Những ngày qua, thông tin phụ huynh phản ánh suất ăn bán trú giá 33.000 đồng tại Trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM với lèo tèo thức ăn gồm: 1 ít cơm, 1 ít giá đỗ, 2 quả trứng ốp la, đang gây sốt mạng xã hội.
Theo báo Dân Trí, nội dung phản ánh thể hiện, suất ăn ngày 20/10 chỉ có 2 quả trứng ốp la và một ít rau giá xào. Học sinh sẽ lấy thêm cơm và canh.
Một hình ảnh khác cũng được phản ánh tại đơn vị này cho thấy chỉ xuất hiện 2 miếng thịt và canh có "sinh vật lạ".
Trước nội dung được đăng tải, nhiều người tỏ thái độ bất bình trước suất cơm bán trú giá 33.000 đồng nhưng hết sức nghèo nàn của học sinh. Mọi người cho rằng, suất cơm này chỉ có giá khoảng 15.000 đồng, thậm chí rẻ hơn nếu nấu theo số lượng lớn. Cụ thể, 2 quả trứng có giá 6.000 đồng, giá xào 3.000 đồng, cơm 5.000 đồng.
Tuy nhiên, một số người cũng hoàn nghi, cho rằng không thể có chuyện suất cơm bán trú dành cho học sinh cấp 3 mà "tệ" đến vậy.
Hình ảnh suất ăn bán trú 33.000 đồng chỉ có rau và trứng ốp la. Ảnh: Dân Trí
Trước sự việc, theo báo Dân Việt, ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa cho biết, trong thực đơn của trường không ngày nào có món trứng ốp la. Thực đơn này được trường dán công khai ở bảng tin và gửi trong các hội nhóm bán trú. Đối chiếu với thực đơn có 2 quả trứng ốp la như phụ huynh phản ánh, ông Hân cho biết, món chính của ngày 20/10 là bò viên rau củ. Tuy nhiên, việc học sinh có phần cơm trứng ốp la có thể do các em không ăn những món theo thực đơn mà đăng ký món ăn khác, bên cung cấp suất ăn sẽ đáp ứng. Trong đó, có em ăn chay, có ăn ăn cháo vì bị bệnh, và có em ăn trứng chiên/trứng ốp la...
Về suất cơm chỉ có 2 miếng thịt, ông Hân không phủ nhận nhưng cũng không khẳng định đây là suất ăn của trường. Ông Hân cho biết, hình ảnh đăng tải lên mạng xã hội, lại đăng ẩn danh, nhà trường không xác định được. Dù vậy, trong chiều 23/10, ông Hân cũng sẽ làm việc với bên cung cấp suất ăn cho trường, nếu làm chưa tốt thì cần làm tốt hơn; tránh tình trạng học sinh không đảm bảo dinh dưỡng để học tập, sinh hoạt.
Cũng theo ông Hân, ông đã làm việc với phó hiệu trưởng nhà trường và người quản lý đăng ký suất ăn cho học sinh, nếu phát hiện suất ăn có các vấn đề như thiếu, ít, có vật thể lạ... thì cần ghi nhận lại, có sự chứng kiến của 3 bên (học sinh, phục vụ và nhà trường) để làm minh chứng làm việc với bên cung cấp suất ăn.
"Ngoài các chi phí như mua thực phẩm, điện, nước, vận chuyển, vật tư, nhân công... , bên cung cấp suất ăn còn phải đóng thuế 8%. Hiện nay, tất cả các chi phí đều tăng, do đó, giá trị phần ăn sẽ bị giảm bớt. Còn nói nhà trường cắt xén tiền ăn của học sinh là không đúng, không có cơ sở nào để nói như vậy", ông Hân khẳng định.