"Thấy tôi nói vậy, anh Đươm nói đùa, nếu vậy anh đi chơi không về nhé và tôi trả lời, anh có giỏi thì cứ đi đi…. ", chị Ngân nói.
Gần 1 tuần qua, sự việc 3 anh em ruột Tăng Văn Đượm (SN 1983), Tăng Văn Đươm (SN 1985) và Tăng Văn Đới (SN 1989) trú tại Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc (Hải Dương) tử vong do ngạt khí hầm biogas khiến người dân nơi đây vẫn bàng hoàng và thương xót.
Trong số các nạn nhân tử vong, có anh Đượm, anh Đới đã xây dựng gia đình và có 3 con nhỏ, trong khi hai người vợ của các anh đã bỏ đi từ lâu. Còn nạn nhân Đươm mới lấy vợ chưa có con và chính anh là người tử vong đầu tiên dưới hầm biogas của gia đình.
Căn nhà các nạn nhân bao trùm tang thương sau sự việc đau lòng xảy ra. Ảnh: Đ.Tuỳ
Chiều qua (13/5), không khí tang thương vẫn bao trùm ngôi nhà với những tiếng khóc nấc nghẹn đau thương. Tuy lễ tang của 3 anh em đã được hoàn tất nhưng vẫn có rất nhiều đoàn khách, từ thiện và và mọi người đến hỏi thăm, chia buồn.
Chị Lê Thị Kim Ngân (SN 1985, vợ nạn nhân Đươm) hướng ánh mắt về phía ngoài cổng như đón đợi điều gì trong vô vọng. Có lẽ, bình thường bằng giờ này người chồng xấu số của chị đã đi làm về, nhưng khi nhìn vào di ảnh trong nhà chị lại khóc.
“Đến giờ tôi vẫn nghĩ đó chỉ là giấc mơ mà bản thân không muốn nghĩ lại, nhưng khi trở lại thực tại thì tôi không dám tin đó là sự thật, quá đau đớn và xót xa…”, chị Ngân nghẹn ngào.
Chị Ngân bên mẹ chồng ngất lịm từ khi nhận tin dữ 3 con trai tử vong. Ảnh: Đ.Tuỳ
Theo lời kể của chị, cách đây hơn 2 năm chị và anh Đươm tình cờ quen biết nhau, sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn và số phận không may mắn của nhau, hai anh chị đã đồng cảm. Tuy nhiên, do không có điều kiện nên hai người chỉ đăng ký kết hôn và chưa có điều kiện tổ chức lễ cưới.
Lấy nhau xong, ban ngày anh Đươm đi làm lao động tự do, lúc đi phụ vữa, khi đi đội bê tông và ai thuê gì làm đó. Nhiều lúc, hai vợ chồng đã bàn nhau chuyện sinh con và tổ chức lễ cưới, nhưng lần nào bàn xong rồi lại không thực hiện được do điều kiện không cho phép.
Nhớ lại ngày nhận được tin dữ, chị lại khóc, bởi lẽ mới cách đó khoảng 1 giờ đồng hồ, anh Đươm còn gọi điện cho chị về sớm để ăn cơm, sau đó còn nói trêu đùa, nhưng lúc mẹ chồng thông báo thì chị đã chết ngất.
Vợ nạn nhân Đươm cho biết: “Lúc đó, hơn 21 giờ tối, mẹ chồng tôi gọi điện báo tin về nhà ngay chồng tôi chết rồi. Khi đó tôi không tin và nghĩ mẹ chồng nói đùa hay trêu, nhưng khi nghe thấy nhiều người khóc thì tôi không còn biết gì nữa và phải thuê xe taxi đi về”.
Vị trí cổng vào nhà nạn nhân, nơi anh Đươm (chồng chị Ngân) được đưa đi cấp cứu. Ảnh: Đ.Tuỳ
Về đến cổng nhà, chị thấy chồng mình đang nằm phía ngoài chờ xe đưa đi viện, hai mắt nhắm liền bất động. Còn phía trong nhà anh Đượm cũng đang được mọi người cấp cứu. Sau đó, chồng chị và anh Đới được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, còn anh Đượm đưa đến Bệnh viện Đa khoa Gia Lộc nhưng đã tử vong.
Khi hậu sự của 3 anh em được hoàn tất, chị Ngân mới có thời gian nghĩ lại cuộc điện thoại cuối cùng của chồng. Chị cho rằng, đó chính là điểm báo bất an ngay từ trong những lời nói tưởng chừng là đùa như vậy.
“Khi anh Đươm gọi điện cho tôi nói về sớm ăn cơm, nhưng khi đó còn đông khách uống nước nên tôi trả lời "một lúc nữa em mới về được". Thấy tôi nói vậy, anh Đươm nói đùa " nếu vậy anh đi chơi không về nhé và tôi trả lời, anh có giỏi thì cứ đi đi…." Ai ngờ đó chỉ là câu nói đùa của hai vợ chồng mà giờ anh ấy đi thật.”, chị Ngân nói.
Trong khi đợi vợ đi bán hàng về ăn cơm, anh Đươm xuống khu hố ga phía trái nhà để sửa và bị ngạt khí dưới hầm. Khi nghe tiếng con trai ngã xuống hố, bà Tăng Thị Mơ (SN 1960, mẹ 3 nạn nhân) đi gọi 2 người con còn lại về cứu nhưng cũng tử vong.
Rất nhiều bạn bè và đoàn khách đến hỏi thăm, thắp hương và chia buồn 3 anh em tử vong. Ảnh: Đ.Tuỳ
Theo tìm hiểu của PV, nhà chị Ngân ở phường Bình Hàn (TP. Hải Dương), lấy nhau xong chị đi bán nước trên thành phố và sống cùng với mẹ chồng, còn anh Đượm, anh Đới ở hai nhà bên cạnh cùng chung một cổng.
Đến lúc này, 3 cháu nhỏ vẫn chưa biết bố mình đã mất. Ảnh: Đ.Tuỳ
Nói về 3 cháu nhỏ con của anh và em chồng, chị Ngân không cầm được nước mắt. Chị cho hay, tuy vợ chồng chị chưa có điều kiện để sinh nở, nhưng từ ngày làm dâu và về chung sống trong gia đình chồng, chị luôn xem các cháu như những người con của mình. Giờ đây bố các cháu đã mất, mẹ các cháu bỏ đi càng khiến chị đau xót hơn.Trước căn nhà xuống cấp, năm 2016, vợ chồng chị Ngân bàn nhau mang thế chấp bìa đỏ vay mượn họ hàng, người thân xây dựng căn nhà cho chắc chắn để tránh mưa gió và để mấy bà cháu yên tâm. Khi gia đình chị làm mấy mâm cơm để lên ở nhà mới cũng là ngày cưới của hai vợ chồng.
“Từ hôm xảy ra sự việc đến nay, các cháu vẫn không biết bố mình đã mất mà chỉ hỏi "sao bố cháu đi làm mãi không thấy về". Đặc biệt, hôm tang lễ gia đình có gọi điện cho vợ em út cùng gia đình vợ quê ở tỉnh Quảng Ninh, nhưng cũng không có ai về…”, chị Ngân nghẹn ngào.