiều nước ASEAN như Philippines, Indonesia cũng đã lên tiếng phản đối hành động ngang ngược và nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông, làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Với quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Việt Nam và sự phản ứng của cộng đồng quốc tế, lối thoát duy nhất cho Trung Quốc trong hoàn cảnh hiện nay là rút ngay giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, chấm dứt các hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, dù Bắc Kinh có tính toán thâm sâu đến chừng nào đi chăng nữa.