Bố vợ giết con rể rồi ra đầu thú: Xót thương nhưng không nên cổ vũ

Ngày 18/05/2016 19:01 PM (GMT+7)

Vụ việc bố vợ chém con rể rồi ra cơ quan công an đầu thú ở quận Gò Vấp, TPHCM đang được cộng đồng mạng tung hô là “người bố vĩ đại”.

TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng: Chúng ta chỉ có thể xót thương cho một người cùng quẫn nhưng tung hô theo kiểu đó là một nhận thức thiếu chuẩn mực.

Bố vợ giết con rể rồi ra đầu thú: Xót thương nhưng không nên cổ vũ - 1

Chân dung ông Nam. Ảnh: Internet

Vụ án gây sốc dư luận

Sự việc xảy ra vào chiều ngày 14/5, anh Tôn Thanh Việt (34 tuổi, trú tại quận Gò Vấp, TP HCM) đi uống rượu về đứng trước nhà bố vợ là ông Nguyễn Văn Nam (58 tuổi, ở quận Gò Vấp) chửi bới rồi đánh vợ. Thấy con rể đánh đập con gái mình, ông Nam bức xúc lấy dao ra chém nhiều nhát vào người Việt khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Gây án xong, ông Nam dùng xe máy chở xác nạn nhân đến công an đầu thú.

Cũng theo những thông tin ban đầu thì con gái ông Nam đã ly thân với anh Việt và đang lưu trú tại nhà bố đẻ. Trước đó, anh Việt đã từng nhiều lần uống rượu say đến nhà ông Nam chửi bới. Vụ việc xảy ra đã gây nên những luồng dư luận trái chiều. Nhiều người tỏ ra xót thương cho người cha trong vụ án. Họ cho rằng, vì quá thương con gái nên ông đã giết con rể và chấp nhận trả giá cho hành động của mình bằng cách đến công an đầu thú. Hành động này cho thấy, ông sẵn sàng và chuẩn bị cho việc ngồi tù. Một số ít thậm chí còn tỏ ra cảm phục người cha này và họ dùng những ngôn từ để thể hiện cảm xúc của mình như “cảm phục, kính nể”, “người cha vĩ đại”, “tình cha ấm áp như vầng thái dương”…

Nhưng bên cạnh đó cũng có luồng dư luận cho rằng, hành động của người cha không phải là vì thương con mà xuất phát từ cơn giận bộc phát, mất kiểm soát bản thân, để cho hung tính lấn át lý trí. Việc giết người xong rồi bình tĩnh chở xác đến công an để đầu thú cho thấy sự dã man, tàn bạo trong con người ông.

Để nhìn nhận vấn đề này như thế nào cho đúng mực, PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý. TS Kim Quý cho rằng, ở vụ việc này phải nhìn ở hai khía cạnh thì mới có cái nhìn khách quan và chuẩn mực: Thứ nhất là, tại sao ông bố lại có phản ứng như thế? Thứ hai là, ông ấy cũng là người làm sai. Sai vì ông đã giết người. Giết người là vi phạm pháp luật, là sự hung hãn, là thú tính. Nếu nhìn rõ cả hai khía cạnh đó thì khi đưa ra nhận xét, dư luận sẽ không bị rơi vào việc phán xét sai.

