Mẹ của bé trai 3 tuổi bị bố bỏ rơi tại Tòa án nhân dân tỉnh bắc Giang chia sẻ lý do phải để con cho chị gái nuôi hộ.
Liên quan đến sự việc bé 3 tuổi bị bố rơi tại Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang kèm mẩu giấy “tôi không đẻ, tôi không nuôi”. Ngày 19/5, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang làm các thủ tục bàn giao bé trai về cho chị Đ.T.L. (mẹ đẻ cháu bé) tại tổ dân phố Hòa Sơn, phường Đa Mai, TP.Bắc Giang.
Chia sẻ với PV, bà Vũ Thị Thủy – Phó Chủ tịch liên hiệp Hội phụ nữ phường Đa Mai (Bắc Giang) cho biết, cuộc sống của chị L. cũng khá vất vả, chị L, từng có một đời chồng nhưng anh này đã mất để lại cho chị 2 con trai. Sau đó, chị L. về sống chung như vợ chồng với anh T.T.T. (ở Hồng Thái, Việt Yên, Bắc Giang), 2 người có với nhau một bé trai bị bỏ rơi.
Hàng ngày chị L. đạp xe 17 cây số lên nhà mẹ đẻ để bán rau.
Do cuộc sống vợ chồng xảy ra xích mích cả 2 quyết định ly hôn, anh T. nuôi cháu bé, còn chị L. trở về quê của chồng cũ ở huyện Tân Yên (Bắc Giang) sinh sống và tiếp tục nuôi 2 con trai. Công việc chính của chị L. là chạy chợ.
“Hàng ngày cô ấy phải dậy từ 3h sáng, đạp xe 17 cây số từ Tân Yên về nhà mẹ đẻ ở chợ Đa Mai, phường Đa Mai để bán rau kiếm tiền nuôi các con. Trưa ăn cơm nhà mẹ đẻ, đến chiều lại đi một chợ khác, 7h tối mới trở về nhà dưới Tân Yên với các con”, bà Thủy kể.
Theo bà Thủy, sau khi nắm được thông tin cháu bé bị bỏ rơi, hàng xóm, tổ dân phố cũng khuyên nhủ chị L. và gia đình đón cháu bé về nhà chăm sóc. Sau khi gia đình L. họp bàn và đi đến quyết định nhận cháu bé về và để chị Bình (chị gái chị L) nuôi bé.
“L. cũng khó xử, mọi người hãy hiểu cho cô ấy, L. không thể đưa cháu bé về trên Tân Yên, nhà chồng cũ để nuôi dưỡng con được. Để cháu bé dưới nhà ngoại, ngày nào L. cũng đi chợ lên đây nên vẫn có thể gặp được con”, chị Thủy nói.
Cháu bé được đón về với gia đình vui vẻ, cười nói.
Chị Nguyễn Thị Hường – người dân ở tổ dân phố Hòa Sơn, phường Đa Mai (Bắc Giang) cho biết, bố mẹ chị L. sinh được 4 người con, chị L là con thứ 3. Cách đây 2 năm bố chị L. mất vì ung thư, do đã già yếu nên mẹ chị L. sống nương tựa vào các con. Tuy nhiên, cuộc sống của anh em chị L. rất vất vả. Chị Bình (người nhận nuôi con trai chị L.) là người tật nguyền, chị không lập gia đình và có một cô con gái. Hàng ngày chị L. đi chợ nhập rau về bán ven đường, cuộc sống cũng không khá giả.
Về phần mình, chị L. (mẹ cháu bé) tâm sự, vì hoàn cảnh chị đành để con lại cho chồng nuôi dưỡng chứ bản thân cũng không hề muốn.
“Tôi có một đời chồng trước và 2 con nên không có điều kiện để nuôi được. Khi ra tòa tôi cũng nhờ tòa phân xử để cháu ở với bố, dù gì cháu ở với bố từ nhỏ cũng quen rồi”, chị L. nói.
Theo chị L. từ khi chị bỏ đi, 2 vợ chồng ly hôn chị không dám quay lại thăm con trai. Chị sợ rằng, nếu chị quay lại thăm con chồng sẽ đánh đập chị.
“Khi anh ấy mang con ra tòa để tôi rất sốt ruột, muốn ra đón cháu về ngay nhưng vẫn lưỡng lự vì tôi hiểu tính chồng cũ, tôi sợ anh ấy lại nghi ngờ tôi bắt cóc thằng bé”, chị L. chia sẻ.
Chị L. nghĩ nếu đón con về chị phải phụ thuộc vào mẹ ruột, nhờ bà chăm sóc cháu bé chứ chị không thể mang con về quê chồng ở Tân Yên ở được. Từ lúc, chính quyền đưa cháu bé về bàn giao, ký vào biên bản nhận con, trong lòng chị L. thấy hạnh phúc nhưng cũng nhiều lo lắng vì không thể nuôi cháu đầy đủ.
“Mẹ tôi đồng ý để thằng bé cho chị gái nuôi dưỡng tôi rất vui. Ngày nào tôi đi chợ cũng vẫn được gặp con, gia đình tôi sẽ sớm chuyển khẩu cho cháu về đây để cho cháu đi học”, chị L. nói.
Cháu bé hôn lên má chị L.
Với thu nhập thất thường mỗi ngày khoảng 200 nghìn cả vốn lẫn lãi bằng nghề bán rau của chị L. không thể đủ để trang trải cuộc sống nhưng chị bảo vì các con chị sẽ cố gắng.
Bà Đào Thị Bình (chị gái chị L.),người nhận chăm sóc cháu bé chia sẻ: “Tôi không lương, hàng ngày chỉ bán mớ rau sống qua ngày nhưng máu mủ nhà mình thì làm sao bỏ được. Cháu về ở với tôi có gì ăn nấy, tôi cũng sẽ cố gắng nuôi cháu thành người".
Còn về cháu bé, sau khi bị bố bỏ rơi tại tòa án được cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang bàn giao về cho gia đình bé rất vui, cháu bám mẹ, cười nói vui vẻ với những người thân bên nhà ngoại.