"Sự việc này đã diễn ra từ lâu, thanh tra đã làm việc và đưa ra kết luận. Bản thân tôi cũng mong muốn nếu phản ánh không đúng thì phải xử lý người đi tố cáo, còn nếu đúng, chúng tôi phải chịu trách nhiệm".
"Những sự việc thế này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Bệnh viện và cá nhân tôi", Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt Hà Nội Vũ Thị Thanh giải thích khi trao đổi với PV Infonet xoay quanh những nội dung tố cáo của BS Nguyễn Thị Thu Thủy về việc "tráo thủy tinh thể" tại BV Mắt Hà Nội.
Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội Vũ Thị Thanh |
BS Thủy và một đồng nghiệp khác tố cáo bệnh viện đánh tráo dịch nhầy khi mổ cho bệnh nhân để kiếm tiền chênh lệch. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Cả một năm liền thanh tra vào cuộc làm việc rất rõ bệnh viện chúng tôi đấu thầu bao nhiêu, mua bao nhiêu ống dịch nhầy, mổ trên bao nhiêu bệnh nhân, sử dụng hết bao nhiêu ống...
BS Thủy hiểu là tôi cho bệnh nhân mua, sử dụng không hết rồi lấy tiền chênh cho vào túi tôi. Chị ấy không hiểu bản chất vấn đề. Bản thân tôi lúc đầu khi đưa sự việc này ra cũng thấy choáng, không hiểu tại sao nó như thế.
Chúng tôi đã nhờ Viện Mắt Trung ương, nhờ một số người trong Bộ Y tế xây dựng định mức sử dụng cho một bệnh nhân sử dụng kỹ thuật đó thì có thể xê dịch chút ít, nhưng không được vượt quá trần. Nếu vượt trần thì bệnh viện sẽ chịu thiệt, vì phải chi trả cho bệnh nhân.
Nhưng chúng tôi cũng sơ suất ở chỗ thời điểm ấy không công bố công khai chi tiết của dịch vụ đó, nếu công bố chi tiết sẽ dễ hiểu hơn. Nhưng con số đó đã có sự tham khảo của các bệnh viện khác rồi. Từ trước chúng tôi đã công khai niêm yết trong bệnh viện.
Chúng tôi cũng có sơ suất đã làm theo một cái nếp từ xưa tới nay. Đến khi kiểm tra lại thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận là có những cái sơ suất. Sau đó Sở Y tế đã có công văn yêu cầu hoàn chỉnh, công khai lại và tôi đã làm luôn.
Theo bảng công khai bệnh viện có công bố chi tiết từng loại sản phẩm không?
Bệnh viện công bố chi tiết hết, mỗi bệnh nhân được sử dụng một ống dịch nhầy luôn. Không phải là loại 230.000, hay 490.000 đồng mà lên gần 600.000 đồng. Giá này bệnh nhân phải chi trả thôi chứ chúng tôi không bắt. Bây giờ tự thanh tự chi, bệnh nhân dùng hết bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.
Được biết một số trường hợp sử dụng gói nhầy của Ấn đã bị phản ứng sau khi mổ, bệnh viện lý giải gì về việc này?
Chính vì lý do đó nên chúng tôi đã mời Viện Mắt Trung ương, họ đã trả lời chưa có nghiên cứu nào xác minh của Ấn Độ, Mỹ hay của nước nào đó thì cái nào sẽ tốt hơn cái nào. Cái gì được Bộ Y tế Việt Nam cho phép lưu hành thì vẫn đảm bảo chất lượng. Tất cả các bệnh nhân của bệnh viện chưa có biến chứng về dịch nhầy.
Có ý kiến cho rằng việc dùng chung một kim truyền dịch sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao, bà lý giải gì về vấn đề này?
Nói việc dùng chung hơi nặng nề, bởi vì không thể dùng chung kim từ bệnh nhân này sang bệnh nhân kia được. Trong phẫu thuật nguyên tắc vô khuẩn đặt lên hàng đầu. Nếu không đảm bảo vô khuẩn người chết đầu tiên là chúng tôi. Do đó việc vô khuẩn phải đặt lên hàng đầu. Nên không thể nói là dùng chung kim được.
Chị có thể giải thích rõ hơn về quy trình này?
Mỗi một bệnh nhân sẽ phải dùng một xi lanh riêng. Loại của Mỹ thì có một kim tiêm đặc chủng. Còn của Ấn Độ thì khác. Nhưng kim tiêm thì có rất nhiều.
Nghĩa là sản phẩm của Mỹ thì chỉ có một kim tiêm, còn của Ấn Độ thì có nhiều?
Đùng rồi, có nhiều em ạ!
BS tố cáo và cũng là người phụ mổ trong bệnh viện lại phản ánh một chiếc kim tiêm dùng cho hết người này đến người khác, và với thời gian ca mổ chỉ 7 phút, không có điều kiện để vô trùng. BS giải thích sao về vấn đề này?
Bệnh viện Mắt Hà Nội
Không có điều kiện vô trùng thì sẽ bị nhiễm trùng. Mà bệnh nhân đã bị nhiễm trùng thì bệnh viện đâu ổn định được như thế này. Nếu viêm nhiễm, hay có vấn đề gì thì bệnh nhân sẽ là người đầu tiên đến đây. Tôi rất tự hào là từ ngày làm lãnh đạo đến giờ chưa có một trường hợp nào.
Khi thay toàn bộ dụng cụ trang thiết bị đều phải sấy, không thể có chuyện chuyển xi lanh từ bệnh nhân này sang bệnh nhân kia được. Nghe đã phi lý rồi. Hoàn toàn phải vô trùng, nếu không bơm vào mắt bệnh nhân sẽ nhiễm trùng ngay. Công tác vô khuẩn trong ngành mắt phải đặt lên hàng đầu.
Nhưng khi trao đổi BS Thủy lại phản ánh đã có những bệnh nhân đến bệnh viện nói bị phản ứng sau khi mổ?
Trong phẫu thuật có nhiễm trùng ngay sau mổ, trước kia cái này xảy ra nhiều lắm, đây là cũng cái đáng sợ nhất trong ngành nhãn khoa và được coi là vô phương cứu chữa.
Nhiễm trùng sau mổ có nhiễm trùng gần (24 tiếng), nhiễm trùng xa (24 – 36 tiếng). Có những bệnh nhân đến sau một tuần, thậm chí sau 2 – 3 tháng mới quay lại, nhiều khi nó là bệnh lý xảy ra trên mắt đã được phẫu thuật. Đó là điều bình thường trong nhãn khoa. Còn nhiễm trùng như tôi vừa nói ở trên thì chưa xảy ra trường hợp này.