Có lẽ người dân thôn Yên Thái (xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) sẽ không bao giờ quên được cái ngày định mệnh 1/1/2016 đã cướp đi cùng lúc 8 sinh mạng của vùng quê nghèo này.
Giữa cái rét như cắt da, cắt thịt của những ngày đông, đoàn xe tang của các nạn nhân nối đuôi nhau, lầm lũi đi trong tiếng khóc thét gào của những người ở lại.
Ngày định mệnh
Vụ tai nạn thảm khốc trên xảy ra vào khoảng 16h ngày 1/1 tại lò vôi của gia đình ông Lê Văn Thong (57 tuổi, trú tại thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Theo nhiều nhân chứng kể lại, vào thời điểm trên, khi ông Lê Văn Tuyên (SN 1963, công nhân lò vôi) đang xếp nguyên liệu là than và đá cho đầy lò thì bất ngờ bị ngạt khí ngất xỉu trong chiếc hố sâu 2m, đường kính 4m. Phát hiện ra vụ việc, ông Thong lập tức hô hoán mọi người xung quanh rồi lập tức nhảy xuống hố sâu nhằm cứu người gặp nạn. Nhưng chưa kịp đưa được ông Tuyên ra khỏi lò, ông Thong cũng gục ngay tại chỗ. Trong giây phút hoảng loạn, hai con gái của ông Thong là Lê Thị Mai (SN 1985) và Lê Thị Nga (SN 1990) đang làm việc gần đó cũng lao tới, nhào xuống hố để cứu cha nhưng đều bị ngạt khí. Sự việc chưa dừng lại, khi có thêm 5 người nữa trong đó có cả vợ ông Thong là bà Lê Thị Nguyên cũng nhảy xuống hố cứu người và nhận chung kết cục.
Những tiếng gào khóc, la hét vang vọng khắp một vùng quê. Với khuôn mặt vẫn chưa giấu hết sự bàng hoàng, ông Lê Đình Ngọc (53 tuổi, em họ ông Thong) nhớ lại: “Vào thời điểm đó, tôi đang trông cháu ở nhà thì nghe thấy những tiếng la hét thất thanh bảo có nhiều người gặp nạn ở lò vôi của gia đình ông Thong. Không giữ được bình tĩnh, tôi vội vàng chạy tới thì chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, rất nhiều người nằm bất động dưới hố lò vôi, khói bốc lên nghi ngút. Lúc đó, có rất nhiều người định lao xuống, nhưng tôi đã xua tay ngăn lại vì biết rằng trong lò có khí độc. Liền sau đó, tôi chạy về lấy một chiếc quạt công suất lớn của gia đình mang tới, thổi gió vào hố lò để khí độc loãng ra rồi lập tức bảo những thanh niên khỏe mạnh nhảy xuống đưa người gặp nạn đi cấp cứu”.
Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: N.Hưng
Trong tổng số 9 người gặp nạn tại lò vôi khi được chuyển vào bệnh viện thì 8 người đã tử vong ngay lúc được đưa ra khỏi lò. Trường hợp duy nhất là bà Lê Thị Nguyên vẫn còn thở thoi thóp. Theo thông tin mới nhất mà PV mới nhận được thì bà Nguyên đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Đêm 1/1 vừa qua, người dân thôn Yên Thái gần như thức trắng. Họ thức trong tâm trạng hoảng hốt, sợ hãi đến kinh hoàng. Bà Nguyễn Thị Huệ, một người dân địa phương, đôi mắt đỏ ngầu nói trong tiếng nấc đau đớn: “Từ xưa tới nay, chưa bao giờ cái làng quê này chứng kiến một lúc nhiều người chết đến thế. Có lẽ hình ảnh những khuôn mặt tím ngắt của các nạn nhân khi được đưa ra từ lò vôi sẽ ám ám ảnh tôi và những người dân nơi đây đến hết cuộc đời”.
Ngay trong đêm, tin dữ từ bệnh viện chuyển về, liền sau đó là những chiếc quan tài của các nạn nhân nối đuôi nhau trở về gia đình để mai táng hòa lẫn trong tiếng khóc thét gào xé toang màn đêm. Những người thân của các nạn nhân xấu số ngất lên, ngất xuống. Gia đình ông Lê Văn Thong thiệt hại nặng nề nhất khi có 4 người thương vong. Đặc biệt, con gái đầu của ông là Lê Thị Mai đang mang thai tháng thứ tư.
Theo tìm hiểu của PV, hai con gái của ông Thong vốn làm ăn xa nhà, dịp Tết Dương lịch này về nhà thăm bố mẹ. Chẳng thể ngờ rằng, đấy là lần cuối cùng các cô được đoàn tụ cùng gia đình. Những người trực tiếp xuống hố lò vôi đưa thi thể các nạn nhân lên mặt đất, không ai không nhớ hình ảnh hai cô con gái ông Thong ôm chặt lấy cha mình cho tới lúc chết. Nhiều nạn nhân do người thân đều đi làm ăn xa đã được chính quyền địa phương cùng nhân dân đứng ra tổ chức tang lễ.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Huyện ủy Nông Cống đã tổ chức một buổi họp báo tại trụ sở UBND xã Hoàng Giang để thông tin về vụ việc. Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Nông Cống cho hay, nguyên nhân bước đầu khiến các nạn nhân tử vong được các cơ quan chức năng xác định là do hít phải quá nhiều khí CO. Mặt khác, những người dân vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc sơ cứu những người gặp nạn khi hít phải khí độc. Còn kết luận cuối cùng đang chờ cơ quan điều tra tiến hành làm rõ. Khu vực lò vôi nơi xảy ra vụ việc đang được phong tỏa, cấm người dân vào. Trước sự mất mát to lớn của các gia đình nạn nhân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ các nạn nhân tử vong mỗi người 5 triệu đồng, người bị thương 3 triệu đồng. Trong khi đó, UBND huyện Nông Cống cùng xã Hoàng Giang hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong 10 triệu đồng, người bị thương số tiền 7 triệu đồng. Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã gửi báo cáo lên Đại tướng Trần Đại Quang thông tin bước đầu về vụ việc. |
Làm gì để cứu người ngạt khí CO Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội): CO là khí rất độc bắt nguồn từ việc cháy chưa hết của than và hơi nước. Loại khí này thường xuất hiện ở khu vực lò vôi, lò gạch. Khí CO gây ngạt khí và khiến người tiếp xúc trực tiếp với nó bị hôn mê rất nhanh. Trong trường hợp gặp người bị ngạt khí CO, việc đầu tiên phải làm là cho không khí bên ngoài tràn vào hoặc lấy cành cây, chăn màn…vv để xua làm loãng khí độc cung cấp nguồn ôxy cho người bị nạn. Người đến cấp cứu nạn nhân cũng nên gọi thêm người đến hỗ trợ, đề phòng bị ảnh hưởng của khí độc. Quá trình tới viện, nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh cần phải hà hơi, thổi ngạt. |