Tối qua tôi cứ trằn trọc mãi khi đọc những dòng này “mặc cho đứa trẻ hoảng sợ, ôm mặt khóc, bà Ngọc hét lớn: “Mày là người hay thú? Là thú hay người...”. Sau trận đòn, bà Ngọc tỏ ra khá hả hê khi cháu bé thừa nhận... “là người”.
Tôi sốc vì điều đó không xảy ra ngoài “đầu đường xó chợ”. Tôi buồn bởi chuyện đó chẳng phải giữa hai người đang thù hận nhau. Tôi đau do những việc này diễn ra ngay tại lớp Lá 1 Trường Mầm non 30-4 (cơ sở đường Pasteur, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) và người ra tay lại chính là bảo mẫu Trần Bích Ngọc. Với những gì tràn ngập các trang báo và mạng xã hội chiều tối qua thì đó không phải là hành động bộc phát của bà Ngọc mà kéo dài khá lâu.
Chưa hết đâu, còn cả những điều như sau “đang nằm ngủ chung với học sinh, bà Ngọc vùng dậy, xông đến đánh, cào vào người đứa trẻ rồi ra lệnh: “Nhắm mắt!”.
Tiếp sau đó, bà Ngọc liên tục lớn tiếng quát nạt, ra lệnh cho đứa trẻ. Biết cháu bé sắp khóc, bà Ngọc dằn mặt: “Ngậm cái miệng lại nha. Khóc một cái là tao lấy cái tã cứt tao trét...”
Bảo mẫu đánh học sinh trong giờ ngủ trưa (Ảnh cắt từ clip)
Với một người dám tự nhận là có đầu óc tưởng tượng phong phú và gặp biết bao chuyện ngang trái, tôi cũng phải thừa nhận là không thể nghĩ một bảo mẫu lại có thể hành xử chẳng biết là “người hay thú” như thế!? Các con quá bé bỏng để phải chịu đựng sự tàn ác đó. Rồi những tâm hồn non nớt kia sẽ in hằn những điều gì? Sự ác độc, chấn động tâm lý hay sợ hãi thầy cô ư?
Ngày mai hay khi sự việc nguôi ngoai các con vẫn phải đến trường, cha mẹ vẫn nơm nớp với “vết cắt” đau đớn dằn vặt này. Nhưng ai dám đảm bảo khi nhận thức rõ hơn, tâm lý các con không hằn sâu những “vết thương” ấy?
Đôi khi chúng ta cứ ngơ ngác hỏi nhau sao lũ trẻ hành xử với nhau như “kẻ thù”, ra tay với bạn giống trút lên đầu mọi sự giận dữ. Có lẽ sẽ còn nhiều nguyên nhân khác nhưng ngay từ nhỏ chúng đã bị đánh đập, bạo hành rồi bắt phải dối trá như thế thì đấy là hậu quả tất yếu khi các em lớn lên. Như một cây xanh, từ bé không được chăm sóc tốt rất khó để trở thành cây to vững chãi.
Đừng nghĩ rằng cứ xử lý theo kiểu “chữa cháy” những vụ ngày càng nhiều như thế này để xoa dịu dư luận là xong. Thế hệ tương lai phụ thuộc rất nhiều vào việc người lớn đối với họ từ tấm bé thế nào. Đuổi việc bảo mẫu, thâm chí phạt tù giáo viên cũng chỉ giải quyết phần ngọn vì thực tế đã làm như thế nhưng bảo mẫu “ác thú” như bà Ngọc ở trường 30/4 vẫn xuất hiện.
Nếu như vụ bạo hành ở trường Mầm Xanh từng chấn động dư luận cũng ở TP này và nhiều vụ trước đó chỉ xảy ra ở các điểm giữ trẻ tự phát hay trường tư thục thì lần này lại chính ở trường công hàng đầu TP HCM. Là dân Q.1, con cũng từng qua mẫu giáo nên tôi biết rất rõ vào được trường điểm 30/4 là mơ ước của nhiều phụ huynh.
Dài dòng như thế không phải để phân biệt tư hay công, trường điểm hay chưa mà tôi muốn nhấn mạnh rằng cái ác, bạo hành đã len vào tận nơi tưởng chừng tốt nhất, dạy dỗ hay nhất. Không chỉ phụ huynh mà các nhà quản lý đừng vội nghĩ rằng danh xưng trường này, TOP nọ là xong.
Dù ở đâu giáo viên cũng phải trau dồi nghề nghiệp cùng tình thương trẻ, nếu không có thể nên chọn nghề khác. Bất cứ nơi nào, trẻ cũng phải được nói lên điều đúng đắn và biết phản kháng trước cái xấu. Nếu bỏ qua hoặc không làm được đó là một kiểu giáo dục thất bại. Nếu sẽ xử lý nghiêm vụ này như hứa hẹn của Sở GDĐT TPHCM mà vẫn tiếp diễn bảo mẫu “ác thú” như vừa qua thì đấy là kiểu quản lý khó chấp nhận. Dù ở bất cứ nơi nào, các em và bảo mẫu đều phải là NGƯỜI chứ không thể bị đối xử hay hành xử như thú thưa các vị!