Vụ cha vợ giết chết con rể: Pháp luật có khoan hồng?

Ngày 20/05/2016 11:30 AM (GMT+7)

Luật sư cho rằng, người cha vợ giết chết con rể có thể hưởng sự khoan hồng của pháp luật vì chủ động chở xác nạn nhân đến cơ quan chức năng để đầu thú. Kèm theo đó, ông cũng có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần.

Vụ việc xảy ra vào chiều ngày 14/5, anh Tôn Thanh Việt (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP. HCM) nhậu say đến nhà gia đình vợ chửi bới. Bực tức nên ông Nguyễn Văn Nam (58 tuổi, cha vợ) đã cầm dao phay chém nhiều nhát vào vai, đầu khiến con rể tử vong rồi dùng xe máy chở xác anh Việt đến Công an đầu thú. Công an quận Gò Vấp sau đó đã tạm giữ hình sự ông Nam để phục vụ công tác điều tra về hành vi giết người.

Trao đổi với PV, theo luật sư Ngô Công Định (Đoàn Luật sư TP. HCM), trong trường hợp của ông Nam giết chết con rể bằng dao phay rồi dùng xe chở đến Công an đầu thú, chúng ta vừa thấy ông ấy đáng thương nhưng cũng vừa đáng căm phẫn vì quá man rợ. Đó là hành vi hoàn toàn vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả là nạn nhân chết. Nếu ông ấy biết kiềm chế bản thân mình chắc chắn một điều không có vụ án đau lòng như vậy.

Vụ cha vợ giết chết con rể: Pháp luật có khoan hồng? - 1

Hình ảnh ông Nam giết chết con rể rồi bình tĩnh dùng xe máy chở xác đến Công an đầu thú được người dân chụp lại chia sẻ trên mạng xã hội

Trong lúc này, ông Nam có nhiều cách để giải quyết, có thể ông bỏ đi nơi khác hoặc khuyên ngăn chàng rể hoặc trình báo cơ quan chức năng để có hướng giải quyết phù hợp nhưng ông đã chọn cách dùng dao phay, một công cụ gây án rất nguy hiểm, chém nạn nhân chết ngay tại chỗ.

Hành vi đó đã tước đi tính mạng của chàng rể - chồng của con gái mình dẫn đến hậu quả con gái mình phải  mất chồng, cháu ngoại của mình phải mất cha, vợ mình thì thiếu vắng đi người chồng, còn bản thân mình thì vướng vào vòng lao lý.

Xét về mặt pháp lý, hành vi của ông Nam đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” theo Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS 1999). Trong trường hợp này, ông Nam có thể bị đối diện với mức hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình theo điểm i khoản 1 Điều 93 BLHS 1999.

Sở dĩ áp dụng điểm i khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 vì: Công cụ gây án của ông Nam là con dao phay, một loại công cụ gây án rất nguy hiểm có sức sát thương cao. Ông Nam là người có đủ năng lực hành vi dân sự, có đủ khả năng nhận biết con dao đó nguy hiểm và thấy được hậu quả của hành vi mình gây ra nhưng ông vẫn cố tình dùng hung khí đó để chém nạn nhân cho đến chết.

Lúc này, ông Nam có thể chở nạn nhân đến bệnh viện để cấp cứu chứ không phải để cho nạn nhân chết mới chở xác nạn nhân đến cơ quan chức năng đầu thú. Hành vi đó không thể hiện rằng ông Nam có cố gắng khắc phục hậu quả mà mình đã gây ra. Điều đó cho thấy rằng, hành vi của ông Nam là hành vi có tính chất man rợ.

Cũng trong trường hợp này, tùy vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng ông Nam cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo điểm a Điều 95 BLHS 1999 và mức án mà ông Nam phải đối diện là hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nhưng không khả quan.

Theo luật sư Định, sau khi thực hiện hành vi trái pháp luật, ông Nam có tự ý thức và chủ động chở xác nạn nhân đến cơ quan chức năng để đầu thú. Kèm theo đó, ông Nam cũng có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra thì tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét và áp dụng thêm một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Nam.

Tân Phú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự