Lần đầu tiên và nhiều lần sau đó vào trong trại giam, LS Nguyễn Văn Dũ đã bị Phương Nga thẩm vấn ngược: “Anh bào chữa cho em, anh có tin em vô tội hay không?”.
Luật sư Nguyễn Văn Dũ là một trong các luật sư tham gia bào chữa cho Phương Nga từ khi bắt đầu vụ án tới bây giờ. Ông là người được Phương Nga kể lại toàn bộ tình tiết thật sự của vụ án để lập biên bản lời khai duy nhất, gửi lên Tòa án trong phiên xử 5 ngày vừa qua.
Lời khai của Phương Nga mà LS Dũ ghi chép lại cùng lời khai của cô trước tòa là 1 trong những chứng cứ quan trọng quyết định việc tòa tuyên Phương Nga và Thùy Dung được tại ngoại, trả hồ sơ vụ án điều tra bổ sung.
Trong giây phút Phương Nga được công bố tại ngoại, bà Hồ Mai Phương (mẹ Phương Nga) xúc động chia sẻ về LS Dũ: “Đây là một người luôn luôn thầm lặng và luôn luôn ở bên cạnh tôi trong những giờ phút khó khăn nhất, có lúc ông đã lau cho tôi những giọt nước mắt”.
LS Nguyễn Văn Dũ
Bị thẩm vấn ngược lại
Trả lời câu hỏi của PV, được biết thời gian đầu luật sư chưa tiếp cận được cũng như không được Phương Nga tin tưởng, vậy phải mất thời gian bao lâu anh mới lấy được niềm tin của thân chủ mình?
Luật sư Dũ: Thật ra trước vụ án này, tôi chưa lần nào gặp Phương Nga, chỉ biết được mẹ của cô ấy từ năm 2010. Tôi và chị Hồ Mai Phương xem nhau như hai chị em.
Tuy nhiên lúc này tôi chỉ biết vụ án thông qua báo chí chứ không biết hồ sơ cụ thể thế nào. Tôi nghĩ rằng với khả năng của mình thì không thể nào giúp Phương Nga được nên mới chỉ cho chị Phương một luật sư rất nổi tiếng, thiên về hình sự đang hành nghề ở TP. HCM. Người luật sư này cũng là thần tượng của tôi trong vấn đề bào chữa vụ án hình sự.
Một gian nan nữa là lúc này Phương Nga cũng không tin ai nên tất cả những thủ tục mà luật sư này đưa vào cô ấy cũng từ chối.
Đến khi giai đoạn hồ sơ đã tới toà án rồi thì Phương Nga không biết tin ai và nhờ ai nữa, thế là tôi giúp. Lúc đó tôi giúp chỉ với danh nghĩa để cho chị Phương yên tâm chứ tôi thật sự không biết làm thế nào. Quan điểm của tôi cũng như công an, đó là bắt thì phải có tội. Phải có căn cứ nào đó người ta mới bắt về tội Lừa đảo mười mấy tỉ đồng, người ta không thể bắt vu vơ được.
Khi được toà án cấp giấy bào chữa cho Phương Nga thì tôi bị cô ấy thẩm vấn ngược lại vì không tin tưởng. Lúc gặp, Phương Nga đặt câu hỏi cho tôi: “Anh bào chữa cho em, anh có tin em vô tội hay không? Thực sự, lúc đó đối với tôi là một câu hỏi rất khó để trả lời cho Phương Nga.
Tôi nói: Anh chưa đủ để kết luận em có tội hay vô tội, trong hồ sơ vụ án có chứng cứ buộc tội, có chứng cứ vô tội, vì vậy em cho anh thời gian đọc hồ sơ vụ án thật kỹ và em phải trình bày cho anh toàn bộ vụ án và anh phải có chứng cứ khác.
Phương Nga đáp lại: Vậy anh không có niềm tin em vô tội thì làm sao bào chữa . “Đó là vấn đề rất khó”, LS Dũ trả lời Phương Nga.
Tại tòa, Phương Nga nhiều lần xin giữ quyền im lặng
Sau khoảng 5-7 lần gặp gỡ, trao đổi, Phương Nga mới dần tin tưởng tiết lộ những thông tin thực tế. Qua đó mới giúp tôi có những chứng cứ quan trọng nhưng Phương Nga cũng không cho tôi lập biên bản làm việc, chỉ là ghi nháp thôi. Phương Nga không ký vào bất cứ giấy tờ gì khi tôi ghi chép.
Phương Nga cho LS ghi lời khai bắt đầu từ thời điểm nào?
Luật sư Dũ: Đến thời điểm trước phiên tòa lần 2 vừa qua, tôi cứ nghĩ Phương Nga sẽ trình bày, trả lời các câu hỏi. Tuy nhiên, Phương Nga có nói với tôi một câu trước ngày xét xử 2 tuần: "Em đã nghĩ kỹ rồi, và em sẽ im lặng!".
Mình lại rơi vào tình huống bất an, Phương Nga nói em sẽ im lặng. Thực sự, lúc này tôi rất bối rối và chỉ biết động viên Phương Nga.
Tuy nhiên sau đó tôi nói với Phương Nga: Em im lặng sẽ làm hỏng phương án của anh, luận cứ của anh là dựa vào lời khai, chứng cứ. Nếu em không khai của trước Tòa, không nói với anh thì anh nghĩ rằng luận cứ của anh quá yếu. Vì vậy, em có thể cho anh lập biên bản lấy lời khai và có chữ ký của em và anh sẽ xác nhận chữ ký của em ở lãnh đạo PA92.
Phương Nga hỏi: “Để làm gì”?. Đáp lại, tôi trả lời, để anh làm luận cứ cho việc bào chữa. Còn nếu em cương quyết không trình bày tại phiên tòa, anh sẽ nộp bản lời khai này của em cho Tòa án để tòa làm căn cứ xem xét giải quyết vụ án. Sau một hồi suy nghĩ, Phương Nga đã đồng ý với tôi. Kể từ khi đó, tôi bắt đầu tốc ký, ghi lại toàn bộ lời khai của Phương Nga.
Hiện tại luật sư còn những chứng cứ nào chưa nộp không?
Hiện tại tôi vẫn còn những chứng cứ khác chưa nộp nhưng không quan trọng bằng những chứng cứ đã nộp. Chúng tôi phải quyết tâm đi tìm sự thật. Nếu xác định có tội tôi nghĩ thân chủ sẽ nhận tội để hưởng tình tiết giảm nhẹ và khuyên thân chủ khắc phục hậu quả. Nhưng khi mình đã thấy rõ thân chủ không có tội mình phải thu thập chứng cứ để chứng minh điều đó.
Có một vấn đề là khi Phương Nga trình bày việc cô ấy và ông Mỹ thường xuyên đi du lịch trong nước có ghé qua một số khách sạn, resort. Vậy để có chứng cứ chứng minh điều này chính là thông tin lưu giữ tại quầy lễ tân là các máy tính mà khách sạn đó đang quản lý.
Ở đây là những khách sạn hạng sang nên người ta phải lưu thông tin, còn nhà nghỉ thông thường thì sẽ không còn thông tin đó. Trong quá trình xác định thông tin này mình phải đi từ Huế đến Phú Quốc, dọc gần hết cả nước. Mặc dù với tư cách luật sư bào chữa, có giấy của toà nhưng sẽ rất khó để khách sạn cung cấp.
Mong muốn của luật sư trong những phiên toà sắp tới là gì?
Thứ nhất tôi không mong muốn có phiên toà tiếp theo. Điều tôi mong muốn là vụ án này được đình chỉ điều tra ngay trong giai đoạn hồ sơ được trả về. Không mong muốn có thêm lần truy tố nữa.