Khi con người rơi vào vô thức, bản năng

Qua đánh giá vụ việc, TS Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng, hành động của ông bố vợ cho thấy đã có sự dồn nén về mặt tâm lý từ trước. Ông này đã đau khổ về việc của cô con gái rồi, nhưng người con rể lại thường xuyên đến nhà gây rối nên uất hận cứ thế chồng chất. Tuy trong lòng uất hận nhưng ông bố này lại cứ im lặng chịu đựng nên sự uất hận đó dồn ứ cao độ trong lòng. Nếu ông cứ chia sẻ với mọi người thì ông sẽ giải tỏa được, đằng này ông chọn cách nhịn. Nhịn mà sự việc không thay đổi thì uất hận vì thế càng tăng. Khi uất hận cứ dồn nén mãi thì đến một lúc nó sẽ hết khả năng để “chứa”, sẽ bung ra theo kiểu giọt nước tràn ly, tức nước vỡ bờ…Và lúc này dồn nén chuyển thành hung tính, nó sẽ tấn công đối tượng gây cho nên cái hẫng hụt, đau khổ bấy lâu. Đây là phản ứng theo cơ chế tự vệ khi sức chịu đựng bị vượt quá giới hạn. Lúc này họ không biết dồn vào đâu nữa thì dùng hung tính để bật trở lại kẻ đã dồn mình. Lúc này hành động của họ hoàn toàn mất sự kiểm soát của lý trí. Họ bị điều khiển của bản năng hung tính để đáp trả những thứ đã gây ra những dồn nén, hẫng hụt cho họ bấy lâu. Gọi là cơ chế tự vệ, cơ chế phòng vệ tâm lý là vì vậy. Bởi cơ chế tự vệ nó mang tính vô thức, bản năng.

Ở vụ việc này, người con rể đã đã gây cho ông bố vợ rất nhiều hẫng hụt, đau khổ, stress và uất ức. Sự im lặng và hành động của ông bố này cho thấy, ông không chia sẻ được với những người xung quanh. Nếu ông nói ra sự uất ức đó bằng lời, chia sẻ với mọi người, giải tỏa ấm ức bằng đấm đá vào các đồ vật vô tri vô giác thì nó sẽ tốt hơn. Hoặc là tìm mọi cách để giải quyết vấn đề cho con gái bằng báo cáo chính quyền, để giải quyết vấn đề này của con rể nhưng ông không làm được mà chỉ chọn cách chịu đựng, dồn nén. Ông bị uất ức nhưng chỉ dùng mỗi phản ứng là dồn nén nên mới xảy ra sự việc quá sức tưởng tượng của mọi người như vậy.

Hành động “chấp nhận ngồi tù cho cả nhà được yên” liệu có nên coi là một sự xả thân? Bởi hành động giết người cũng là biểu hiện cao nhất của sự thú tính trong con người. Bây giờ có thể ông bố chưa nhận ra nhưng đến một lúc nào đó, khi ngồi trong tù rồi, khi đủ sự bình tâm lại ông sẽ ân hận cho việc làm dại dột của mình. Nói là dại dột vì tưởng là thương con nhưng thực chất là ông đang hại con gái ông, tước đoạt mạng sống của cha các cháu ngoại của ông. Hành động của ông cũng gây nên một sự ám ảnh, nếu truyền thông hay cộng đồng xử lý không khéo sẽ gây nên những nỗi đau khác. Đặc biệt là đối với tâm trí của đứa cháu khi nghĩ về ông, về bố của mình. Cháu bé sẽ nhận thức thế nào về việc ông ngoại giết bố? Điều đó rất khó để giải thích cho một đứa trẻ trong quá trình chúng đang dần lớn lên…

Bố vợ giết con rể rồi ra đầu thú: Xót thương nhưng không nên cổ vũ - 2

“Dư luận vì tình cảm mà coi người bố này như một người cha đáng kính nể, vĩ đại, hy sinh tính mạng của mình vì con là sai. Bởi như vậy sẽ vô tình cổ súy cho hành vi giết người. Hành vi giết người của ông do xuất phát từ cơ chế phòng vệ tâm lý nhưng vẫn là hành vi phạm pháp luật. Thông cảm cho ông bố nhưng không thể đồng tình với hành vi giết người. Chúng ta chỉ có thể xót thương cho một người cùng quẫn nhưng tung hô theo kiểu “là người bố vĩ đại” là một nhận thức thiếu chuẩn mực”.

TS Nguyễn Thị Kim Quý

Theo Ngân Khánh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự